Tốn tiền và khiến con nhẹ cân
Chị Minh Thu, Đội Cấn, Hà Nội từ lúc biết có thai đã thường xuyên đi siêu âm cho yên tâm. Tổng cộng đến lúc sinh, chị siêu âm tới 18 lần. Thậm chí, từ khi thai 6 tháng, mỗi lần siêu âm chị còn in ảnh, in đĩa về cho cả gia đình cùng xem và giữ làm kỷ niệm.
Tương tự, chị Nguyễn Thu Hoa, Giảng Võ, Hà Nội đã siêu âm tới 15 lần trước lúc sinh. Mọi lần siêu âm, kết quả đều cho thấy thai nhi khỏe mạnh bình thường. Nhưng đến ngày chờ sinh, bác sỹ khác lại kết luận con chị bị dị tật ống tiêu hóa. Chị Hoa đau khổ “tôi không biết tại sao bác sỹ kết luận như vậy vì các lần siêu âm tôi toàn siêu âm 4 màu và đều kết luận bé không có bất kỳ dị tật gì”.
GS.TS Nguyễn Đức Vy, Nguyên Giám đốc bệnh viện Phụ sản TƯ, Chủ tịch Hội Sản phụ khoa Việt Nam cho biết, trường hợp như của chị Hoa, chị Thu là không phải là hiếm. Ông đã gặp nhiều trường hợp, thai hoàn toàn bình thường nhưng đến lúc sinh đã siêu âm thai tới 20 lần. Việc siêu âm nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. GS Vy cho biết, nghiên cứu của một bệnh viện ở Anh trên 15.000 thai phụ đã cho thấy, những thai nhi được siêu âm tự do không hạn chế số lần thì trọng lượng thai nhi khi sinh thấp hơn hẳn những trường hợp siêu âm theo đúng quy định. Hay một kết luận của Viện Hàn Lâm Y học Quốc gia Pháp và Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Pháp (AFSSAPS) cũng đã khuyến cáo các bà mẹ nên hết sức thận trọng đối với việc siêu âm thai ngoài mục đích chẩn đoán bệnh. Nguyên nhân là do bức xạ phát ra từ những máy siêu âm có thể gây hại cho thai nhi - gây nguy cơ bào thai bị nứt đốt sống hay sinh ra những quái thai như không có não, bị thoái vị não, não lòi ra ngoài sọ…
Hiện nay chưa có nghiên cứu rộng rãi nào để khẳng định tác hại của siêu âm đối với thai nhi nhưng không ai dám khẳng định rằng siêu âm là hoàn toàn vô hại. Đặc biệt bác sỹ Vy nhấn mạnh: “Nhất là đối với những thai dưới 8 tuần tuổi- thời điểm mà các tổ chức thai đang được sắp xếp thì không ai dám chắc chắn rằng, bất kỳ loại tia nào (trong đó có tia siêu âm) không ảnh hưởng đến sự hình thành của thai”.
Còn TS. Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung Tâm công nghệ Phôi (Học viện Quân y) thì cho hay: Hiện nay VN chưa có nghiên cứu nào chứng minh cụ thể ảnh hưởng của sóng siêu âm đến thai nhi. Tuy nhiên, ở Mỹ đã có một nghiên cứu cho thấy, sóng này gây ảnh hưởng, nhất là trong 3 tháng đầu, khi trẻ đang hình thành các bộ phận, đặc biệt là cơ cơ quan sinh dục, gây ra các rối loạn.
In hình thai ra đĩa - càng nguy hiểm
Bên cạnh đó, dịch vụ in đĩa CD, hoặc VCD để các bà mẹ đem đĩa về gia đình cùng xem tim thai hoặc xem hình ảnh của đứa trẻ trong bào thai đã trở thành mốt của nhiều gia đình. Rất nhiều phòng khám thai khích lệ thai phụ làm điều này để kiếm thêm tiền. Những bác sỹ Vy cho rằng hành động này cần phải xem xét. Để quay rõ nét nhất và “quảng bá” lâu hình ảnh em bé cũng như “nhấn mạnh” giới tính nam hay nữ sẽ đòi hỏi thai phụ phải nằm lâu trong quá trình siêu âm, điều đó có nghĩa là tia bức xạ có thể nhiều đến mức gây hại cho cả mẹ và con.
Theo bác sỹ Vy, phong trào quay băng qua đường siêu âm và ghi hình bằng đĩa đã có sớm hơn ở nước ngoài và bị cảnh báo rất nhiều.
Thực hiện 3 lần là đủ
Siêu âm chỉ giúp phát hiện các bất thường về hình thái - nghĩa là những gì nhìn thấy được - chứ không chẩn đoán được các rối loạn về chức năng. Có khi hình thái của cơ quan không bình thường nhưng chức năng vẫn tốt và ngược lại. Các rối loạn chức năng chỉ có thể phát hiện chính xác sau khi em bé ra đời. Vì vậy, cũng không nên quá lạm dụng nó. Trong tháng 9 tháng 10 ngày mang thai, nếu không có gì bất thường thai phụ chỉ cần siêu âm 3 lần là đủ. Lần đầu vào tuần thứ 12 – 14 nhằm kiểm tra sức khỏe của phôi thai, số lượng thai, thai có phát triển bình thường hay không, dự tính ngày sinh... Lần 2 lúc thai 21- 22 tuần, để chẩn đoán và theo dõi thai nghén, kiểm tra chiều dài tứ chi, đường kính sọ não, các cơ quan nội tạng. Lần thứ ba vào tuần thứ 32 nhằm phát hiện những khác thường về hình thái, hình dáng, khối lượng nước ối, thai chết lưu...
Trường hợp đủ ngày sinh nhưng thai phụ vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ có thể siêu âm thêm lần thứ 4, thứ 5 để đánh giá quá trình chuyển dạ, khối lượng nước ối…
Ba chiều không tốt hơn 2 chiều
Giáo sư Vy khuyên, ngoài kỹ thuật siêu âm 2 chiều, lâu nay, nhiều phòng khám tư nhân thường quảng bá về kỹ thuật 3 chiều, 4 chiều hiện đại giúp nhìn rõ hình ảnh thai nhi. Tuy nhiên, không nên tin rằng 3 chiều tốt hơn 2 chiều.
Thông thường, người ta làm siêu âm 2 chiều, chỉ khi có nghi ngờ thì mới chuyển sang chức năng 3 chiều để xem thai có bị dị dạng không hoặc là những bất thường của thai trước khi sinh. “Còn phương pháp siêu âm 4 chiều thực chất cũng chỉ là siêu âm 3 chiều và có hình ảnh động”.
Bác sỹ Vy cũng cảnh báo, việc siêu âm thai nhi ở nước ta còn rất nhiều điều đáng phải bàn, bởi hầu hết những cơ sở siêu âm thai hiện nay đều của tư nhân không có đủ quy trình sử dụng đúng về bức xạ. Siêu âm giới tính của thai nhi đã trở nên phổ biến và gây không ít lo ngại. Vì vậy, ngoài việc tìm đến các cơ sở trin cậy, các bà mẹ chỉ nên siêu âm ở các bác sỹcó chuyên môn về chẩn đoán hình ảnh và có chứng chỉ siêu âm sản phụ khoa.