Cổ phiếu ngân hàng: Thăng trầm cùng đại gia

TP - Hơn một tuần trở lại đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng tại hai sàn Hose và Hastc đột nhiên giao dịch mạnh với khối lượng chuyển nhượng lớn, nhất là tại một vài ngân hàng dự báo có thể sẽ có “biến”.

> Ngân hàng hết thời 'khoe' lãi khủng

Cổ phiếu Ngân hàng Quân đội (MBB) luôn duy trì được sự ổn định và được khối ngoại ưu thích.

Giao dịch tăng đột biến

Còn nhớ, sau sự kiện ngày 20-8 khi ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB bị khởi tố, cổ phiếu này đã tụt dốc không phanh từ mức giá 25.000 đồng/cp, giảm xuống chỉ còn 14.700 đồng/cp đến ngày 6-11.

Rất nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Sau biến cố đó, các nhà đầu tư càng tỏ ra hoang mang với những thông tin liên quan đến các lãnh đạo ngân hàng.

Mới đây, sự kiện ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Sacombank (STB) xin từ nhiệm và được mời hợp tác với cơ quan điều tra, khiến trong phiên giao dịch cuối tuần rồi vốn hóa thị trường mất hơn 3%, tương đương gần 25.000 tỷ đồng.

Trong một tuần qua, loại trừ MBB tăng 3,17%, các cổ phiếu còn lại đều giảm giá khá mạnh. Còn tính một quý vừa qua thì tất cả các cổ phiếu ngân hàng đều giảm điểm với mức dao động từ 20% đến 44%.

Trong đó, SHB sụt giảm mạnh nhất đến 44,2%, ACB là 43,4%. Đặc biệt, hai cổ phiếu SHB và NVB đang giao dịch dưới mệnh giá. Bất ngờ là hai cổ phiếu NVB và SHB có khối lượng giao dịch đột biến với hơn 6 triệu cổ phiếu NVB được chuyển nhượng trong ngày 6-11, trong khi đó SHB có giao dịch từ 5 triệu cổ phiếu trong nhiều phiên liên tiếp từ cuối tháng 10 đến nay.

Những giao dịch với khối lượng khớp lệnh vài chục triệu cổ phiếu tại EIB cũng gây chú ý cho giới đầu tư.

Trong lúc tình hình kinh tế vĩ mô không mấy khả quan, sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán, các thông tin về nợ xấu hàng trăm ngàn tỷ đồng - điểm nghẽn của nền kinh được đem ra mổ xẻ ở nhiều sự kiện và trong kỳ họp Quốc hội.

Ngoài tâm lý dễ bị tổn thương, nhà đầu tư hiện nay còn mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng khi các vấn đề bất ổn nội tại bắt đầu được soi kỹ hơn như “mạng nhện” về sở hữu chéo, tình hình báo cáo lỗ cả ngàn tỷ đồng hoặc thậm chí giấu lỗ, vấn đề sáp nhập, thâu tóm giữa các ngân hàng.

Bao giờ lấy lại ngôi vua?

Ngày 6-11, hơn 21,6 triệu cổ phiếu EIB được sang tên, trước đó, hơn 50 triệu cổ phiếu này cũng được thu gom trong hai ngày. Gây ấn tượng về khối lượng giao dịch, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra thắc mắc về nguồn gốc của các đợt chuyển nhượng có phần bí ẩn này.

Câu hỏi đặt ra liệu có hay không một sự thay đổi nào đó. Điểm sáng và có tính bền vững trên sàn chứng khoán tại thời điểm này “rơi” vào cổ phiếu MBB (Ngân hàng Quân đội) bởi mã chứng khoán này vẫn duy trì sự ổn định bền vững và số đông nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra thích thú.

Tuy nhiên, vấn đề được các nhà đầu tư chuyên nghiệp “mổ xẻ” nhất đó là cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn? Theo một chuyên gia tài chính, các chỉ số về EPS, P/E, P/B của nhóm ngành ngân hàng hiện nay vẫn đang hấp dẫn.

Chẳng hạn P/E của các cổ phiếu ngân hàng hiện nay phổ biến chỉ từ 3-6 lần, còn P/B dưới 1 lần. Đây là một mức rất thấp so với trước đó. Theo ông đây có thể là cơ hội tốt để đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng vì sau khi nền kinh tế phục hồi thì sẽ không có mức giá hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề bất ổn hiện tại như nợ xấu hay những tài sản bốc hơi của ngân hàng đang dự báo trong năm nay khiến lợi nhuận công khai theo báo cáo chưa hẳn đáng tin cậy là những e ngại khiến giới đầu tư trên sàn băn khoăn.

Thị giá được đánh giá là thấp nhưng liệu đã đến thời điểm để nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phiếu ngân hàng? Phân tích viên một công ty chứng khoán khẳng định: những biến số về nhân sự, nợ xấu, tái cơ cấu sáp nhập của ngành sẽ tác động trực tiếp và ngắn hạn.

Còn dài hạn sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng có hay không còn phụ thuộc vào phục hồi của nền kinh tế, của doanh nghiệp và chắc chắn ít hay nhiều nhóm cổ phiếu này vẫn còn hấp dẫn.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 8 ngân hàng đang niêm yết trên cả hai sàn là Ngân hàngÁ Châu (Mã CK: ACB), NH Vietinbank (CTG), NH Eximbabk (EIB), NH Quân đội (MBB), Nam Viet (NVB), Sài Gòn- Hà nội (SHB), Sacombank (STB), Vietcombank (VCB) chiếm hơn 20% vốn hóa toàn thị trường. Do đó mỗi một sự biến động của cổ phiếu ngân hàng đều có thể khiến cho các chỉ số thị trường chịu tác động mạnh

Theo Báo giấy