Công bố 10 doanh nghiệp ICT tiêu biểu nhất năm 2012

Danh sách 10 doanh nghiệp/tổ chức tiêu biểu nhất năm 2012 theo bình chọn của các hội, hiệp hội CNTT-TT (ICT) vừa được công bố tối ngày 5-3-2013 tại sự kiện Gặp gỡ ICT 2013 Xuân Quý Tỵ.

Công bố 10 doanh nghiệp ICT tiêu biểu nhất năm 2012

> MobiFone - 'Doanh nghiệp ICT chăm sóc khách hàng tốt nhất 2006'
> Gỡ bỏ rào cản trong ứng dụng CNTT-TT cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á

Danh sách 10 doanh nghiệp/tổ chức tiêu biểu nhất năm 2012 theo bình chọn của các hội, hiệp hội CNTT-TT (ICT) vừa được công bố tối ngày 5-3-2013 tại sự kiện Gặp gỡ ICT 2013 Xuân Quý Tỵ.

Các doanh nghiệp/đơn vị ICT tiêu biểu nhất năm 2012 vừa được vinh danh tại sự kiện "Gặp gỡ ICT năm 2013". Ảnh: V.H.

Trong đó, Viettel là doanh nghiệp viễn thông thành công tiêu biểu nhất. Năm 2012, doanh thu của Tập đoàn này đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 27.000 tỷ đồng. Theo bảng xếp hạng của Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), đến quý 1-2012, Viettel đã lọt vào Top 10 nhà khai thác có lượng thuê bao phát triển mới nhiều nhất thế giới. Hiện Viettel đã đầu tư ra nước ngoài ở 3 châu lục, đạt quy mô thị trường 110 triệu dân. Mục tiêu hướng tới là đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để đến năm 2015 có thị trường đạt quy mô 400 - 500 triệu dân và đến năm 2020 là 1 tỷ dân.

VDC là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet thành công tiêu biểu nhất. Năm 2012, VDC đạt doanh thu hơn 2.200 tỷ đồng. Năm 2013, VDC sẽ tập trung phát triển các dịch vụ truyền số liệu, CNTT, dịch vụ trực tuyến trên mạng Internet băng rộng,… để dẫn đầu thị trường về cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền điện toán đám mây, và đến năm 2015 sẽ nằm trong Top 5 đơn vị cung cấp giải pháp, ứng dụng CNTT hàng đầu Việt Nam.

FPT IS là doanh nghiệp cung cấp ứng dụng và dịch vụ CNTT thành công tiêu biểu nhất. Kết thúc năm 2012, FPT IS đạt trên 4.000 tỷ đồng doanh thu, 485 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó có hơn 180 tỷ đồng doanh thu từ thị trường quốc tế.

VNG là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung số thành công tiêu biểu nhất. Năm 2012, với doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 800 tỷ đồng, VNG đang vươn lên vị trí số 1 Việt Nam trong lĩnh vực doanh nghiệp công nghệ số. VNG đầu tư phát triển mạnh những sản phẩm nội dung số ứng dụng trên điện thoại di động (mobile) như Zalo, Zing News Mobile,… Đầu năm 2013, Zalo đã được đánh giá là ứng dụng tin nhắn miễn phí số 1 tại Việt Nam. Không chỉ phát triển mạnh trong nước, VNG còn xuất khẩu trò chơi trực tuyến sang các thị trường như Nhật, Trung Quốc. Mục tiêu của VNG sẽ mở rộng thị trường quy mô 41 triệu dân vào năm 2014 tại Việt Nam và đạt quy mô thị trường 1 tỷ dân vào năm 2024 trên toàn cầu.

Techcombank là ngân hàng sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến thành công tiêu biểu nhất.Tới cuối năm 2012, Techcombank đã hoàn tất kết nối với 5 cổng thanh toán hàng đầu Việt Nam (Smartlink, OnePay, Vban.vn, Ngân Lượng, Bảo Kim); khách hàng Techcombank có thể mua hàng trực tuyến, thanh toán hóa đơn với trên 3.000 website, trên 300.000 gian hàng trực tuyến; kết nối thanh toán tiền điện trực tuyến, nộp phí bảo hiểm trực tuyến, chuyển tiền qua điện thoại di động, thanh toán vé máy bay trực tuyến… Tốc độ tăng trưởng khách hàng sử dụng thanh toán trực tuyến năm 2012 tăng 36% so với năm 2011, giá trị giao dịch tăng 29%. Techcombank hiện là một trong những ngân hàng có hệ thống thanh toán trực tuyến tốt nhất Việt Nam.

