Ngẫm chuyện “Vua” khát đất định đô - Bài 2:

Chuyên gia cơ khí làm thuê

TP - Khi ngắm nhà hát Ba Nón Lá nổi tiếng tỉnh Bạc Liêu, có người cho biết, từng thuê một chuyên gia cơ khí làm giàn mái nhưng ông ta không nhận. Xuống cơ sở nuôi tôm nhà kín ở bán đảo Cà Mau, cũng được biết đang thuê chuyên gia cơ khí làm giàn mái. Người được dân cơ khí nhiều tỉnh ĐBSCL nhắc đến là ông Nguyễn Thanh Lương ở Cần Thơ.
Ông Lương (phải) trong xưởng cơ khí nhỏ của ông

Xưởng cơ khí của ông Nguyễn Thanh Lương trong khu dân cư 91B, phường An Khánh (Ninh Kiều, Cần Thơ). Ông Lương du học Bungari từ năm 1973 đến 1978, kỹ sư chuyên ngành cơ khí thiết bị công trình, từng hợp tác với ông Tăng Hồng “vua sơ mi-xy lanh” hồi ông Tăng Hồng hiện đại hóa nhà máy.

Làm thuê

Xưởng của ông Lương gọn lỏn trong nền nhà khu dân cư, gia công khung thép cồng kềnh nên có những tảng thép thòi đầu ra ngoài đường. Ông cười bảo, ở đây làm phụ thôi, phần lớn làm tại công trình, trên những bãi đất mênh mông. “Thì tôi làm thuê mà, ở đâu có việc khó về cơ khí là gọi, có khi đến mấy người gọi, tính tôi thích thử thách, mạo hiểm”, ông cười.

“Chúng tôi trực tiếp làm ra sản phẩm, nhưng những chi phí hỗ trợ cho nó thì các trung gian hưởng hết; từ chi phí lán trại, thiết bị máy thi công đến hệ số lương công nhân; nên làm hoài mà không phát triển được”.

Ông Nguyễn Thanh Lương

Cái cười của ông cởi mở, đượm nét vui nhộn của dân công trường, và khi cười tỏa ra nhiều chất cơ khí. Lúc bình thường, con người tầm thước của ông với nước da xam xám, khuôn mặt nhiều nghĩ suy phảng phất màu muội sắt, cái màu không nổi bật mà điểm xuyết lấp lánh ánh sắt thép. Dưới mái tóc bồng bềnh nghệ sỹ, đôi mắt ông luôn nheo nheo vẻ chăm chú và đặc biệt, khi tập trung vào điều gì, miệng ông hé ra, lưỡi đưa đẩy giữa hai môi, hình ảnh hay bắt gặp ở người mê nghiên cứu thiết kế.


Ông xác nhận, ông được thuê làm giàn thép cho mái nhà hát Ba Nón Lá ở tỉnh Bạc Liêu nhưng đang lúc nhiều việc nên không nhận. Những khung nhà thép có khẩu độ lớn mấy chục mét, người ta hay nhớ đến ông. “Không phải không có người làm được nhưng thầu xây dựng bây giờ thường khoán công trình qua nhiều nấc, chỉ tôi tổ chức cơ giới hóa tốt, làm mới có lời”, ông giải thích.

Mấy công trình ông vừa hoàn thành ở Cần Thơ như Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc trong khu công nghiệp Trà Nóc, nhà trưng bày ô tô ở quận Bình Thủy có khẩu độ khung thép 30-40 m. Xây dựng nhà cửa bây giờ chuộng khẩu độ lớn nên rất cần kiến thức cơ khí để sử dụng sắt thép. Ông nói: “Sắt thép là xương cốt của công trình, nhất là những tòa nhà cao tầng, chủ yếu cột và dầm bằng sắt lớn. Có những vì kèo bằng thép nặng gần chục tấn, chế tạo và lắp ghép không đơn giản”.

