Nhọc nhằn người tìm dầu:

Chuyện chưa kể về tàu Bình Minh 02

TPO - Phút hiểm nguy bị tàu Trung Quốc cắt cáp, bao vây, khiêu khích, “cục tự ái dân tộc” dâng trào, dù bỏ mạng cũng quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Đó là lời tâm sự gan ruột thuyền trưởng Trần Anh Vũ, người chèo lái con thuyền Bình Minh 02 (Cty Cổ phần dịch vụ khảo sát và công trình ngầm PTSC) qua sự kiện bị tàu Trung Quốc cắt cáp vào tháng 5/2011.
Tàu Bình Minh 02 – biểu tượng chủ quyền của Việt Nam.

“Cục tự ái dân tộc”

Giữa năm 2011, người dân cả nước phẫn nộ khi tàu Bình Minh 02 (BM2) bị cắt cáp tại vùng lãnh hải Việt Nam. Cả nước hướng về những thủy thủ trên con tàu với công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới trong ngành thu nổ địa chấn, khảo sát dầu khí.

Chúng tôi may mắn đến đúng dịp BM2 cập cảng Vũng Tàu, được bước chân lên tàu và gặp cựu thuyền trưởng Trần Anh Vũ, người chèo lái con thuyền qua sóng gió. Công việc bận rộn, anh Vũ tranh thủ gặp chúng tôi vào giờ ăn trưa. Đồng hồ điểm giờ ăn qua cả tiếng, thức ăn trên bàn nguội lạnh, anh Vũ vẫn say sưa kể lại cho chúng tôi nghe về phút giây ấy.

Làm nhiệm vụ khảo sát, thu nổ địa chấn, tàu BM2 kéo theo hệ thống dây cáp dài gần 10km phía sau. Đây là công đoạn đầu tiên trong quy trình khai thác dầu khí. Vụ cắt cáp xảy ra ngày 26/5/2011 khi BM2 cách mũi Đại lãnh (Phú Yên) 120 hải lý, nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vị trí cáp bị cắt cách tàu hơn 2km. Ba tàu hỗ trợ BM2 (gồm dẫn đường phía trước, đi bên cạnh và giám sát phía sau), dùng mọi biện pháp ngăn cản, tàu cá Trung Quốc vẫn cố tình chống phá.

“Khi bị cắt cáp, cục tự ái dân tộc trổi dậy, cảm giác như bị xúc phạm. Mình hoạt động trên vùng biển đảo thuộc chủ quyền của tổ quốc mà kẻ thù xâm phạm, chống phá, dù bỏ mạng cũng quyết giữ vững chủ quyền”, ánh mắt anh Vũ ánh lên vẻ tức giận khi kể về phút giây sinh tử.

Lực lượng hải quân điều động tàu từ đất liền ra bảo vệ BM2. Dây cáp bị đứt được nối lại, BM2 tiếp tục khảo sát. Theo định kỳ, 5 tuần lễ BM2 về đất liền để thuyền viên đổi ca. Sau lần bị cắt cáp, thuyền viên nào cũng lo lắng khi bước lên tàu. “Ra tới vùng khảo sát, thấy tàu lạ tiếp tục quấy nhiễu, chuyên gia nước ngoài, trưởng bộ phận thu nổ địa chấn đòi về đất liền. Thuyết phục vị chuyên gia không thành công, tôi điều động tàu đưa vị ấy vào bờ và đón người khác ra thay thế.

Thấy chuyên gia nước ngoài quay lại bờ, tất cả thuyền viên nao núng. Là người đứng đầu, quyết định sinh mệnh của hàng chục thuyền viên, tôi gọi mọi người về họp để động viên tinh thần. Anh em cứ yên tâm, đây là tranh chấp dân sự, sẽ không có chuyện nổ súng. Tôi cũng sợ chết, cũng có gia đình, vợ con như anh em ở đây. Tôi cam kết sẽ bảo vệ anh em an toàn”, anh Vũ nhớ lại.

Sau cắt cáp, tàu lạ tiếp tục quần thảo, bao vây, khiêu khích BM2 gần 2 tháng. Tàu lạ dừng khiêu khích đúng dịp kỷ niệm cách mạng tháng 8, chào mừng Quốc khánh 2-9, BM 2 cùng đội tàu hải quân xếp đội hình, duyệt binh trên biển.

“18 tàu xếp thành 3 hàng, duyệt binh trên biển suốt 30 phút. Nhìn cảnh tượng đó, anh em thủy thủ reo hò vui sướng, tin tưởng, gắn bó với BM2 cũng như bảo vệ chủ quyền quê hương”, anh Vũ hào hứng kể lại, khuôn mặt ánh lên niềm tự hào.

Anh Vũ tâm sự, lúc trên biển khơi mới thấm thía tình quân dân. Nhìn tàu hải quân bé tẹo, vẫn kiên cường bám sát, ngăn cản tàu lạ đâm va, bảo vệ BM2. Chỉ 1 tích tắc, chiến sĩ trên tàu có thể hi sinh bất cứ khi nào. Khi ấy, mình càng quyết tâm bảo vệ, giữ vững vùng biển vùng trời mà bao thế hệ cha anh đã hi sinh để gìn giữ.

