Chụp khoả thân khi đi du lịch: Phóng khoáng hay cố tình chơi trội?

Ngày càng nhiều người trẻ hùa theo xu hướng chụp ảnh khoe thân tại kỳ quan thế giới, nơi linh thiêng khi đi du lịch. Cái kết cho họ thường là dư luận chỉ trích, cảnh sát bắt giữ.

Khỏa thân không phải điều bất bình thường trong một số sự kiện như thế vận hội "không mặc gì" trên bãi biển, cuộc đạp xe lõa thể vì mục đích nào đó cho cộng đồng. Tuy nhiên, khoe thân khi đi du lịch lại trở thành vấn đề nhức nhối hiện nay.

Theo Telegraph Travel, ngày càng nhiều du khách ăn mặc "thiếu vải", thậm chí trần truồng chụp ảnh, quay phim tại các công viên quốc gia, di sản thế giới, địa điểm tín ngưỡng linh thiêng trong chuyến thăm nước bạn.

Mạng xã hội là nơi lý tưởng "trình làng" các bức ảnh khiến "khán giả bất đắc dĩ" hốt hoảng, chướng tai gai mắt. Nó cũng chính là "chất xúc tác" khiến nhiều người quyết định khỏa thân chụp ảnh để nổi tiếng nhờ tai tiếng.

Tháng 8 vừa qua, hai nam du khách thản nhiên cười cợt, tụt quần làm lộ bộ phận nhạy cảm để một người đứng ngoài quay phim tại đài phun nước trước khu tưởng niệm Altare della Patria tọa lạc ở trung tâm thủ đô Rome, Italy. Ảnh: CEN.

Phơi bày thân thể là xúc phạm nền văn hóa nước bạn

Gõ từ khóa "naked tourism" (tạm dịch: Khỏa thân khi đi du lịch) vào thanh tìm kiếm của Google, hơn 85 triệu kết quả được trả về trong 0,32 giây. Nhiều sự việc mới xảy ra nhưng cũng có vụ từ khoảng 10 năm về trước.

Năm 2010, vũ công Alizee Sery (khi ấy 25 tuổi, đến từ Pháp) đăng lên mạng đoạn video mình thoát y, chỉ mặc bikini nhảy nhót tại Đá thiêng Uluru (hay Ayers Rock) tọa lạc ở Vườn quốc gia Uluru-Kata Tjuta, Australia.

Uluru được công nhận di sản thế giới, cũng là nơi linh thiêng nhất với bộ tộc bản địa Anangu Pitjantjatjara. Bởi vậy, hành động của Sery vấp phải phản ứng dữ dội từ người dân Australia. Họ cho rằng cô đã xúc phạm nghiêm trọng nền văn hóa Thổ dân.

Alizee Sery nói rằng ngay khi đặt chân lên Uluru, cô đã cảm nhận Đá thiêng như người bạn tri kỷ. Nguồn năng lượng nơi đây khiến cô muốn "giải phóng" bản thân.

"Tôi không có ý xúc phạm đến nền văn hóa Thổ dân. Tôi biết Uluru là nơi thiêng liêng nhất trong văn hóa của họ. Tôi chỉ muốn tôn vinh sự vĩ đại của Đá thiêng. Mọi người nên nhớ theo truyền thống, người thổ dân không mặc quần áo. Vì vậy, khỏa thân là một sự gợi nhắc về truyền thống đó", Sery nói với The Sunday Territorian.

Sự hồn nhiên của vũ công người Pháp như mồi lửa làm bùng cháy thêm sự giận dữ của người dân Australia. Nhiều dân mạng đặt câu hỏi nếu một người Australia khỏa thân ở Nhà thờ Đức Bà Paris liệu cư dân Pháp có thể chấp nhận?

Vũ công Alizee Sery bị chỉ trích dữ dội vì khoe clip chỉ mặc bikini nhảy nhót tại Đá thiêng Uluru ở Australia. Ảnh: iainhall, bodybuilding.

Bà Freya Higgins-Desbiolles - giảng viên cao cấp về Du lịch tại ĐH South Australia - đã bày tỏ trong bài viết đăng trên The Conversation: "Khoả thân khi đi du lịch đã trở thành xu hướng mới hơn là sự lập dị của vài cá nhân".

Khi đặt chân tới quốc gia khác, một số du khách quên rằng nơi họ đang ở không phải "nhà" của mình. Nền văn hóa cũng có nhiều khác biệt so với đất nước mình sinh ra.

