Sáng 21/7, đối đáp lại ý kiến bào chữa của bị cáo Hoàng Văn Hưng (nguyên Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra – cựu điều tra viên chính vụ án chuyến bay giải cứu), đại diện Viện kiểm sát khẳng định việc truy tố bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, là đúng.
Trong phần đối đáp, Viện KSND Tối cao đã trình chiếu tài liệu chứng cứ liên quan vụ án, trong đó có clip ghi lại hình ảnh cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng nhận cặp số do lái xe của ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội mang đến cổng trụ sở Cơ quan An ninh điều tra.
Quá trình trình chiếu, đại diện viện kiểm sát đã thuyết trình các chi tiết, hành động của bị cáo Hoàng Văn Hưng được thể hiện trong clip, từ khi gặp một số người quen ở trụ sở đến việc nhận chiếc cặp số mà ông Hưng nói rằng bên trong chứa 4 chai rượu vang, còn ông Tuấn khai 450.000 USD.
Sau khi nhận chiếc cặp, Hưng gọi điện cho bị cáo Tuấn. Rồi mang chiếc cặp về xe ô tô của mình do lái xe của Hưng đậu chờ sẵn trước cổng cơ quan.
"Hưng lên xe trong thời gian hơn 7 phút. Sau đó lái xe rời đi và Hưng quay trở lại cơ quan", viện kiểm sát tiếp tục phân tích.
Về quy kết số tiền 450.000 USD trong chiếc cặp, viện kiểm sát phân tích: "Tuấn thông qua lái xe chuyển cho Hưng. Tuấn và Hằng khai phù hợp cùng xác nhận do Hưng yêu cầu, nên chuyển tiền...
Theo Viện kiểm sát, trong quá trình điều tra, truy tố, Hưng luôn có ý kiến bị cơ quan điều tra, Viện kiểm sát áp đặt, suy diễn, sử dụng chứng cứ một chiều.
Song Viện kiểm sát cho rằng, phía cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao đã thực hiện hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm tính khách quan, đúng với quy định pháp luật, bởi việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền công dân của Hưng mà ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và dư luận nói chung.
Viện kiểm sát phân tích, việc khởi tố Hoàng Văn Hưng với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 800.000 USD được đánh giá trên toàn bộ hệ thống chứng cứ từ việc bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Thiếu tướng, nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội) đưa tiền cho Hưng chỉ có hai người biết. Cơ quan điều tra đã áp dụng nhiều biện pháp điều tra, qua đó tổng hợp các hành vi khách quan của bị cáo Hưng để xác định ý thức chủ quan của bị cáo.
Đối với nội dung bào chữa mà bị cáo Hưng cho rằng: “Ngay sau khi điều tra, bị cáo yêu cầu được đối chất nhưng cơ quan điều tra không thực hiện ngay, mà gần kết thúc điều tra mới tiến hành cho đối chất; trong quá trình đối chất vi phạm nội dung, trình tự và việc cơ quan điều tra nhập vụ án là vi phạm pháp luật”..., đại diện Viện kiểm sát thấy bị cáo nguyên là một điều tra viên cao cấp, lẽ ra Viện kiểm sát không cần tranh tụng vấn đề này.
Tuy nhiên, do bị cáo cố tình khai làm khó nên Viện kiểm sát trích dẫn điều luật như sau: Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, điều tra viên muốn tiến hành đối chất phải có hai điều kiện, “một là có mâu thuẫn với lời khai của hai hay nhiều người; hai là đã tiến hành các hoạt động điều tra khác mà chưa giải quyết được mâu thuẫn”.
Viện kiểm sát giải thích, khi mới khởi tố bị can để điều tra có mâu thuẫn giữa hai lời khai, thời điểm này cơ quan điều tra chưa tiến hành các biện pháp điều tra khác nên chưa đủ điều kiện đối chất theo yêu cầu của bị cáo Hưng.
Viện kiểm sát nói bị cáo dựng chuyện vu khống cơ quan điều tra
Về nội dung Hưng cho rằng việc nhập vụ án là vi phạm quy định Bộ luật tố tụng hình sự, Kiểm sát viên cho hay, theo quy định mới của Bộ luật này, cơ quan điều tra nhập vụ án tiến hành điều tra trong các trường hợp bị can phạm nhiều tội.
“Bị cáo Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng phạm tội đưa hối lộ nhiều lần, trong giai đoạn trước là đưa hối lộ các bộ ngành, còn giai đoạn khi khởi tố vụ án là hành vi chạy án. Căn cứ Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra nhập vụ án là hoàn toàn có căn cứ”, Viện kiểm sát nêu.
Liên quan đến nội dung bị cáo cho rằng, "cơ quan điều tra khởi tố mang tính định kiến, nóng hổi, tùy tiện, liều lĩnh, xem nhẹ sinh mạng chính trị người khác, coi thường Bộ luật tố tụng hình sự, tư tưởng bắt nhốt là sẽ ra tội, mặc dù cùng cơ quan nhưng không được giải trình trước khi bị khởi tố, sau khi khởi tố hơn hai tháng không có hoạt động hỏi cung”.
Kiểm sát viên đối đáp trước khi khởi tố, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã phối hợp ghi lời khai bị cáo vào các ngày 5/1 và 6/1/2023, để bị cáo có cơ hội trình bày. Tuy nhiên, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội. Sau khi bị khởi tố bắt tạm giam, từ ngày 11/2/2023, điều tra viên liên tục hỏi cung bị can 8 lần, tiến hành đối chất hai lần vào các ngày 26 và 27/3/2023.
Khi tống đạt quyết định khởi tố bị can, Hưng có ý kiến không lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để đảm bảo chặt chẽ trong quá trình ghi lời khai, Kiểm sát viên đã tham gia hỏi cung trong 3 ngày liên tiếp, tham gia hai buổi đối chất.
Ngoài ra, trong giai đoạn truy tố, kiểm sát viên đã tiến hành phúc cung đối với bị can, những việc làm này được thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án.
“Việc điều tra viên, kiểm sát viên tham gia hỏi cung bị cáo nhiều lần như vậy mà bị cáo còn phủ nhận, dựng chuyện vu khống cho cơ quan điều tra thì việc bị cáo không thừa nhận việc đã nhận tiền từ bị cáo Tuấn càng thể hiện sự “tráo trở, dối gian của bị cáo”, Kiểm sát viên nói.
Qua nội dung trên, Kiểm sát viên nhận thấy bị cáo Tuấn và Nguyễn Thị Thanh Hằng, nói Hưng “tráo trở, dựng chuyện” là có lý do.