Chương trình kỹ năng tương lai giúp Singapore bứt phá

Dân số Singapore chỉ có gần 6 triệu người, tài nguyên hạn chế. Tuy nhiên, sau 30 năm công nghiệp hóa, tới năm 2019, Singapore đã vươn lên thứ 34 thế giới về kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 2 thế giới với 101.376 USD/người/năm. Điều gì đã biến quốc đảo nhỏ bé này đạt những thành tựu thần kỳ về kinh tế như vậy?

Sing viên Singapore được học tập và thực hành trên những thiết bị công nghệ hiện đại, thường xuyên cập nhật, nâng cấp theo xu hướng của doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ

Theo các nghiên cứu gần đây, thành công của Singapore tới từ việc đầu tư đúng đắn cho phát triển nhân lực, giúp người dân tiếp cận và lựa chọn ngành nghề phù hợp, dễ dàng theo từng giai đoạn, tuổi tác. Qua đó đã tạo nên lực lượng lao động có kỹ năng, năng lực hành nghề đồng bộ, giúp nền kinh tế gặt hái những thành côn vượt bậc.

Để có được thành công đó, Singapore– SkillsFuture (Chương trình Kỹ năng tương lai) đã được quốc gia này áp dụng, với một số chính sách đặc thù để phát triển kỹ năng lao động, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực.

Chương trình Kỹ năng tương lai (SkillsFuture) được Chính phủ Singapore triển khai từ năm 2015. Với mục tiêu hỗ trợ phát triển nền kinh tế những giai đoạn tiếp theo thông qua chính sách phát triển kỹ năng và học tập suốt đời cho mọi công dân.

Qua chương trình này, Chính phủ cung cấp gói tín dụng dụng SkillsFuture, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp… Gói hỗ trợ dành cho nhiều đối tượng, trong đó tập trung cho sinh viên, người trưởng thành, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo, để người lao động đạt được mức độ thành thạo của kỹ năng nghề nghiệp.

Chương trình đã thiết lập hệ thống đào tạo đa cấp độ, để phục vụ nhu cầu người học ở các giai đoạn khác nhau của nghề nghiệp; mở rộng liên kết đào tạo gắn với doanh nghiệp, hội ngành nghề.

Chương trình SkillsFuture đã thiết lập một hệ thống giáo dục và đào tạo tích hợp, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thay đổi thường xuyên về kỹ năng, cũng như nuôi dưỡng văn hóa học tập suốt đời. Hệ thống Trung tâm giáo dục và đào tạo thường xuyên (Continuing Education and Training - CET) sẽ đáp ứng mục tiêu này. Cho phép người lao động bất kể lứa tuổi, công việc đều có thể tiếp tục theo học để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Hiện, hệ thống bao gồm 25 trung tâm đào tạo, tập trung các lĩnh vực chính như: bán lẻ, du lịch, khách sạn, hàng không, an ninh, tài chính, hoạt hình kỹ thuật số, kỹ sư quy trình…

Năm 2018, Chính phủ Singapore đã dành khoản đầu tư 220 triệu đô la Singapore để triển khai những kế hoạch, chính sách và chiến lược phát triển kỹ năng thông qua chương trình kỹ năng tương lai.

Chính phủ cũng thiết lập hệ thống tư vấn, hướng nghiệp ở tất cả cấp học phổ thông đến cơ sở đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và tiếp diễn trong suốt quá trình nghề nghiệp của mỗi người dân. Từ đó hướng nghiệp để người lao động lựa chọn đúng ngành nghề theo từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hoạt động hướng nghiệp từ sớm giúp các em học sinh lựa chọn ngành nghề theo đúng khả năng của mình, tránh việc lãng phí thời gian học chuyên nghiệp sau đó ra trường phải đào tạo lại…

Phát triển hệ thống giáo dục đào tạo tích hợp, chất lượng cao đáp ứng những thay đổi liên tục của thị trường lao động gắn với thực tập nghề nghiệp thường xuyên; Thúc đẩy người sử dụng lao động về việc công nhận và phát triển nghề nghiệp dựa vào kỹ năng và kỹ xảo; Nuôi dưỡng văn hóa để hỗ trợ và tôn vinh việc học tập suốt đời.

Singapore cũng thiết lập Hệ thống chứng chỉ kỹ năng người lao động (WSQ), giúp cho việc đào tạo, đánh giá và công nhận về kỹ năng và năng lực cho người  lao động được chuẩn hoá.

Chính phủ Singapore cũng áp dụng chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp để khuyến khích họ tăng cường tuyển dụng, sử dụng lao động có kinh nghiệm, kỹ năng. Gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động ngay trong doanh nghiệp.