FPT Software là doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT thành công tiêu biểu nhất. Với gần 5.000 nhân viên làm việc trong nước và quốc tế, FPT Software đang là công ty xuất khẩu gia công phần mềm lớn nhất Việt Nam. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng doanh thu của FPT Software đạt hơn 30%, đạt mốc 81 triệu USD, tương đương 1.700 tỷ đồng. Để đưa Việt Nam có vị trí trên bản đồ CNTT thế giới, FPT Software đã ứng cử và đạt giải thưởng quốc tế “Top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu năm 2012” do Công ty truyền thông Global Services (Ấn Độ) và Công ty tư vấn NeoGroup (Mỹ) đánh giá.

DTT là doanh nghiệp cung cấp và triển khai các dịch vụ phần mềm nguồn mở thành công tiêu biểu nhất. DTT là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tích hợp thành công nền tảng Chính phủ điện tử trên các công nghệ phần mềm nguồn mở tiên tiến như Korean eGovFrame, Alfresco, Liferay,… Năm 2012, DTT đạt doanh thu thuần gần 100 tỷ đồng, thành công trong việc cung cấp nhiều giá trị gia tăng cao như tư vấn chiến lược, thiết kế kiến trúc tổng thể, thiết kế hệ dữ liệu lớn tại Việt Nam.

VietnamNet là báo điện tử thành công tiêu biểu nhất. Năm 2012, báo điện tử VietnamNet đã đạt 2 tỷ pageviews/tháng, trên 1 triệu visitor/ngày và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước trao tặng.

Kênh truyền hình Văn hóa Việt (NetViet) của VTC10 là kênh truyền hình đối ngoại tiêu biểu nhất. Sau 3 năm thành lập kể từ 2009, NetViet đã có mặt trên 18 quốc gia và vùng lãnh thổ có đông người Việt sinh sống như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan,… Năm 2012, NetViet là kênh truyền hình đầu tiên của Việt Nam được tập đoàn Orange TV (một trong những hãng truyền hình lớn nhất châu Âu) lựa chọn để cung cấp thông tin cho hàng triệu khán giả.

Đại học FPT là trường đại học đào tạo chuyên ngành CNTT thành công nhất. Năm 2012, Đại học FPT trở thành trường đại học Việt Nam đầu tiên chính thức được xếp hạng Ba Sao theo chuẩn QS Star (một trong những chuẩn xếp hạng đại học uy tín nhất thế giới). Đại học FPT đang thực hiện chiến lược “Go Global” - mở phân hiệu tại nước ngoài, tăng cường tuyển sinh quốc tế, thu hút nhiều giảng viên nước ngoài, hướng tới xuất khẩu giáo dục Việt Nam ra thế giới.

Hoạt động bình chọn 10 doanh nghiệp/tổ chức ICT thành công tiêu biểu năm 2012 được các hội, hiệp hội về CNTT-TT đồng tổ chức, chính thức phát động từ 30-1-2013, bắt đầu nhận đề cử từ 10/2 đến 18/2/2013. Theo đó, các hội, hiệp hội sẽ đề cử doanh nghiệp tiêu biểu nhất trong lĩnh vực hoạt động của mình, căn cứ vào các con số về doanh số, tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận, các giải thưởng đạt được… (không áp dụng cho lĩnh vực truyền thông số vì khó có thể đo đếm sự thành công tiêu biểu bằng doanh số, lợi nhuận).

10 doanh nghiệp/tổ chức nêu trên đã được đề cử bởi Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam (TDCA)… Sau khi được sự thống nhất bình chọn của các hội, hiệp hội CNTT-TT, Ban Tổ chức đã đề nghị từng doanh nghiệp được bình chọn cập nhật lại chính xác những thông tin về doanh số, tốc độ tăng trưởng,…

Theo Việt Hà
ITCNews

Theo Đăng lại