Cơ hội “tìm lại chính mình”

Ngày 24-12, tin vui từ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội): lần đầu tiên một bệnh nhân nam 19 tuổi được hồi sinh bộ phận sinh dục cụt ngủn 1cm bằng kỹ thuật vi phẫu tích.

Tin vui lan nhanh vì trước đó những trẻ bị khuyết tật bộ phận sinh dục trên 10 tuổi đã nằm ngoài chương trình phẫu thuật của bác sĩ Roberto De Castro (người phẫu thuật cho bé Thiện Nhân).

Tạo hình bằng vạt da tại chỗ

Người đầu tiên được chọn để thực hiện phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục bằng kỹ thuật vi phẫu tích hiện đại là Mẫn (*), một sinh viên đại học. 19 năm trước, khi mới tròn 4 tháng tuổi, Mẫn được gửi ở nhà với ông nội để bố mẹ đi làm đồng. Không ngờ trong một phút lơ là, con chó nuôi trong nhà chồm lên giường cắn đứt bộ phận sinh dục của cậu bé 4 tháng tuổi.

19 năm qua, cậu sống chung với bộ phận sinh dục chỉ còn lại vỏn vẹn 1cm, không có tinh hoàn. Dương vật bị cắt gần như tận gốc, cơ thể không sản sinh ra hormon nam như thông thường, Mẫn lớn lên với một cái tên khai sinh nam tính, một bộ phận sinh dục lỡ cỡ không rõ ràng cùng một vóc dáng, giọng nói... nữ tính. Kết quả xét nghiệm mới đây cho thấy Mẫn bị thiếu đến 70% hormone nam.

PGS.TS Trần Thiết Sơn - trưởng khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, người trực tiếp phẫu thuật cho Mẫn - cho hay để tạo hình bộ phận sinh dục bị cắt cụt, bác sĩ đã sử dụng ngay vạt da ở đùi phía ngoài của bệnh nhân, lấy vạt da cuộn làm hình dương vật, sử dụng mạch máu tại chỗ quay lên phía trên để tạo hình, hoàn toàn không cắt hẳn vạt da rồi ghép lại như vi phẫu thông thường. Tại vạt da ở đùi, bác sĩ sẽ sử dụng một phần làm niệu đạo, một phần làm quy đầu với độ dày, mỏng khác nhau theo đúng cấu tạo chuẩn của bộ phận tự nhiên. Kỹ thuật vi phẫu tích này giúp khống chế chiều dày của vạt da tự thân để tạo hình bằng cách làm mỏng hoặc để dày vạt da ở bất kỳ vị trí nào theo ý muốn.

Trước khi áp dụng để tạo hình bộ phận sinh dục, vi phẫu tích được PGS Sơn triển khai thành công trên 40 bệnh nhân, chủ yếu phục vụ nhu cầu tạo hình thẩm mỹ. “Lấy vạt da ở đùi gần vị trí cần tạo hình để không phải cắt mạch máu rất tiện, nhưng nếu để nguyên vạt da cuộn lại thì sản phẩm được tạo hình sẽ quá khổ do da ở đây rất dày. Nhờ vi phẫu tích làm mỏng vạt da bộ phận được tái tạo sẽ thon nhỏ như kích cỡ bình thường” - PGS Sơn nói.

Kết quả của ca phẫu thuật mở ra cơ hội rất lớn trong việc tái tạo bộ phận sinh dục cho những số phận không may mắn. Theo chỉ định, đối tượng có thể được tái tạo bộ phận theo kỹ thuật này là người đã trưởng thành (từ 16 tuổi trở lên), khi các mạch máu phát triển ổn định, đủ lớn để quay ngang sang vị trí cần tái tạo.

Hỗ trợ tâm lý

Người được hưởng sự thành công của ca phẫu thuật không ai khác là người đã sống với một khuyết tật giấu kín 19 năm qua. Song chỉ ba ngày sau ca phẫu thuật, trực tiếp đến phòng bệnh của Mẫn, ai cũng ngạc nhiên khi không hề thấy tiếng cười, kể cả niềm vui mừng le lói vẫn thường thấy tại những giường bệnh sau mổ.

Không khí quanh phòng bệnh của Mẫn nhuốm màu trầm buồn, lặng lẽ. Người mẹ thấy khách lạ vào thăm vội đóng chặt cửa buồng, không cho ai tiếp xúc. “Có phải ca mổ không thành công như thông báo?”. “Thành công ngoài mong đợi. Mạch máu tại chỗ nuôi rất tốt, vạt nối có cả dây thần kinh, không phải chuyển mạch như vi phẫu thông thường” - PGS.TS Trần Thiết Sơn cho hay. Ca phẫu thuật thành công, bác sĩ thở phào, cả gia đình Mẫn khấp khởi về cơ hội cậu có thể trở về cuộc sống của đấng nam nhi đúng nghĩa. Song nhiều người biết đến ca phẫu thuật này bàn tán xôn xao ngoài hành lang bệnh viện. “Cũng chỉ là tái tạo thôi, có phải thật đâu”- câu nói vô tình này lọt vào tai Mẫn. Cậu trở nên hoảng loạn, mất bình tĩnh, khóc lóc suốt. Mẫn cho rằng bố đã dối cậu, để cậu chịu đau mà kết quả cuối cùng chỉ là “của giả”.

Các bác sĩ tâm lý đã phải hợp sức để giúp Mẫn vượt qua ám ảnh này. Theo PGS Sơn, với những người bệnh tương tự, vấn đề tâm lý có thể là mấu chốt để đưa họ trở về cuộc sống đúng giới tính thật, bẩm sinh. “Họ đã chịu đựng một thân thể khác, một cuộc sống khác trước phẫu thuật - nhất là khi hormone giới tính không sản sinh bình thường. Sau phẫu thuật họ sẽ trở về giới tính thật, nhưng có thể lại bắt đầu một cuộc sống khác hoàn toàn trước. Do vậy cần có sự chuẩn bị tâm lý tích cực từ cả gia đình và chuyên gia, bác sĩ” - PGS Sơn nói.

Với những trường hợp tái tạo bộ phận sinh dục lại không có cả tinh hoàn như Mẫn, sau phẫu thuật sẽ phải tiến hành làm giả tinh hoàn, tiếp đó điều trị bổ sung hormone để bệnh nhân được sống đúng nghĩa đàn ông.

(*) Vì lý do tế nhị, nhân vật trong bài đã được đổi tên

Theo Ngọc Hà
Tuổi trẻ

Theo Đăng lại