Tuy nhiên, sau niềm vui, người làm công tác quản lí văn hóa cũng như khán giả đều nhận thấy một số vấn đề nảy sinh. Lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn, khi chia sẻ: “Các đơn vị tổ chức trực tiếp gửi nội dung, xin cấp phép chương trình biểu diễn tại địa phương. Cán bộ văn hóa của khu vực sẽ trực tiếp thẩm định, loại bỏ những ca khúc, sự kiện có nội dung không lành mạnh. Việc thẩm định là một câu chuyện khó, có thể xảy ra rủi ro, đòi hỏi lãnh đạo địa phương phải có trình độ”. Song nếu chỉ có trình độ e rằng vẫn chưa đủ, người làm công tác quản lí văn hóa ở địa phương còn cần phải có bản lĩnh. Ồn ào ca khúc “Con đường xưa em đi” là một bài học đáng nhớ. Chỉ vì một bộ phận dư luận thắc mắc “Con đường xưa em đi” là con đường nào và một số những băn khoăn vô lí khác mà suýt nữa một ca khúc được khán giả yêu thích bị “án oan”.
Không ít người làm nghề và khán giả đưa ra giải pháp: Cục Nghệ thuật Biểu diễn nên đưa ra danh sách những ca khúc trước 1975 không được phổ biến hay nói cách khác có nội dung không lành mạnh để tiện cho cơ quan quản lí văn hóa các địa phương bớt lúng túng. Như thế cũng góp phần tạo sự thống nhất trên toàn quốc khi sử dụng ca khúc xưa, hạn chế sự bất nhất, có ca khúc ở tỉnh thành này được sử dụng song lại không được sử dụng ở địa phương khác.
Nhiều người làm nghề cho rằng, cơ quan quản lí “có đủ điều kiện, nhân lực và năng lực” để xây dựng danh sách các ca khúc không được phổ biến. Khán giả cũng có ý kiến tương tự: “Rà soát lại các ca khúc trước 1975, ca khúc nào không phù hợp thì đưa vào danh sách cấm, các ca khúc còn lại vẫn lưu hành bình thường. Dễ dàng thôi”. Song mọi chuyện không đơn giản và không dễ dàng. Bởi trước khi rà soát, cần có thống kê kho tàng ca khúc trước 1975. Đây chắc chắn là một việc mất thời gian, công sức, tiền của. Bởi ngoài những ca khúc đã quen thuộc, còn rất nhiều những ca khúc có số phận trong bóng tối, làm thế nào để có một thống kê đầy đủ? Nếu thống kê không đầy đủ sẽ đưa đến những danh sách ca khúc trong “vùng cấm” cũng không đầy đủ. Vậy, cũng sẽ phát sinh những rủi ro khác.
Khả thi hơn cả vẫn là đưa ra những biểu mẫu, qui định cụ thể, chi tiết để thẩm định một tác phẩm, thuận tiện không chỉ cho người làm công tác quản lí văn hóa, người kinh doanh nghệ thuật, hoạt động nghệ thuật mà cả khán giả.
Có lẽ ít người tính đến hiệu ứng ngược nếu danh sách những bài hát trước 1975 không được phép phổ biến ra đời. Còn nhớ, khi “Con đường xưa em đi” ồn ào, một trung tâm ca nhạc lớn ở hải ngoại đã lập tức chớp thời cơ tung bản “Con đường xưa em đi” qua giọng ca Như Quỳnh – Trường Vũ và hoan hỉ ngồi đếm “view” (lượt xem). Danh sách bài hát cấm tung ra, tưởng “cấm” được có khi lại kích thích săn tìm.