Cơ hội đầu tư cho thị trường bất động sản

Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 nhiệm kỳ 2015-2020 để ra hẳn một chương trình đột phá thứ 7 mang nội dung chỉnh trang và phát triển đô thị. Đây được xem là cơ hội cho thị trường bất động sản.
Giao thông và quỹ đất phát triển đang tạo đà cho thị trường bất động sản “bung lụa”. (ảnh Gia Phú)

Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, chính nhờ chương trình đột phá thứ 7 này, cơ hội cho nhà đầu tư và cả thị trường bất động sản đã được mở ra, đặc biệt là quy hoạch giãn dân khỏi trung tâm TP bằng việc phát triển hạ tầng giao thông vùng ven mà từ năm 2014 tới nay TP đã tiến hành, bên cạnh đó là liên kết vùng giữa TP.HCM với Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

Những nhận xét của ông Thụ hoàn toàn có lý, nếu nhìn vào những dự án giao thông như tuyến đường Phạm Văn Đồng nối sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất về Quốc lA qua huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương và xuyên thẳng vào TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Trước năm 2010, khi tuyến đường này chưa được mở rộng lên 8 làn đường, không xuất hiện một dự án bất động sản nào. Tuy nhiên kể từ năm 2010 trở lại đây, dọc theo tuyến đường này, xuất hiện hàng loạt dự án cao ốc hay biệt thự phố của Đất Xanh, HimLam Land, Thủ Đức house… trải đều toàn tuyến, không chỉ nằm trên địa phận TP.HCM mà lan sang cả địa phận Bình Dương.

Một minh chứng nữa cho thấy thị trường bất động sản đang chuyển hướng phát triển: trước đây nhiều chuyên gia ngành địa ốc cho rằng bất động sản đang đi ngược, dự án đi trước, hạ tầng theo sau. Nhưng giờ mọi thứ đã đổi chiều. Không còn xuất hiện cảnh “dự án phát triển đón đầu hạ tầng”.

Tuyến đường Nguyễn Văn Linh, nối quận 2, quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh với tỉnh Long An, trước năm 2007 chỉ có vài ba dự án đất nền, nhà phố, ít xuất hiện cao ốc. Thế nhưng đến nay, chỉ sau khi tuyến đường dài 10km Nguyễn Văn Linh được hoàn thành, dự án chung cư cao cấp, trung cấp và giá rẻ liên tục mọc lên bán sát hai bên tuyến đường này.

Tương tự như vậy, tuyến đường Võ Văn Kiệt, nối quận 1 với Quốc lộ 1A về Long An và các tỉnh miền Tây hơn 10km đã thúc đẩy hàng loạt dự án bất động sản, trong đó dễ thấy nhất là những dự án của Nova Land, 577, Nam Long… Trước đây tuyến đường này chưa được cải tạo, mở rộng trong khi thị trường bất động sản đi xuống, xuất hiện những chung cư “chết”. Thế nhưng tuyến đường được cải tạo, những dự án này cũng nhanh chóng được hồi sinh.

Tại tuyến đường Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội nối TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, dự án cải tạo mở rộng hai tuyến đường này đã khiến thị trường bất động sản tại đây thay đổi nhanh. Thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho thấy hiện đã có hơn 50 dự án bất động sản với hơn 30.000 căn hộ từ thấp tới cao tầng được xây dựng mới.

Ngoài ra, ở dự án tuyến đường sắt trên cao Metro số 1 đang xây dựng dù tiến độ chậm hơn dự kiến và gặp nhiều khó khăn về vốn nhưng cũng tạo ra một đòn bẩy cho thị trường bất động sản. Có thể thấy ngay khi người dân đi dọc tuyến đường sắt này từ điểm đầu là Bến Thành, quận 1 và kéo tới điểm cuối là quận Thủ Đức về tỉnh Đồng Nai. Từ năm 2007 khi tuyến đường sắt này được động thổ xây dựng, tới nay có ít nhất 20 dự án bất động sản với gần 20.000 căn hộ thấp và cao tầng phát triển theo.

