Dù VN-Index kết phiên tăng nhẹ trở lại, nhưng thị trường vẫn chưa thoát tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng”. Trên HoSE, 235 cổ phiếu giảm giá, lấn át số mã tăng. Sự hồi phục của chỉ số chính chủ yếu phụ thuộc vào lực đẩy của một số mã VN30.
Nhóm Vingroup tiếp tục đóng vai trò chủ lực dẫn dắt thị trường. VIC tăng trần lên 45.100 đồng/cổ phiếu, trắng bên bán. Đà tăng của VIC xuất hiện sau thông tin Vingroup muốn làm dự án hơn 6 tỷ USD ở Hậu Giang.
Không chỉ dòng tiền trong nước, dòng vốn ngoại cũng giải ngân mạnh vào VIC đưa cổ phiếu này lọt top 3 mã được mua ròng mạnh nhất, giá trị hơn 64 tỷ đồng (xếp sau FPT, MWG). Hai cổ phiếu khác thuộc họ VIN là VHM, VRE cùng tăng giá.
Nhóm bất động sản cũng ghi nhận tín hiệu tích cực lan tỏa, sắc xanh chiếm ưu thế ở nhiều cổ phiếu như DXG, NVL, TCH, HQC, KBC, NLG… Giao dịch của nhóm này khởi sắc hơn thị trường chung, trong khi các ngành có sức ảnh hưởng, thanh khoản chiếm ưu thế như ngân hàng, chứng khoán,… thiếu sự đồng thuận.
Các mã lớn ngành ngân hàng như VCB, BID lần lượt lọt top giao dịch tiêu cực nhất. Cổ phiếu thép HPG, hay chứng khoán SSI lần lượt theo sau. SSI đóng cửa giảm 1,6% với thông tin đáng chú ý về việc con trai Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng bán ra toàn bộ cổ phiếu SSI nắm giữ.
Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của ông Nguyễn Duy Linh cho thấy, cá nhân này đã hoàn tất giao dịch bán thỏa thuận toàn bộ hơn 47,1 triệu cổ phiếu SSI (tương ứng 3,11% vốn điều lệ) nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân. Thời gian thực hiện từ ngày 19 - 23/8 theo phương thức giao dịch thỏa thuận.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,54 điểm (0,04%) lên 1.280,56 điểm. HNX-Index giảm 0,06 điểm (0,03%) xuống 238,91 điểm. UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (0,01%) xuống 94,15 điểm. Thanh khoản sụt giảm, giá trị khớp lệnh HoSE xuống còn 14.400 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 260 tỷ đồng, tập trung vào TLG, HPG, VPB, FRT…
Cảnh giác với cuộc gọi lạ mời đầu tư chứng khoán
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa phát đi khuyến cáo về các chiêu trò lừa đảo đầu tư chứng khoán trên mạng xã hội. Thời gian qua, thị trường có hiện tượng một số cá nhân tự nhận là nhân viên của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ gọi điện thoại mời chào người dân đầu tư chứng khoán. Các đối tượng này giới thiệu cho người dân về cơ hội đầu tư chứng khoán, đồng thời mời gọi tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội để nhận được tư vấn đầu tư, giao dịch, hoặc thực hiện tải, cài đặt, sử dụng các app.
Trong trường hợp người dân nghi ngờ, hoặc phát hiện các cá nhân mạo danh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cung cấp thông tin sai sự thật, có hành vi lừa đảo,… Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị người dân thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.