Quê ông ở tỉnh Quảnh Bình, du học nước ngoài về, vào Cần Thơ công tác và qua nhiều doanh nghiệp cơ khí, trung tâm ứng dụng thuộc Sở GTVT, KH&CN, Xây dựng. Những doanh nghiệp nổi tiếng một thời ở ĐBSCL đều có mặt ông như Nhà máy Cơ khí 1/5, Công ty Xây lắp Cần Thơ. Ông nói: “Doanh nghiệp quốc doanh chỉ ưa người vâng lời nên không phát triển được, năm 2001, tôi ra làm riêng”.

Lép vế

Bàn tay ông nhỏ có những ngón thanh mảnh của người nghiên cứu chế tạo. Thực tế, ông đã chế nhiều thiết bị xây dựng. Nổi tiếng có máy đóng cừ tràm để ông được tôn là “ông tổ máy đóng cừ tràm Nam bộ”. Trước kia, đóng cừ tràm thủ công rất vất vả, chất lượng thấp. Ông chế ra máy đóng cừ tràm ứng dụng công nghệ tiên tiến, cho năng suất cao gấp chục lần thủ công, nay đã thịnh hành ở ĐBSCL. Đầu tháng 5/2015, một doanh nghiệp đặt ông làm 20 máy đóng cừ tràm.

Gần chục cái vận thăng hàng do ông sản xuất cũng đang có mặt ở các công trình xây dựng. Đây là thiết bị đưa vật liệu xây dựng lên cao, phục vụ thi công nhà cao tầng. Thiết bị của ông vận chuyển được khối lượng từ 500 kg đến 1 tấn, lên cao 30m, có hồ sơ kỹ thuật và giấy chứng nhận kết quả kiểm định đầy đủ.

Đến mấy công trình đang xây dựng ở Cần Thơ, thấy vận thăng hàng của ông hơn hẳn vận thăng hàng nhập của Trung Quốc hoặc lắp ráp thiết bị của Trung Quốc. Đó là tháp công tác vững chắc hơn do thép lớn hơn, mô tơ điện và hộp giảm tốc nhẹ, an toàn hơn vì sử dụng công nghệ tiên tiến. Hộp giảm tốc của ông nặng chỉ 50 kg, của Trung Quốc nặng 320 kg và của Trung Quốc sử dụng cơ chế hãm theo công nghệ cũ kém an toàn. “Những doanh nghiệp của Trung Quốc có mặt ở đây đều là doanh nghiệp quốc doanh nên chậm cải tiến”, ông nói.

Ông Nguyễn Thanh Lương

Ông còn chế ra máy phun vữa tô tường, năng suất gấp hơn chục lần làm thủ công. Lại có máy phun vữa nửa thủ công để tô tường trong nhà, năng suất cũng gấp nhiều lần thủ công. Những chiếc máy này có đặc điểm, vữa trộn phải đúng chất lượng thì máy mới hoạt động, và như thế tường tô luôn đạt yêu cầu, vữa bám dính tốt. Bên cạnh là máy sơn tường có năng suất cao, tiết kiệm sơn và sơn đồng đều hơn hẳn làm thủ công. 

Những chiếc máy này, sau thử nghiệm thành công, đang phải cất trong nhà. Nguyên do, cơ chế hiện nay chưa khuyến khích áp dụng cơ giới hóa vào thi công các công trình xây dựng. Ông kể, thông thường doanh nghiệp trúng thầu khoán lại công trình cho thầu phụ, rồi thầu phụ khoán cho đội, còn đội gom công nhân lại làm. Mỗi nấc trung gian lo kiếm tỷ lệ phần trăm mà không quan tâm đầu tư thiết bị công trình, cuối cùng chỉ có công nhân nai lưng ra làm với chủ yếu dụng cụ thô sơ dạng xưa bày nay làm. 

