Câu chuyện ly kỳ này xảy ra vào năm 1958 ở bang Nam Carolina, may mắn là không có ai thiệt mạng.
Lúc ấy, chiếc oanh tạc cơ B-47E của không quân Mỹ cất cánh từ Savannah (bang Georgia) đến căn cứ Bruntingthorpe của Anh ở Leicestershire trong một chuyến bay tập. Trên đường bay, cơ trưởng Bruce Kulka quyết định xuống khoang bom để kiểm tra do có trục trặc ở chốt khóa. Ông mất 12 phút để tìm chốt này trước khi nhận ra nó nằm ngay trên khoang.
Khi kiểm tra, vô tình tay Kulka kéo chốt thả. Thế là quả bom Mark 6 nặng 3 tấn rời khỏi cửa máy bay đang mở và rơi xuống mặt đất. Kulka chụp được chỗ nắm nên không bị rơi theo. Nhưng ngay sau đó, chiếc máy bay cảm thấy sự chấn động của quả bom rơi xuống đất. May mắn là phần hạt nhân vẫn còn trên máy bay.
Nhưng Walter Gregg 37 tuổi không gặp may: quả bom rớt trúng nhà ông, ở vùng Mars Bluff (Nam Carolina) phá tan vườn rau và ngôi nhà nhỏ của hai cô con gái và tạo ra một hố bom thật lớn. Không ai chết nhưng 6 người trong gia đình Gregg bị thương, nên Gregg đòi không quân Mỹ phải bồi thường. Họ được đền bù số tiền 54.000USD. Khi tổ bay trở về căn cứ, họ bị cảnh sát quân sự bắt giữ. Ban đầu không quân Mỹ nghi vụ rớt bom này là hành vi phá hoại, nhưng tổ bay kể lại toàn bộ sự việc và thoát tội, thậm chí chẳng bị khiển trách! Họ chỉ phải đến gặp gia đình Gregg để xin lỗi.
Nhưng hình như vụ làm rớt bom hạt nhân trên lãnh thổ Mỹ này chưa làm không quân Mỹ "tởn", vụ đánh rơi thứ hai lại xảy ra vào nửa đêm 24.1.1961 ở Goldsboro (Bắc Carolina). Chiếc oanh tạc cơ B-52G bị nổ tung khi tổ lái phát hiện có sự chảy xăng trong lúc tiếp nhiên liệu ngay khi bay. Xác máy bay rơi xuống thị trấn Faro, 5/8 thành viên tổ lái sống sót.
Nhưng điều đáng sợ nhất là chiếc này chở hai quả bom nhiệt hạch Mark 39. Một quả nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất, quả kia rơi vào một cánh đồng ở tốc độ 700 dặm/giờ, lực tác động dẫn đến mất khối uranium. Sau này Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara thừa nhận quả bom vỡ tan tành thành nhiều mảnh, có một mảnh không bao giờ được tìm thấy.
Nó có chứa uranium và được cho là đã cắm sâu xuống đất. Để "chắc cú", không quân Mỹ mua luôn khoảng đất ấy, vụ này cũng không làm ai chết. Cả hai vụ rớt bom hạt nhân trên đều cho thấy sự can thiệp của "thần may mắn" nhưng đồng thời cũng đánh động sự đáng ngại của những quả bom hạt nhân.
Theo Thế giới & Hội nhập