Tự hào mang dòng máu Việt

Đón chúng tôi tham quan BM2 là thuyền trưởng Nguyễn Thuấn, Kỹ sư trưởng thu nổ địa chấn Khôi Phạm. Nhiệm vụ chính của BM2 tạo nguồn nổ, thu sóng siêu âm dưới đáy biển thông qua hệ thống dây cáp. Kết quả sóng siêu âm dưới đáy biển sẽ chuyển cho nhà địa chất phân tích, phán đoán khả năng có dầu để đặt giàn khoan. Phía sau tàu, thủy thủ đang hoàn thiện cuộn dây cáp. Gió biển thổi lồng lộng nhưng quần áo thủy thủ ướt đẫm, từng giọt mồ hôi đọng trên khuôn mặt.

Vừa chỉ cho chúng tôi xem, thuyền trưởng Thuấn vừa cho biết, sợi cáp to bằng cổ chân có giá cả nghìn đô la cho mỗi mét. Từng đoạn cáp gắn phao tự động. Khi chìm xuống độ sâu dưới 80m trong lòng biển, hệ thống phao bung nổ, kéo dây cáp nổi trên mặt nước. Nhận hợp đồng khảo sát, tàu BM2 chạy trên mặt biển với vận tốc 5 hải lý/h, vừa tạo nguồn nổ để hệ thống cáp đo sóng siêu âm. Giá thăm dò, thu nổ địa chấn 1.000 USD/1 hải lý.

Kỹ sư Khôi Phạm tự hào mang trong mình dòng máu Việt

Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống máy tính điều khiển, thiết bị ghi lại tín hiệu thăm dò trên băng, dây cáp, nguồn nổ… là Kỹ sư trưởng Khôi Phạm. Khuôn mặt, vóc dáng lãng tử khiến chúng tôi ngỡ ngàng khi biết anh đảm nhiệm vị trí quan trọng nhất trên tàu.

Sinh ra trong gia đình gốc Việt định cư tại Canada, Khôi đã từng làm việc trên tất cả tàu thu nổ địa chấn hiện đại nhất thế giới. Năm 2009, BM2 bắt đầu hoạt động, anh trở về Việt Nam. Khi ấy, Khôi chỉ nói được tiếng Anh, vừa làm việc vừa học tiếng Việt từ thủy thủ trên tàu.

“Việc từ bỏ công việc ở các nước hàng đầu thế giới về Việt Nam làm việc một phần do mang trong mình dòng máu Việt. Làm việc với kỹ sư, thủy thủ người Việt Nam rất chan hòa, vui vẻ, gắn bó, hoàn toàn khác so với Phương Tây.  Khả năng học hỏi, trí tuệ của người Việt rất giỏi, hơn cả phương Tây”.

Kỹ sư trưởng bộ phận thu nổ địa chấn Khôi Phạm.

Kể về lí do từ bỏ đất nước hiện đại hàng đầu thế giới để trở về làm việc ở Việt Nam, Khôi cười và thốt lên: “Chắc do mang trong mình dòng máu Việt. Làm việc với kỹ sư, thủy thủ người Việt Nam rất chan hòa, vui vẻ, gắn bó, hoàn toàn khác so với Phương Tây.  Khả năng học hỏi, trí tuệ của người Việt rất giỏi, hơn cả phương Tây”.

Sau sự kiện bị tàu Trung Quốc cắt cáp, nhiều chuyên gia nước ngoài e ngại đã rời bỏ BM2, nhưng Khôi là người kiên trì, theo suốt con tàu từ ngày đầu tiên ra khơi.

Cũng trên BM2, tôi gặp mặt kỹ sư thu nổ địa chấn Mai Văn Phương, người từng được Trung ương Đoàn TNCS HCM vinh danh Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2013. Khi chúng tôi đến, anh Phương đang cần mẫn kiểm tra từng chi tiết của bộ phận nguồn nổ.

Những đoạn dây cáp từng bị Trung Quốc cắt khi BM2 hoạt động trên thềm lục địa Việt Nam.

Rời bộ phận khảo sát, chúng tôi tới thăm phòng nghỉ của thuyền viên. Những chiếc giường đơn, ga trắng sạch sẽ. Trong phòng ngủ của thuyền trưởng Nguyễn Thuấn, phía sau bàn làm việc là bức tranh Hồ Gươm, Tháp rùa. Phòng y tế trang bị đủ thuốc men, thiết bị, máy thở oxy… Phòng ăn hiện đại như khách sạn với đầy đủ đồ dùng như lò vi sóng, tủ lạnh… Nước ngọt, bánh quy, gia vị đặt trên các giá đựng nhỏ xinh gắn trên tường. Trong bếp, các đầu bếp đang chuẩn bị bữa trưa, mùi thức ăn thơm phức. Cạnh đó, chiếc tivi chừng 50 inch, với rất nhiều đầu thu sóng cùng bộ sô pha để thuyền viên giải trí sau giờ làm việc.

Chúng tôi rời xuống, con tàu tiếp tục những chuyến khảo sát mới không chỉ trên thềm lục địa tổ quốc và còn ghi dấu ấn trên bản đồ thế giới của ngành khảo sát địa chấn bằng những dự án đã thực hiện thành công.