“Bày ra quy định không khuyến khích thúc đẩy đầu tư nên ngành xây dựng mãi lạc hậu”, ông nói. Cũng do đó, doanh nghiệp của ông ra đời đã lâu mà cứ phải đi làm thuê, những phần việc cơ khí khó khăn, không ai làm mới đến phần. “Chúng tôi trực tiếp làm ra sản phẩm, nhưng những chi phí hỗ trợ cho nó thì các trung gian hưởng hết; từ chi phí lán trại, thiết bị máy thi công đến hệ số lương công nhân; nên làm hoài mà không phát triển được”, ông Lương thở dài.

Vận thang hàng của ông Lương tại công trình xây dựng nhà trong Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ. Ảnh: Sáu Nghệ.
Mất đất

Mấy năm nay, ông Lương bán được vận thăng hàng cũng nhờ đã có quy định về đấu thầu xây dựng nhà cao tầng phải có thiết bị ấy. Một số địa phương còn yêu cầu có máy sơn tường, máy bẻ đai sắt nên đang thúc đẩy các nhà thầu phải đầu tư. Tuy nhiên, lại phát sinh vấn đề đối phó, hợp đồng liên doanh liên kết, thuê mướn thiết bị xây dựng và nạn xâm nhập của thiết bị kém chất lượng. Bởi vì, theo ông, đa số chủ thầu xây dựng, đội thi công và giám sát thi công ít quan tâm đến chất lượng thiết bị xây dựng, chỉ lo số lượng theo danh mục đáp ứng tiêu chí đấu thầu.

Dạo một vòng Cần Thơ đã thấy điều đó. Ở công trình xây dựng trung tâm giới thiệu việc làm đang xếp xó chiếc vận thăng hàng của Trung Quốc, kê vào hồ sơ đấu thầu nhưng thực tế không sử dụng được vì quá yếu. Một công trình xây dựng trụ sở ngân hàng, vận thăng hàng sử dụng mô tơ và hộp giảm tốc của Trung Quốc nhưng tháp công tác là mạo danh. “Nếu giám sát công trình có chuyên môn cơ khí sẽ không cho sử dụng những thiết bị kém an toàn như vậy”, ông Lương khẳng định.

Hiện nay, ông Lương đã chế tạo được vận thăng chở người dùng cho các công trình xây dựng cao tầng, nhưng không kiểm định được nên chưa thể đưa vào sử dụng. Ông cho biết, Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực II (CISR) chỉ đăng kiểm, chứng nhận cho hoạt động vận thăng hàng. Nhưng một số công trình xây dựng nhà cao tầng tại Cần Thơ có vận thăng người (vận thăng lồng)? Ông Lương buồn bã: “Thiết bị của Trung Quốc, nhập ngoại thì vận thăng gì cũng xài được (?)”.

Hơn chục năm thành lập doanh nghiệp chuyên chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí, xây dựng nhưng ông nói “chưa bao giờ vay được tiền của ngân hàng”. Vì vay tiền phải vượt qua nhiều thủ tục phức tạp. Kết quả gần trọn đời đam mê cơ khí của ông, nay nhìn lại là “mất ba đám đất”. Ông hợp tác với nhiều doanh nghiệp cơ khí nhỏ mà chuyên sâu, bỏ tiền làm những phần việc cơ khí khó khăn ở các công trình xây dựng, xong không thu được tiền nên phải bán đất trả nợ. “Đất mở xưởng hiện nay là của người bà con tôi đấy chớ. Còn tiền của tôi đã đổ hết vào cơ khí”, ông lại nở nụ cười đậm chất cơ khí, lấp lánh ánh kim loại. 

(Còn nữa)

Thiết bị xây dựng có chất lượng kém đã gây ra nhiều tai nạn nghiêm trọng, điển hình là vụ làm chết 4 người, bị thương 1 người vào sáng 3/10/2011, ở Cần Thơ. Cty Xây dựng Minh Vy thi công khách sạn Vạn Phát trên Cồn Khương (Ninh Kiều), tự lắp một chiếc vận thang hàng cao 30 m nhưng không đăng ký, đăng kiểm, không có công nhân chuyên trách điều khiển. Giá hàng xếp hơn 230 viên gạch còn cho 5 công nhân đứng, lên cao 17m thì cáp đứt, rơi tự do.