CNTT cầu nối giúp người tàn tật hòa nhập với xã hội

Trong buổi giao lưu “Bản lĩnh và công nghệ” do Bộ bưu chính viễn thông (VNPT) tổ chức , khán giả tại hội trường ĐH Quốc Gia Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng trước bản lĩnh và nghị lực phi thường của Trịnh Công Thanh, Nguyễn Việt Anh hay người nghệ sĩ mù tài năng Văn Vượng.
Nghệ sĩ guitar Văn Vượng

Họ đã ứng dụng CNTT không chỉ để giúp ích cho chính cuộc sống của mình mà đã góp phần giúp đỡ những người khuyết tật khác và cống hiến cho xã hội.

"Không có những gì thuộc về con người mà lại xa lạ với chúng ta”

Năm 2001, tốt nghiệp khoa Luật Kinh tế, Trịnh Công Thanh vào làm tại một công ty Thương Mại Hà Nội với tương lai đang rộng mở. Vậy mà, chỉ một tháng sau, hung tin mình bị ung thư xương đã khiến anh gần như tuyệt vọng! Phải cắt đi chân phải để tránh cho di căn ung thư vào sâu trong người, Trịnh Công Thanh đã phải nằm viện suốt 8 tháng trời.

Vậy mà ngay sau khi ra viện Thanh đã tham sự cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam. Rồi sau đó Thanh xin đi làm tại công ty Hi-Tek. Là người không chuyên trong ngành CNTT song Thanh đã lần mò cùng các bạn bè của mình xây dựng nên những chuyên trang, diễn đàn trực tuyến dành cho người khuyết tật, các nạn nhân chất độc da cam, dioxin.

Năm 2005, anh nhận giải thưởng Hiệp sỹ CNTT, giải thưởng dành cho những người có cống hiến trong sự nghiệp Tin học hoá năm 2006, Sản phẩm Cổng thông tin điện tử của người khuyết tật đã đem về giải nhất cuộc thi ICT - Thắp sáng niềm tin lần đầu tiên được tổ chức tại VN.

Đến nay, Diễn đàn người khuyết tật Việt Nam (VNDisability.net) do anh Thanh khởi xướng là nơi tụ hội của nhiều bạn trẻ khuyết tật hoặc có tâm huyết đối với người khuyết tật giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cho đến giới thiệu những sản phẩm do người khuyết tật làm ra. "Điều mình thấy ý nghĩa nhất khi giành giải nhất cuộc thi ITC - Thắp sáng niềm tin là cổng thông tin cho người khuyết tật được biết đến nhiều hơn", anh Thanh chia sẻ.

“Đàn guitar soi sáng cuộc đời tôi”

Còn với nghệ sĩ guitar Văn Vượng, cả hội trường ĐH Quốc gia Hà Nội như lặng đi và sau đó là tiếng vỗ tay không ngớt khi nghe ông chơi đàn guitar chỉ bằng một tay.

Năm lên 4, di chứng của bệnh đậu mùa đã cướp đi ánh sáng trong đôi mắt ông và rồi chính âm nhạc lại soi sáng đường, giúp ông vượt qua bao khó khăn cuộc đời.Và khi đã về già, người nghệ sĩ này có một khát khao cháy bỏng đó là làm đĩa CD dạy và học guitar cho những người khiếm thị. Sản phẩm của tấm lòng ấy đã đạt giải khuyến khích cuộc thi ITC - Thắp sáng niềm tin 2006

Ông chia sẻ:  "Sau 40 năm mò mẫm, đĩa CD ấy là những cách nhanh nhất, hiệu quả nhất mà tôi có thể đúc kết lại được", nghệ sĩ Văn Vượng nói”.

"Thành công" = "Niềm tin+ Đam mê"

Nguyễn Việt Anh- Gương mặt này đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với các sinh viên Khoa CNTT của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh không chỉ là bạn, anh còn là người thày, là tấm gương của tất cả các bạn sinh viên ở đây.

Câu chuyện về thày giáo trẻ - thạc sỹ Nguyễn Việt Anh được các học trò xem như một truyện cổ tích đẹp trong cuộc sống hiện đại hôm nay.Với đôi chân đi lại còn khó khăn, nhưng trên con đường tri thức, Nguyễn Việt Anh đã đi những bước rất vững vàng từ giảng đường đại học đến các công trình nghiên cứu, các dự án lớn.

Anh đã từng bước làm quen rồi làm chủ được nhiều hoạt động trong lĩnh vực CNTT, tham gia nhiều đề tài, nhiều hội thảo lớn và là thành viên đoàn Việt nam tham dự hội trại APEC IT Camp 8/2002 tại Seoul, Hàn Quốc.

"Bí quyết thành công thật đơn giản, đó là niềm tin và nỗi đam mê", Việt Anh chia sẻ.

Trước những nỗ lực thể hiện qua các sản phẩm mà người khuyết tật đã xây dựng nên, đại diện của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) trong buổi giao lưu, Giám đốc công ty Điện toán và truyền số liệu VDC, ông Vũ Hoàng Liên, cho rằng để những sản phẩm dành cho người khuyết tật phát huy hiệu quả nhiều hơn nữa, rất cần có sự hỗ trợ, động viên từ nhiều cơ quan tổ chức.

Giúp đỡ người khuyết tật ngay từ việc nghĩ ra những ý tưởng, biến những ý tưởng thành hiện thực và đặc biệt phải mở rộng được khả năng ứng dụng. Đại diện VNPT cũng đã tặng 10 chiếc máy vi tính cho 10 Hội người khuyết tật trên cả nước ngay trong buổi giao lưu.