Cổ tích một chuyện tình

TPO- 34 tuổi, nhưng vóc dáng anh chỉ như cậu bé, vẻ mặt ngây ngô. Người lọt thỏm trong cái áo thun “đóng thùng” cùng chiếc quần jean đã bạc màu, anh giống cậu học sinh hiền lành. Và anh cũng có vợ.

Anh là Nguyễn Văn Hạnh. Chị vợ kém anh 10 tuổi, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác như anh, hỏi gì cũng cười, gật đầu, lắc đầu, thỉnh thoảng “ư ư” được vài câu không rõ tiếng.

Hai vợ chồng đều mang bệnh down do ảnh hưởng của chất độc da cam.

Nhưng trí tuệ đâu phải thước đo tình cảm, đo hạnh phúc của cuộc sống. Vì khi là vợ chồng họ cũng hạnh phúc, cũng săn sóc, quan tâm lẫn nhau…và biết cả ghen tuông.

Đám cưới to nhất nhà

Cuộc hôn nhân của anh Nguyễn Văn Hạnh (34 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thêm (24 tuổi) là câu chuyện đẹp về tình yêu thương, khát khao hạnh phúc. Dù rằng những khiếm khuyết, những vết hằn màu da cam làm hạnh phúc không tròn.

Cả Hạnh và Thêm đều không có khả năng lao động tự nuôi thân. Để đến được với nhau anh chị phải vượt qua sự ngăn cấm 5 năm trời của “mẹ”. “Mẹ” là Trần Thị Thanh Hương, giám đốc Trung tâm nuôi dạy người khuyết tật Thiện Giao (Trại nấm), Đồ Sơn, Hải Phòng.

Nỗi sợ hãi khi biết chuyện tình của hai đứa con dại cứ ám ảnh “mẹ Hương” suốt 5 năm trời. Bà kể chuyện tôi nghe xen lẫn tiếng ho khản đặc, nặng nề: “Tôi sợ không may Thêm dính bầu, sinh ra một thằng Hạnh, một cái Thêm nữa thì khổ. Tôi đã ra sức ngăn cấm, doạ nạt, cử người giám sát hạn chế chúng gần nhau. Tôi còn doạ thả Hạnh xuống ao vì Hạnh sợ nước. Nhưng tất cả đều không ăn thua, sểnh ra chúng đã trốn vào một góc nào không hay”.

Hai con người, hai số phận nhưng cùng một hoàn cảnh. Dù cả hai chậm phát triển trí tuệ, nhưng đều có bản năng sinh tồn, “trai đơn gái chiếc”, nảy sinh tình cảm khác giới là điều tự nhiên. Ghép hai mảnh ghép không lành lặn ấy là quyết định đúng đắn?

Thế rồi bà Hương nhận ra việc cấm đoán đôi trẻ là cổ hủ. “Con vật còn có tình cảm huống chi con người. Cùng sống trên một cõi đời, tại sao mình phải giằng dứt con mình ra. Mỗi lần bắt gặp chúng nó quấn lấy nhau, rồi bị mọi người tách ra mà thấy tội. Người nhiễm chất độc da cam chỉ sống một lần thôi và không bao giờ có nòi giống nữa. Chúng là con tôi, cũng là một kiếp người, vậy hãy cùng nhau sống vui vẻ chứ sao lại cấm đoán chúng”. Vì thế mà bà cùng mọi người quyết định tổ chức hôn lễ cho đôi trẻ.

Tháng 9-2011, đám cưới được tổ chức dưới sự chứng kiến của các thành viên ở Thiện Giao, sinh viên tình nguyện Hải Phòng và các nhà hảo tâm. Đây là đám cưới to nhất nhà, kéo dài 3 ngày với đầy đủ những lễ nghi thủ tục như đám cưới truyền thống: chụp ảnh cưới, cỗ bàn, có khách khứa ra vào tấp nập.

Ảnh cưới của anh chị Hạnh - Thêm.

Tuy phải chạy ăn từng bữa, nhưng bà Hương cũng hùn tiền để xây dựng ngôi nhà mới cho cặp uyên ương. Ngôi nhà cấp bốn nổi bật nhất ở Trại nấm, rộng khoảng 20m2, với mái tôn đỏ, là ngôi nhà “xịn” nhất ở đây. Trong nhà có đầy đủ các vật dụng cần thiết: giường ngủ, tủ quần áo và cả ghế sa-lon để tiếp khách. Bà vẫn gọi đó là nhà “VIP”, vì cái gì ở đó cũng mới, cũng đẹp hơn ở các căn phòng khác.