Có thể một số nơi coi khỏa thân là hành động tôn vinh cơ thể, trong khi địa điểm khác có cái nhìn trái ngược. Khi du khách bất chấp áp đặt giá trị bản thân chống lại văn hóa nước bạn, hậu quả có thể là dư luận phẫn nộ và tổn thương.

Nói về màn mặc bikini nhảy múa trên Đá thiêng Uluru của vũ công người Pháp, Jimmy Little - nghệ sĩ biểu diễn bản địa - cho biết cộng đồng Thổ dân đã bị tổn thương sâu sắc.

"Chủng tộc chúng tôi có tín ngưỡng, niềm tự hào, niềm tin sâu sắc như mọi sắc tộc trên thế giới. Người bước qua ranh giới đó như tát vào mặt chúng tôi rồi nói họ sẽ sống theo cách mình muốn", nam nghệ sĩ bày tỏ.

Ban quản lý Vườn quốc gia Uluru-Kata Tjuta chịu áp lực lớn khi dư luận đòi họ ban hành lệnh cấm mọi người leo lên Đá thiêng Uluru. Cảnh sát Australia khi đó tuyên bố Sery có thể phải chịu phạt 200 USD vì tội khoe thân nơi công cộng. Còn Hội đồng Trung ương Đất đai Australia đã kêu gọi trục xuất nữ vũ công ngay lập tức.

Cuối cùng, Sery không bị phạt. Việc ban hành lệnh cấm mọi người leo lên Đá thiêng Uluru cũng gây tranh cãi suốt nhiều năm nay.

Khỏa thân chụp ảnh để nổi tiếng theo cách tai tiếng

Đầu năm 2015, vụ việc 3 thanh niên người Pháp (trong độ tuổi 20) khỏa thân chụp ảnh tại quần thể đền nổi tiếng Angkor Wat (Campuchia) khiến nhiều quan chức đất nước chùa tháp phẫn nộ vì biểu tượng tín ngưỡng linh thiêng bị xúc phạm nghiêm trọng.

3 thanh niên khai với cảnh sát họ chỉ muốn chụp ảnh theo cách "độc" để lưu niệm. Song các cơ quan cho rằng họ sử dụng các bức ảnh vào nhiều mục đích khác.

Các nam thanh niên Pháp khỏa thân ở quần thể đền đài Angkor Wat, Campuchia vào năm 2015 khiến dư luận nước này phẫn nộ. Ảnh: Cambodia Expats Online.

Trong thời đại selfie đã trở thành một thứ văn hóa phổ biến trong giới trẻ, lý do chủ yếu để một số người khoe thân chụp ảnh khi đi du lịch có lẽ không nằm ngoài cố tình gây sốc, "kiếm fame".

Sự phát triển của mạng xã hội rõ ràng đang khuyến khích trào lưu này. Điển hình là một số tài khoản mạng xã hội như Facebook Naked At Monuments (tạm dịch: Khỏa thân ở các đài tưởng niệm) với dòng mô tả: "Chúng tôi khỏa thân vòng quanh thế giới"; trang blog My Naked Trip (tạm dịch: Nhật ký các chuyến đi khỏa thân của tôi); Instagram @nakedwanderings (tạm dịch: Khỏa thân đi lang thang).

Chuyên gia nghi thức người Anh - William Hanson - nhận định: "Khỏa thân tại các địa danh nổi tiếng là biểu hiện rõ ràng nhất của sự tự yêu bản thân. Đáng buồn thay đó không phải điều hiếm thấy trong thời đại ai cũng muốn trở thành tâm điểm chú ý như hiện nay".

Chuyên gia tâm lý kiêm nhà phân tích văn hóa đương đại Emma Kenny nói với Telegraph Travel cho rằng trong thời đại blogger du lịch nhan nhản như hiện nay, áp lực sáng tạo để giữ chân người xem khiến họ không ngại gây chú ý bằng việc phơi bày cơ thể.

"Những người làm du lịch kiếm tiền qua mạng xã hội thường thể hiện sự bốc đồng, bất chấp, không tuân theo quy tắc văn hóa xã hội của nước chủ nhà", TS Arthur Cassidy - nhà tâm lý học kiêm chuyên gia về người nổi tiếng và mạng xã hội - nói rõ hơn.

