Chứng khoán tăng kỷ lục trước kỳ nghỉ lễ

Chứng khoán ngày 29/8 khép lại với nhiều kỷ lục mới, VN-Index đạt mức cao nhất trong 5 năm, còn thanh khoản đạt gần 5.000 tỉ đồng, cao chưa từng có kể từ cuối tháng 3.
Tiền đang đổ dồn vào chứng khoán sau khi lãi suất ngân hàng và giá xăng dầu giảm. Ảnh chụp tại sàn giao dịch SJCS, đường Võ Thị Sáu (quận 3, TP HCM) vào sáng 29/8. Ảnh: Hoàng Triều

Hôm nay cũng là phiên cuối cùng trong tháng 8. Đây được xem là tháng thành công của thị trường.

Dù có sự giằng cao giữa bên bán và bên mua nhưng cuối phiên, lực mua mạnh dần kéo VN-Index tăng 4,62 điểm, tương ứng 0,73% lên 636,65 điểm. Còn HNX-Index cũng tăng 0,25 điểm, tương đương 0,29% lên 87,04 điểm. VN-Index chính thức vượt mức kỷ lục được thiết lập vào tháng 1-2009.

  

Khối lượng giao dịch ở cả hai sàn TP HCM (HoSE) và Hà Nội (HNX) đạt gần 273 triệu đơn vị, tương ứng hơn 4,850 tỉ đồng, cao nhất tính từ cuối tháng 3 đến nay.

Khối ngoại là một tác nhân lớn của thị trường khi mua vào hơn 24,5 triệu cổ phiếu trên HOSE, tương ứng gần 1.123 tỉ đồng.

Lực mua tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn được xem là “động lực” chính của thị trường, thể hiện rõ qua việc VN30-Index tăng tới 7,89 điểm. Trong đó, VIC tăng 2.500 đồng/cổ phiếu, MSN tăng 1.500 đồng, KDC tăng 2.000 đồng. Đáng kể nhất là cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) bất ngờ tăng kịch trần (+900 đồng) lên 14.900 đồng với lệnh dư mua tuyệt đối.

Nhiều cổ phiếu thuộc dạng đầu cơ cũng theo đó mà bứt phá mạnh. Các mã như BGM, FDC, FMC, NHW, PXT, QCG, SBC, VHG... đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành khoáng sản gồm: KBC, KSA, KSS, KTB, LCM, MDG... đóng cửa trong sắc tím và lượng dư mua tuyệt đối.

Điểm đặc biệt khác ở phiên này là cổ phiếu VIC của tập đoàn VINGROUP có thỏa thuận hơn 15 triệu đơn vị, tương ứng 847 tỉ đồng. KBC , FPT cũng có thỏa thuận lần lượt 2 triệu đơn vị và hơn 1 triệu đơn vị. Còn trên HNX, khối lượng thỏa thuận chỉ hơn 2 triệu đơn vị, tương ứng gần 57 tỉ đồng.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, những yếu tố như lãi suất, giá xăng dầu đang giảm được xem là nguyên nhân trực tiếp đẩy thị trường chứng khoán tăng mạnh. Điều quan trọng hơn là Việt Nam đang trở thành điểm thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài khi thời kỳ khó khăn nhất của nền kinh tế đã qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước sắp sửa cổ phần hóa.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng sau một quá trình tăng điểm liên tục, thị trường đang ở vùng quá mua, do vậy nhà đầu tư cần thận trọng lựa chọn cổ phiếu, tránh mua đuổi để rồi tranh nhau bán tháo khi thị trường điều chỉnh.

Theo Theo Người Lao Động