Con gái … cái bòn

TPO - Lương tháng nó không hề đóng góp cho tôi một đồng nào, dù ăn cùng bố mẹ. Đã vậy nó còn bòn mót “9 xu đổi lấy một hào” để gửi tiết kiệm riêng.
Ảnh minh họa: Internet

Tôi không muốn mang tiếng làm mẹ mà lại “vạch áo cho người xem lưng” khi mang chuyện con gái tôi, máu ruột tôi mang nặng đẻ đau, nuôi nấng, dựng vợ gả chồng, nay đã hơn 30 tuổi để “kể xấu” con mình.

Song tôi bức xúc quá, vả lại biết đâu qua câu chuyện nhà tôi sẽ là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh cho những cô con gái, nếu có “tính” giống con tôi thì hãy rút kinh nghiệm để sống cho tử tế với cha mẹ.

Gia đình tôi ở thị trấn của một tỉnh trung du, hai vợ chồng đều là cán bộ nhà nước, chúng tôi có hai con, cháu gái đầu nay đã 29 tuổi, cháu trai út 23 và cả hai đều đã tốt nghiệp đại học.

Chồng tôi làm kỹ sư xây dựng, theo công trình lớn, nhỏ xuôi ngược Bắc – Nam. Mọi việc trong nhà từ chăm sóc, thăm hỏi ông bà nội ngoại hai bên đến nuôi dạy con cái đều hầu như mình tôi gánh vác.

Khi con gái đầu đỗ đại học, vui mừng, tự hào nhưng cũng là gánh nặng oằn lưng của vợ chồng tôi vì thu không đủ bù chi.

Tôi phải ra chợ bán thêm hàng khô ngoài giờ làm ở cơ quan, công việc bận rộn xoay vòng khiến tôi quay như chong chóng.

Đến khi con gái ra trường thì con trai lại theo bước chị ra thành phố học đại học. Chồng tôi chỉ thỉnh thoảng ghé qua nhà, đưa cho vợ ít tiền rồi lại đi biền biệt. Dù thông cảm với vợ, anh cũng chẳng biết làm thế nào, chỉ động viên tôi dù vất vả đến đâu, cũng phải cố gắng xoay sở cho con ăn học đến nơi đến chốn.

Những tưởng sự hi sinh, vất vả của vợ chồng tôi sẽ được đền đáp khi con gái ra trường có việc làm ổn định, hóa ra lại không phải như vậy.

Từ ngày đi làm rồi có người yêu, con gái tôi thay đổi tính tình nhanh chóng, nó bắt đầu thu vén để lo cho cuộc sống cá nhân sau này.

Lương tháng nó không hề đóng góp cho tôi một đồng nào, dù ăn cùng bố mẹ. Đã vậy nó còn bòn mót “9 xu đổi lấy một hào” để gửi tiết kiệm riêng.

Nuôi con ai nỡ tính công, thôi thì bữa ăn thêm đũa thêm bát, nhưng đến khi may sắm quần áo, thậm chí đi thăm đồng nghiệp ốm nó cũng thẽ thọt vay tiền tôi, lần nào cũng hứa đến kỳ lương sẽ trả.

Thế nhưng mười lần như cả mười, chưa khi nào đến kỳ lương mà nó tự nguyện trả tôi những khoản đã vay, còn tôi, mẹ con, cũng chưa khi nào nói với con phải trả cho mình những khoản ấy.

Rồi nó đi lấy chồng, trước ngày cưới, nó đòi bố mẹ phải cho nó của hồi môn là chiếc xe máy tay ga xịn và hai cây vàng.

Với lý do nó là con gái, đi lấy chồng là xong, nhà cửa sau này là của em trai, chả dễ gì mà nó được hưởng.

Vợ chồng tôi cũng chẳng dư giả gì, nhưng trước yêu cầu ấy của con, chồng tôi cũng cố gắng để con có được niềm vui, tự hào với bạn bè, với gia đình nhà chồng.

Tưởng đến đây là yên chuyện với nó, vợ chồng tôi có thể nghỉ ngơi tuổi già khi con trai ra trường có việc làm và tự nuôi được bản thân, không ngờ con gái tôi vẫn giữ nguyên cái tính bòn mót.

Nó ghé nhà tôi thường xuyên, nhất là khi con trai đầu lòng của nó bắt đầu biết ăn, biết chạy. Khi đến nó đi tay không, nhưng khi về thì tay xách nách mang, nó vét từ miếng thịt, cân cá trong tủ lạnh, đến chai dầu ăn, chai mắm, thậm chí cả gói bánh, gói kẹo…

Tôi tỏ thái độ thì nó gắt gỏng “con lấy cho thằng cu chứ vợ chồng con có ăn đâu mà bà giữ?”

Nó nói vậy có khác nào bảo tôi là bà ngoại mà tiếc của, giữ không cho cháu ăn uống.

Đỉnh điểm là việc nó xây nhà, bảo nhà chồng cho đất, còn chúng tôi hỗ trợ nó ít tiền. Tôi bảo nó bố làm xây dựng, có kinh nghiệm tính toán thì nhờ bố cho đỡ tốn kém, nhưng nó nhất quyết không nghe, thích phô trương hoành tráng.

Cuối cùng nợ tùm lum, nó lại về nhăn nhó, trình bày hoàn cảnh, gạt nợ sang cho bố mẹ già…

Người ta bảo, “con gái mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang sang”, còn con gái tôi thì đúng là “con gái cái bòn”, tôi buồn và thất vọng về nó quá”.