VN-Index chinh phục mốc 1.200 điểm?
Tuần qua, chứng khoán Việt Nam khởi sắc với 5 phiên tăng điểm liên tiếp. Diễn biến này đồng pha với chứng khoán thế giới, nhờ số liệu lạm phát tích cực tại Mỹ và áp lực tỷ giá hạ nhiệt. Cụ thể, lạm phát tại Mỹ tháng 6/2023 giảm nhanh và thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế làm dấy lên kỳ vọng FED sẽ chỉ còn một đợt tăng lãi suất cuối cùng trong năm nay (trước đó thị trường lo ngại FED có thể còn 2-3 đợt tăng lãi suất nữa). Sau thông tin này, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có diễn biến khá tích cực, đồng thời chỉ số đồng đô la (DXY) đã giảm xuống dưới mốc 100 điểm, qua đó giúp giảm bớt áp lực tỷ giá trong nước.
Những thông tin tích cực đó đã thúc đẩy dòng tiền đang còn lưỡng lự trước đó gia nhập thị trường, kéo VN-Index dễ dàng vượt qua mốc 1.150 điểm.
Nhóm tiêu dùng - bán lẻ là tâm điểm của thị trường tuần qua, sau khi chính sách giảm thuế VAT 2% chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7. Các cổ phiếu tiêu biểu của ngành tăng giá mạnh, như MWG (+8,7%), PNJ (+9,3%) và DGW (+8,7%). Đà tăng của thị trường còn được hỗ trợ bởi diễn biến tích cực của 2 ngành trụ cột là ngân hàng và bất động sản.
Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.168,4 điểm (tăng 2,7% so với tuần trước). Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 21.832 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng, nhưng giá trị đã giảm 45% so với tuần trước, xuống còn 1.023 tỷ đồng.
Chuyên gia của Chứng khoán VNDirect nhận định, tâm lý tích cực trên thị trường có thể duy trì trong tuần tới, chỉ số hướng đến vùng kháng cự mạnh 1.180-1.200 điểm. Trong xu hướng tăng của thị trường, nhà đầu tư nên áp dụng một số kỹ thuật như hạ bớt tỷ trọng margin, tỷ trọng cổ phiếu khi gặp vùng kháng cự mạnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên bán hết, mà có thể giữ lại lượng cổ phiếu nhất định (ưu tiên những cổ phiếu đang có xu hướng mạnh). Đồng thời, nhà đầu tư cần hạn chế mua các cổ phiếu đã tăng mạnh hơn 20%, và chưa tích lũy trở lại.
“Dù thị trường trong xu hướng tăng, nhưng dòng tiền vẫn luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, sẽ có những cổ phiếu đã điều chỉnh xong, tích lũy trở lại và cho điểm mua tốt. Do đó, nhà đầu tư nên tránh tâm lý Fomo (sợ bỏ lỡ cơ hội) ở những cổ phiếu đã tăng nóng, mà có thể tìm kiếm và giải ngân vào những cổ phiếu đã tích lũy trở lại, cho điểm mua tốt. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro mua vào sai nhịp, dẫn tới thua lỗ và kẹp hàng, từ đó lại lỡ sóng ở cổ phiếu khác”, chuyên gia VNDirect khuyến nghị.
Bộ phận phân tích của Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, đà tăng giá sẽ tiếp diễn trong các phiên đầu tuần sau, hướng tới vùng 1.180 điểm. Nhà đầu tư lưu ý một số nhịp rung lắc có thể xuất hiện khi các thông tin về kết quả kinh doanh quý II kém khả quan của các doanh nghiệp dần được công bố. Tuy nhiên dòng tiền tham gia thị trường kỳ vọng tiếp tục dồi dào, nhờ tâm lý tích cực đón nhận các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là chính sách về lãi suất điều hành.
Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp rung lắc của thị trường để tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục có sẵn hoặc nhóm cổ phiếu VN30, cổ phiếu lớn.
Hai doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt 45%
Tuần 17-21/7, trên sàn chứng khoán, 36 doanh nghiệp sẽ thông báo chốt quyền cổ tức. Trong đó, 31 doanh nghiệp đều trả cổ tức bằng tiền mặt, 2 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp phát hành thêm, 2 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu.
Trong số các doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt tuần này, tỷ lệ cao nhất là 45% và thấp nhất là 1%
CTCP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (mã PGD) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 và nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, Công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 45% , tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 4.500 đồng. Với gần 90 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, PGD sẽ chi khoảng 405 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thanh toán cổ tức là ngày 28/9. Đây cũng là lần chia cổ tức cao nhất của PGD kể từ khi niêm yết trên HoSE (năm 2009 đến nay).
Cũng trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 45%, ngày 19/7, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (mã MCH) sẽ chốt danh sách cổ đông. Với gần 717 triệu cổ phiếu đang lưu hành, MCH dự kiến chi hơn 3.200 tỷ đồng để hoàn tất tạm ứng cổ tức cho cổ đông. Thời gian thực hiện dự kiến trong ngày 14/8.
Bên cạnh việc tạm ứng cổ tức năm nay, MCH sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông, bao gồm nhưng không giới hạn, thay đổi trụ sở chính; thay đổi ngành nghề kinh doanh và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền đại hội đồng cổ đông.