Chứng khoán chiều 15 - 3: 'Phim kinh dị' 15 phút cuối

Không thể biết được khối lượng mua bán khủng đó thuộc về nhóm nhà đầu tư nào, trong nước hay nước ngoài, hay cả hai cho tới khi kết thúc phiên.

Chứng khoán chiều 15 - 3: 'Phim kinh dị' 15 phút cuối

> Bầu Thụy gây sốc với chứng khoán Xuân Thành

> Western Bank & PVFC: “Hôn nhân” - Ai được lợi? 

Không thể biết được khối lượng mua bán khủng đó thuộc về nhóm nhà đầu tư nào, trong nước hay nước ngoài, hay cả hai cho tới khi kết thúc phiên.

VN-Index được kéo bật lên chỉ bằng một nhịp giao dịch.
 

Lượng tiền này dĩ nhiên là của nhà đầu tư nước ngoài và hôm nay là ngày cuối cùng trong kế hoạch cơ cấu danh mục của quỹ ETF. HSX là địa chỉ nhận phần lớn dòng tiền này. Trong tổng khối lượng 31,4 triệu cổ phiếu khớp lệnh tăng thêm riêng trong rổ VN30 chiều nay, khối ngoại mua vào 12,4 triệu, chiếm trên 39%. Cả phiên chiều HSX khớp thêm 906,3 tỷ đồng thì riêng đợt đóng cửa đã đóng góp 652,5 tỷ đồng.

Thực sự là một bộ phim “kinh dị” trong đợt khớp lệnh đóng cửa của HSX. Những khối lượng đổ mua giá ATC dồn dập tại các cổ phiếu blue-chip. Hàng trăm ngàn tới hàng triệu đơn vị được đặt mua và bán cùng lúc ở nhiều mã. Cách thức mua bất chấp giá này thường chỉ có ở nhà đầu tư nước ngoài và đã diễn ra vài lần. CTG, GMD là hai mã có khối lượng đua bán chọi nhau hàng triệu đơn vị.

Không thể biết được khối lượng mua bán khủng đó thuộc về nhóm nhà đầu tư nào, trong nước hay nước ngoài, hay cả hai cho tới khi kết thúc phiên. Phần lớn giao dịch mua đã thuộc về nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng có một số mã khối này bán ra mạnh. CTG là ví dụ. Khối ngoại đã tung ra bán 12,4 triệu cổ và tổ chức trong nước nhảy vào đỡ bằng hơn 4 triệu cổ cũng giá ATC. Nỗ lực cân bằng của nguồn vốn trong nước đã không đủ, CTG bị ép tụt về tham chiếu, từ mức tăng 3,16% trước đó. CTG đã bị rút ra ròng 305,2 tỷ đồng.

GMD khối ngoại đặt mua khoảng 3 triệu giá ATC và tổ chức trong nước xả ra 1,1 triệu giá ATC. GMD có tương quan giá đặt rất “kỳ quái”, gần như chỉ “đánh nhau” bằng lệnh ATC nên giá đóng cửa tuy ở mức trần 35.300 đồng, nhưng bước giá mua gần nhất kế tiếp chỉ là 32.500 đồng, còn dưới cả giá tham chiếu. Khối ngoại đã mua ròng tại GMD gần 119 tỷ đồng.

Danh sách mua lớn còn lại thuộc về DPM, HPG, HSG, MSN, OGC, PVF, STB, VCB. Đó là những mã được mua ròng trên 10 tỷ đồng, còn số thấp hơn thì gần như toàn bộ các mã còn lại.

Phía bán ròng ngoài CTG chỉ có BVH và SBT, tương ứng 12,6 tỷ và 5,9 tỷ đồng. Chung cuộc rổ VN30 nhận được mức vốn ròng là -18,1 tỷ đồng, chủ yếu do CTG bị bán quá mạnh. Nếu loại CTG, rổ này được mua ròng 287,1 tỷ đồng.

Biến cố đột ngột lúc đóng cửa với một lượng tiền quá lớn tác động đến hầu hết các cổ phiếu lớn đã giúp cho VN-Index nhảy một bước dài. Chỉ số này đóng cửa tăng 1,42% so với tham chiếu, thì riêng đợt khớp cuối đã đem lại gần 1%. VN30-Index đóng cửa tăng 1,31% thì đợt đóng cửa đóng góp 0,86%. Về giá trị thì đợt đóng cửa cũng chiếm trên 48% cả phiên.

Biến động của HSX đương nhiên ảnh hưởng mạnh đến HNX. Tuy nhiên tác động lại có độ trễ. Sàn Hà Nội có tới 5 phút “choáng váng” chưa kịp phản ứng. Giá không tăng mà thanh khoản cũng không biến động nhiều. Nguyên nhân là do sàn này không có hiện tượng đánh lên đồng loạt giống rổ VN30 của HSX.

Hai mã nhận được lượng tiền lớn của khối ngoại đổ vào là PVX và VCG, các mã còn lại tăng giá hầu như chỉ là ăn theo do lan tỏa tâm lý. PVX được mua dồn dập trong vòng 10 phút trên 4 triệu cổ phiếu, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua 2,5 triệu, tạo biến động giá cực mạnh. PVX có lúc bật tăng gần 6,9%. Sau khi khối ngoại dừng mua, giá đã hạ nhiệt lại một chút nhưng vẫn tăng 5,17%. VCG được mua dồn dập gần 1,5 triệu cổ, đẩy giá tăng tới 8,8%, trước khi thu hẹp lại còn 2,4%.

Chỉ trong vòng 14 phút kể từ sau khi HSX kết thúc giao dịch, HNX-Index nhảy vọt 1,48%, HNX30-Index nhảy 2,18%. Đương nhiên chỉ riêng PVX và VCG thì không thể đem lại mức tăng mạnh như vậy. Nhưng sức lan tỏa từ giao dịch của hai cổ phiếu này đã kéo hàng loạt mã khác tăng giá, trong đó hầu hết các mã đầu cơ lớn như BVS, KLS, SCR, SHB, SHS, VND tăng theo.

Cũng giống như với CTG, quỹ nước ngoài tranh thu những phút cuối cùng để xả PVS. Với gần 3 triệu cổ được xả trong 15 phút cuối, PVS nằm bẹp ở tham chiếu dù tổ chức trong nước cũng tham gia đỡ như với CTG. Do chỉ tập trung vào một số mã lớn nên thanh khoản của HNX phiên chiều chỉ đạt 246,5 tỷ đồng.

Biến động hôm nay nằm ngoài dự đoán, chủ yếu là do cách thức mua. Thông tin hôm nay là ngày cuối cùng trong kế hoạch cơ cấu danh mục của quỹ ETF thị trường đều biết, nhưng chỉ không lường trước được lại thực hiện dồn dập vào một thời điểm với khả năng chấp nhận chi phí cao như vậy.

Với sự kết thúc hoạt động mua bán định kỳ, thị trường sẽ trở lại ổn định từ đầu tuần sau. Đây mới là thời gian chính xác để kiểm nghiệm cung cầu thực tế, sau nhiều tuần xáo trộn bởi khối ngoại.

Theo Lan Ngọc
Vnexpress

Theo Đăng lại