Tình yêu làm con người thoát khỏi sự tầm thường

Từ ngày lấy nhau, Thêm và Hạnh “khôn hơn hẳn”. Ngay cả “mẹ Hương” cũng ngỡ ngàng trước sự thay đổi của hai con. Gặp ai bà cũng hớn hở khoe, nửa đùa nửa thật: “Từ ngày lấy vợ, Hạnh “khôn” hơn bất kỳ người đàn ông nào trên đời. Ấy là nó biết: “Đội vợ lên đầu trường sinh bất tử”. Giờ nó còn nghe lời vợ hơn cả mẹ”.

Mẹ nói không nghe, không làm, nhưng chỉ cần vợ húng hắng, ậm ừ quát là Hạnh đi làm ngay. Muốn bảo Hạnh làm việc, bà Hương chỉ cần bảo Thêm nhắc nhở Hạnh là được. Hạnh bây giờ ngoan rồi, biết đi ra nhà tắm, không đại tiện ra nhà nữa. Không như trước đây một tháng Hạnh bậy ra nhà phải đến 9-10 lần. Nhìn các con bảo ban nhau làm việc giúp mẹ, bà cũng hài lòng.

Tôi đã từng ngạc nhiên khi nghe nói vợ chồng Hạnh – Thêm ghen lẫn nhau. Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến mới nhận ra rằng ghen tuông, tính độc chiếm, sở hữu trong tình yêu như một bản năng mà ai cũng có.

Thêm cũng vậy, cũng là người đàn bà biết ghen, lại ghen ác liệt. Khi Hạnh lại gần một bạn nữ nào là Thêm ghen, tỏ thái độ, hậm hực, cau mày trợn mắt lên với Hạnh. Hạnh thấy “ám hiệu” của Thêm thì lủi ra chỗ khác. Nhưng khi nào mà Hạnh không để ý thì Thêm bắt đầu “ư ư”, tay chống nạnh, hất hàm về phía Hạnh rồi ra dấu bắt Hạnh phải tránh đi.

Anh Hạnh tỏ tình với Thêm (ảnh do chị Hoàng Thị Hương cấp).

Không chỉ Thêm mà Hạnh cũng biết ghen, giận dỗi, và “quyết chiến” để chứng tỏ quyền sở hữu của mình. Chị Hoàng Thị Hương (một người khuyết tật ở Thiện Giao) kể: “Chỉ cần thấy Trầm (một người bị down khác – phóng viên) gần Thêm là Hạnh cáu ngay. Có hôm Trầm ôm Thêm, mọi người mới trêu Hạnh mất Thêm rồi. Hạnh khùng lên, ôm Trầm ra ngoài cột lấy dây trói. Nhưng người một nơi, dây trói cột một nơi. Bọn chị ôm bụng cười ra nước mắt. Trầm sợ quá khóc rống lên, Hạnh lại cứ thế túm tay lôi đi chỗ khác”.

Cuộc sống của đôi vợ chồng mới cưới làm nên những bất ngờ, góp tiếng vui nho nhỏ cho gia đình Thiện Giao – nơi không ai được hưởng cuộc sống đời thường trọn vẹn. Vậy là hai mảnh cuộc đời khi được ghép vào nhau đã hết đơn độc.

Tình yêu thương là động lực để bà Hương đấu tranh cho con mình quyền được sống và hưởng mọi giá trị trên đời như người bình thường. Nó là sức mạnh níu giữ những mảnh đời bất hạnh lại với cõi đời. Sống không đơn giản là được tồn tại, bởi tồn tại chỉ là sự góp mặt vô nghĩa trên cõi đời. “Con người có quyền được sống, hãy để người ta được sống, có tình yêu như hàng nghìn hàng vạn người khác”. Đó là tâm niệm, là mong ước mà bà Hương suốt đời theo đuổi.

Rời xa Hải Phòng, tôi mang theo những câu hát. Những câu hát đậm chất “Thiện Giao”, ngô nghê, những điệu nhạc và ca từ tự Hạnh nghĩ ra chỉ có “mẹ” Hương mới hiểu. Bài hát không tên, không người phổ nhạc nhưng thấm đẫm tình cảm của Hạnh dành cho vợ: “về đi em”, “cơm chín rồi”, “anh yêu em”, “cô Thêm vợ, anh yêu em”…

Theo Viết