Chuyên gia chỉ trích cách Anh xử lý nạn nô lệ hiện đại

TP - Sau vụ 39 người thiệt mạng trên thùng xe tải giữa tuần trước ở Anh, ông Kevin Hyland, cựu Cao ủy về phòng chống nô lệ hiện đại của Anh, nói rằng hệ thống ngăn chặn tình trạng buôn người của nước này đã “thất  bại” và cần cải tổ khẩn cấp.   
Cảnh sát Anh tịch thu những cây cần sa phơi khô trong một nhà máy ở Birmingham. Ảnh: Reuters

Ông Hyland cho biết ông cảm thấy đau đớn và giận dữ khi nghe tin về cái chết của 39 người trên container đông lạnh và lo ngại thảm kịch như vậy có thể lại xảy ra nếu cảnh sát không điều tra đầy đủ những mạng lưới buôn người đứng sau.

Cựu quan chức này cho rằng Anh không coi buôn người là tội phạm có tổ chức nguy hiểm, mà chỉ coi đây là một “vấn đề xã hội”. Dù Đạo luật chống nô lệ hiện đại năm 2015 được coi là đột phá, nhưng nước này không dành đủ nguồn lực để điều tra các mạng lưới buôn người.

Ông Hyland chế giễu một số sáng kiến chống nô lệ hiện đại gần đây của chính phủ Anh, như thắp sáng các tòa nhà, bao gồm số 10 phố Downing và Bộ Nội vụ bằng đèn màu đó để kỷ niệm Ngày chống nô lệ, là hành động không có ý nghĩa thực tế.

Ông bày tỏ giận dữ khi những khuyến nghị rõ ràng mà ông đưa ra trong báo cáo cách đây 2 năm về tình trạng buôn người  từ Việt Nam sang Anh không được sử dụng.

Khi còn là Bộ trưởng Nội vụ, bà Theresa May bổ nhiệm ông Hyland làm Cao ủy độc lập về phòng chống nô lệ hiện đại, nhưng ông đã từ chức vào năm ngoái. Ông phàn nàn rằng chính phủ Anh can thiệp vào công việc của ông. Năm 2017, ông bị Bộ Nội vụ khiển trách vì “chỉ trích quá mức” các cơ quan thực thi pháp luật khi công bố báo cáo mang tên “Đối phó với tình trạng nô lệ hiện đại mà những người Việt Nam trải qua khi trên đường đến và ở trong nước Anh”. Ông chỉ trích công khai lực lượng cảnh sát không xử lý được tình trạng các thiếu niên và người trẻ Việt Nam bị đưa sang Anh để làm việc trong các vườn trồng cần sa, theo báo The Guardian.

Theo Volteface, một tổ chức vận động chính sách về các chất gây hại cho xã hội, nhiều cô gái Việt Nam bị đưa đến Anh để làm móng (nail) hoặc bán dâm, còn các cậu bé và đàn ông bị ép làm trong các vườn trồng cần sa.

Những vườn trồng cần sa thường tương đối nhỏ và bị giấu trong các ngôi nhà cải trang, được trang bị hệ thống thông gió, ánh sáng và tưới tiêu phức tạp. Nhiều vườn trồng cần sa như thế không bị phát hiện suốt nhiều năm. Nhưng khi cảnh sát truy quét, các nạn nhân của tình trạng buôn bán người thường bị đối xử như tội phạm, vì luật pháp Anh không phân biệt chủ sử dụng lao động trái phép và kiếm lời từ canh tác cần sa trái phép và những người bắt ép trồng loại cây này.

Tình trạng kiểm tra hoạt động trồng cần sa diễn ra thất thường ở Anh, với một số khu vực rất chặt chẽ nhưng một số nơi khác lại lỏng lẻo. Nếu ai đó gọi điện báo cảnh sát rằng họ ngửi thấy mùi cần sa gần đó, cảnh sát sẽ vào cuộc. Họ ập vào vườn rồi bắt tất cả những ai ở đó và tịch thu cần sa. Nhưng cảnh sát không có nguồn lực để điều tra cả đường dây để tìm ra ai là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Dù họ có điều tra thêm, các băng nhóm đứng sau cũng hoạt động ở phạm vi quốc tế và khó lần ra. Khi bắt được một người lái xe tải chở người vượt biên trái phép, cảnh sát có thể không điều tra xem ai là kẻ lên kế hoạch.