Cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, điều này đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng Nghị định 66/2008/NĐ-CP về Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tiếp đó, là Đề án hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014 và kéo dài đến năm 2020... 

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo đánh giá của các chuyên gia, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585. 

Xin chào TS. Nguyễn Thanh Tú!

PV:  Từ thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý, Ông đánh giá như thế nào về thực trạng năng lực pháp lý cũng như nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, thưa Ông?

Hiện nay, Việt Nam có hơn 500.000 doanh nghiệp, trong số đó, hơn 97% là DNNVV. Trong kế hoạch đến năm 2020 của Chính phủ, phấn đấu có một triệu doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có năng lực pháp luật và năng lực thực thi pháp luật còn thiếu và yếu.

Theo đánh giá của diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016 – 2017 cũng như đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và khảo sát của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (Chương trình 585) thì một trong những điểm yếu, hay khó khăn, vướng mắc thường gặp của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có DNNVV là vấn đề pháp lý, những thủ tục hành chính hay vướng mắc pháp lý trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

PV:  Vậy, trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công tác này chắc hẳn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, bất cập, thưa Ông?

Thứ nhất, công tác hỗ trợ vẫn còn mang nặng tính hình thức. Nhiều hoạt động nhưng chưa đáp ứng được đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ hai, nhiều hoạt động mang tính trùng lắp. Bộ A cũng làm, Bộ B cũng làm, Hiệp hội này làm, Hiệp hội kia cũng làm... dẫn đến rất nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nhưng cuối cùng làm khổ cả doanh nghiệp, làm khổ cả ban tổ chức. Bởi vì, không gặp được nhau giữa cung và cầu.

Thứ ba, kinh phí cho hoạt động hỗ trợ vấn còn bất cập. Hoạt động hỗ trợ nhưng kinh phí giải đáp pháp lý cho doanh nghiệp thanh toán theo quy định của Bộ Tài chính là 25.000 VNĐ/giờ tư vấn. Như vậy, không thể huy động được các chuyên gia đầu ngành, những Luật sư giỏi để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Thứ tư, ngoài góc độ của Nhà nước, về phía doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ. 

PV: Thưa Ông, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua đã chính thức quy định về chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng ban hành Nghị định mới hướng dẫn vấn đề này và sửa đổi 66/2008/NĐ-CP. Vậy, theo Ông, Nghị định mới cần phải tập trung vào những khía cạnh nào?

Nghị định mới cần quy định làm sao để thiết thực, hiệu quả, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp về hỗ trợ pháp lý. Có 3 vấn đề cần đặt ra: 

Thứ nhất, xác định đến đâu vai trò của Nhà nước. Trong bất kỳ trường hợp nào, Nhà nước vấn là bệ đỡ cho công tác hỗ trợ pháp lý này để thúc đẩy thị trường tư vấn pháp lý của các luật sư và thúc đẩy cơ quan Nhà nước tích cực hơn, hiệu quả hơn trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thứ hai, về hình thức hỗ trợ, cần có trọng tâm, trọng điểm. Cần lưu ý rằng, trong Luật Hỗ trợ DNNVV, có 7 hình thức hỗ trợ chung, trong đó có cả hỗ trợ pháp lý; và 3 hình thức hỗ trợ trọng tâm là về khởi nghiệp sáng tạo, về liên kết chuỗi kinh doanh và chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp. Nhưng hỗ trợ pháp lý này phải đặt trong bối cảnh không chỉ là một trong bảy hay trong ba nhóm hỗ trợ tập trung đó mà tất cả các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi vì, mỗi hoạt động, ví dụ về thuế, đều có hoạt động pháp lý liên quan. 

Thứ ba, hỗ trợ pháp lý cho DNNVV thì không chỉ hỗ trợ riêng cho DNNVV mà cần phải hỗ trợ để làm sao bảo vệ khách hàng, bảo vệ đối tác của doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo được sự bình đẳng pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của tất cả các chủ thể tham gia quá trình này.

PV: Vậy, làm thế nào để hỗ trợ đúng và trúng nhu cầu pháp lý của doanh nghiệp trong giai đoạn tới, thưa Ông?

Về hình thức hỗ trợ, chúng ta phải chuyển đổi từ Nhà nước hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp sang hỗ trợ gián tiếp. Nhà nước với tư cách là người định hướng cho công tác hỗ trợ pháp lý, không làm thay cho Luật sư, không trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp nữa mà tạo ra một khung để từ đó giúp cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phát triển và đi vào chiều sâu.

Về giải đáp pháp luật trực tiếp cho doanh nghiệp, bây giờ chúng ta phải tìm cơ chế để thay đổi. Chúng tôi đang có ý định, đưa các vụ việc của doanh nghiệp lên các website, ví dụ như của Bộ Tư pháp, sau đó chúng tôi sẽ thiết lập một mạng lưới các cộng tác viên, các Luật sư, các chuyên gia pháp lý nghiên cứu trả lời cho doanh nghiệp từ góc độ của họ. Từ đó, các doanh nghiệp biết được câu trả lời và chọn lựa phương án tối ưu nhất. Qua cách xã hội hóa gián tiếp như vậy, chúng ta sẽ hỗ trợ thiết thực hơn.

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam. 

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/ 
Kính mời bạn đọc theo dõi!