Tiến sĩ, nhà tâm lý học truyền thông - Pamela Rutledge - các du khách chụp ảnh khỏa thân tại địa điểm du lịch, di sản thế giới đang lan truyền hành vi nguy hiểm mà không quan tâm đến văn hóa địa phương.

"Đó là hành động ích kỷ. Những người khỏa thân nhằm truyền bá thông điệp tích cực về cơ thể sẽ chọn các địa điểm phù hợp, khuyến khích con người không mặc gì", tiến sĩ Rutledge nhận định.

Với Stella Cordes - nữ nhiếp ảnh gia người Hà Lan, chủ dự án chụp ảnh A Naked Girl (tạm dịch: Cô gái khỏa thân), khỏa thân không phải điều sai trái nếu có mục đích tích cực. Nó khác biệt với việc lõa thể nhằm gây chú ý. Nguyên tắc của Cordes là không khỏa thân ở nơi công cộng, đặc biệt ở nơi có trẻ em.

Lệnh cấm chưa đủ dẹp bỏ trào lưu kỳ quặc

Một trong những cách bảo vệ di sản thế giới, nơi linh thiêng được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ở một số quốc gia đưa ra là ban hành lệnh cấm kèm hình phạt.

Trong trường hợp 3 nam thanh niên Pháp khỏa thân ở Angkor Wat vào năm 2015, tòa án cáo buộc họ 2 tội khỏa thân nơi công cộng và khiêu dâm, phải nộp phạt 750 USD, nhận án tù treo 6 tháng, bị cấm quay trở lại Campuchia trong vòng 4 năm.

Bộ quy tắc ứng xử cho du khách được đặt tại quần thể đền đài Angkor Wat, Campuchia. Ảnh: Angkor Wat Code Of Conduct.

Chính quyền Campuchia sau đó đã cập nhật bộ quy tắc ứng xử cho du khách tới thăm Angkor Wat bằng nhiều ngôn ngữ.

Số vụ khỏa thân chụp ảnh "nhiều không đếm được" ở di sản thế giới - khu tàn tích Machu Picchu, Peru - khiến giới chức nước này đau đầu. Các hình thức xử lý từ ban hành lệnh cấm khỏa thân (từ tháng 6/2014), phạt tiền, bỏ tù, trục xuất… được áp dụng.

Tuy nhiên, lệnh cấm không hoàn toàn dẹp bỏ được trào lưu kỳ quặc của những du khách bất lịch sự.

Bằng chứng là từ khi lệnh cấm được áp dụng, năm nào cũng có trường hợp du khách bị cảnh sát bắt, bỏ tù vì cố tình "lộ hàng" ở di sản thế giới này.

Thực tế, không nhiều người biết đến sự tồn tại của Bộ Quy tắc ứng xử toàn cầu về du lịch. Trong đó có đoạn: "Du khách phải chịu trách nhiệm tìm hiểu văn hoá, đặc trưng của đất nước mình chuẩn bị ghé thăm".

Theo giảng viên Freya Higgins-Desbiolles, du lịch phát triển dựa trên nền tảng sự hiếu khách của nước chủ nhà, nhưng cũng đòi hỏi sự tôn trọng của du khách đối với văn hóa nơi mình tới thăm.

Việc khách du lịch được trèo lên Đá thiêng Uluru là một ví dụ. Theo truyền thống, bộ tộc Anangu không muốn du khách trèo lên nơi linh thiêng nhất với họ, nhưng vẫn không cấm nhiều năm nay. Họ muốn du khách tôn trọng văn hoá của mình và tự nguyện không leo lên Đá thiêng.

Chỉ sau cuộc lấy ý kiến vào năm ngoái, Ban quản lý Vườn quốc gia Uluru-Kata Tjuta mới quyết định sẽ ban hành lệnh cấm mọi người đặt chân lên Uluru từ tháng 10/2019, theo The Guardian.

Việc du khách ngày nay có thể tự do tới thăm, tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên ở khắp nơi trên thế giới không có nghĩa kiểu chụp khoả thân ở địa điểm du lịch được phép buông lỏng.

Việc tận hưởng du lịch ở nước khác nên bắt đầu bằng tìm hiểu những khác biệt trong văn hóa và học hỏi từ đó.

"Du lịch có trách nhiệm" được xây dựng dựa trên lòng tôn trọng để bảo đảm nước chủ nhà đáp lại bằng sự đón tiếp nồng hậu. Vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở ý thức tự giác của con người.

Theo Theo Zing