Chứng khoán nhiều “hàng ngon”: Mời vốn ngoại… xơi (?!)

TP - Tính chung cả nước đã có hơn 1,8 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán được mở trong đó có hơn 10.000 tài khoản nhà đầu tư ngoại. Từ nay đến 2019, hàng trăm “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước lớn tên tuổi sẽ IPO cổ phần hoá, hay lên sàn. Cơ hội gọi vốn cho TTCK Việt Nam đang mở ra hơn bao giờ hết.
Chứng khoán Việt đang mong tiền ngoại chảy vào. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Hơn 1,8 triệu tài khoản được mở

Thị trường Vốn - Động lực tăng trưởng mới của nền Kinh tế” là chủ đề chính của “Gateway to Vietnam 2017” diễn ra từ 25-27/10 tại TP HCM.  Phát biểu khai mạc, chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết: sau 17 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam được biết đến là một thị trường non trẻ nhất, quy mô khiêm tốn nhất, nhưng là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á.

Cụ thể, trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng 3 lần, năm 2006 là 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và thời điểm hiện tại là hơn 63% GDP. Nếu vào thời điểm 2006, tính cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán (Sở GDCK) chỉ có 192 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch và có duy nhất 01 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ đô la thì cho đến nay trên thị trường đã có trên 700 doanh nghiệp niêm yết, 640 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, trong đó có 23 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ đô la.

Riêng trong năm 2016 và đầu năm 2017 đã có nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn tham gia TTCK như Sabeco, Vietnam Airline, Vietjet Air, Novaland, Petrolimex,… và những tên tuổi lớn khác sắp được chào sàn như Vin Retail, Hdbank, Techcombank,…

VN-Index - chỉ số đại diện cho TTCK Việt Nam đã tăng trưởng hơn 16% trong năm 2016. Đến thời điểm này của năm 2017, VN-Index tiếp tục tăng trưởng thêm 24,5% trong khi HNX-Index tăng trưởng 36%. Thanh khoản của TTCK đã tăng 50% từ mức 3000 tỷ đồng/phiên trong năm 2016 lên mức 4500 tỷ đồng/phiên trong năm 2017.

Bên cạnh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu đã phát triển ngoạn mục. Thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ tăng từ mức hơn 324 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên mức gần 9000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017, tăng 27 lần và gấp đôi giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường cổ phiếu.

Mặc dù có quy mô khiêm tốn khoảng 124 tỷ đô la và xếp hạng ở thị trường cận biên, nhưng sự phát triển vượt bậc và sức hấp dẫn  của thị trường vốn - TTCK Việt Nam đang ngày càng rõ rệt. Hơn 1.867.000 tài khoản giao dịch đã được mở, trong đó có trên 21 ngàn tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài.

“Nếu như năm 2016 chúng ta chứng kiến có sự rút vốn nhẹ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu, thì trong năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khá nhiều trên cả thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đến tháng 10/2017, tăng 47,4% so với cuối năm 2016”, chủ tịch UBCK nói. 

Hàng trăm DN cổ phần hóa lên sàn

Câu hỏi lớn đặt ra là hiện thị trường vốn - TTCK Việt Nam có thể tiếp tục đà tăng trưởng và độ sâu trong thời gian tới hay không? Chủ tịch UBCK nói: “Tôi  vẫn thấy có đủ cơ sở để lạc quan về sự tiếp tục phát triển bền vững của thị trường vốn - TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Những lý do thuyết phục đó là: tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mức trên 6,7% trong năm nay và được dự báo duy trì ở mức cao cho 5 năm tiếp theo, trong khi lạm phát được kiềm chế dưới mức mục tiêu, tỷ giá tương đối ổn định mặt bằng lãi suất vốn được duy trì ở mức hợp lý; Chính phủ sẽ cung cấp một lượng hàng hóa có chất lượng cho thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2017, chính phủ đã cổ phần hóa thành công 34/44 DNNN nằm trong kế hoạch.

Năm 2018, Chính phủ đã công bố kế hoạch cổ phần hóa thêm 64 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty giấy Việt Nam, Mobifone, và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện,… Năm 2019, mặc dù kế hoạch của Chính phủ dự kiến cổ phần hóa chỉ 18 doanh nghiệp, nhưng có thể nhìn thấy nhiều tên tuổi lớn, hấp dẫn như Tổng công ty cà phê Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính viễn thông, Tập đoàn hóa chất, Tập đoàn than và khoáng sản…

Từ nay đến cuối năm một số doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như PV Oil, PV Power, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam và thực hiện đẩy mạnh bán cổ phần tại Sabeco và Vinamilk. Thời gian 1-2 năm tới, hàng trăm DNNN sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Với những yếu tố “thiên thời địa lợi” như trên, TTCK Việt Nam đang trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.  Vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu đã đạt mức trên 100% GDP, so với mức 130% GDP của dư nợ tín dụng ở thời điểm hiện tại, cho thấy thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam đang từng bước đạt được cơ cấu cân bằng, vững chắc hơn so với trước đây.

“Thị trường Vốn - Động lực tăng trưởng mới của nền Kinh tế” là chủ đề chính của “Gateway to Vietnam 2017”  do Công ty CP Chứng khoán Sài gòn (SSI) tổ chức. Được giới thiệu lần đầu tiên năm 2009, sau 3 lần tổ chức “Gateway to Vietnam” đã trở thành một cầu nối tin cậy giữa các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước với những doanh nghiệp trong nước, là diễn đàn xúc tiến đầu tư hiệu quả của thị trường tài chính.