Để có những dự án này, ngoài hạ tầng thì câu chuyện quỹ đất mà là vấn đề cốt lõi. Theo ông Thụ, tại những phân khu như Khu Đông, khu Nam, quỹ đất cho thị trường bất động sản vẫn còn rất nhiều. Còn khu Tây là cả một sân chơi rộng lớn cho nhà đầu tư bất động sản khai phá vì khu vực này đang được TP ưu tiên phát triển hạ tầng.

“Trong đó, TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực với hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam. Khu trung tâm tổng hợp chính của thành phố là khu vực nội thành hiện hữu gồm quận 1, 3, một phần quận 4, quận Bình Thạnh (930 ha) và mở rộng sang khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) có diện tích 737 ha. Trong đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ trở thành trung tâm mới của TP và được bổ sung các chức năng du lịch, dịch vụ đa ngành. Đồng thời, Thủ Thiêm sẽ xây dựng một số công trình ngầm về giao thông, công trình công cộng và bãi đỗ xe ngầm”, ông Thụ cho biết.

Đặc biệt, trong quy hoạch thì giai đoạn 2015-2020, TP.HCM sẽ có một khu trung tâm với bán kính 15 km và 4 hướng phát triển. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 là từ 2,7 đến 3 triệu tỷ đồng, vốn ngân sách chiếm khoảng 10%. Giai đoạn 2021-2025 có tổng vốn từ 5 đến 5,6 triệu tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 8%.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng hạ tầng giao thông TP.HCM đã đi đúng hướng phát triển vùng lõi trung tâm tới phát triển vùng ven, để rồi đẩy mạnh chính sách giãn dân từ trung tâm ra vùng ngoại ô.

Đây cũng là hướng đi trọng tâm của TP, phát triển liên kết vùng giữa TP.HCM và các tỉnh như Đồng Nai để liên kết vùng với Đông Nam Bộ, Long An liên kết vùng với Tây Nam Bộ.

Ông Khương cho biết trên thế giới, đô thị vệ tinh phải nằm trong bán kính 200 km, còn TP.HCM và các tỉnh lân cận chỉ cách nhau khoảng 30km, nên có thể gọi các tỉnh lân cận của TP.HCM là vùng ngoại ô.

Tại các tuyến đường Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Quốc lộ 22 nối phía Tây TP.HCM với huyện Đức Hòa tỉnh Long An, chỉ với 2 tuyến đường được mở rộng này mà thị trường bất động sản huyện Đức Hòa cũng “lên hương” khi từ năm 2010 tới nay đã có tới gần 20 dự án bất động sản được mở bán, người dân từ TP.HCM về sinh sống cũng tăng lên. Các dự án mở bán đều giáp TP.HCM và lưu thông chỉ khoảng 30 phút xe máy bằng các trục đường lớn mà TP.HCM đã cải tạo kết nối.

“Việc phát triển giao thông kết nối đang tạo ra đà phát triển cho thị trường bất động sản TP.HCM và các các tỉnh lân cận. Hạ tầng giao thông kết nối đã tạo ra một liên kết vùng mà thị trường bất động sản hưởng lợi đầu tiên”, ông Khương nói.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP đã giao các sở ngành và quận huyện… rà soát, đánh giá quá trình thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025.

Sau khi rà soát, TP đã đưa ra một bản quy hoạch xây dựng vùng, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2025, các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 - 1/5000, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành - lĩnh vực của vùng và của TP.HCM, tổ chức lập hồ sơ đề xuất các khu vực phát triển đô thị trên địa bàn thành phố.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, TP đang thiết kế đô thị theo hướng tái cấu trúc tại các khu vực nhà ga, các tuyến đường sắt đô thị (metro, monorail…) nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tăng hiệu quả đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.