Chùm ảnh độc lạ tìm bàn tay vàng trong "làng" cạo mủ cao su

Trong 22 phút, các công nhân sẽ phải cạo 100 cây cao su, sau đó Ban giám khảo sẽ bốc ngẫu nhiên 5 cây để chấm điểm. Cùng với phần thi lý thuyết, những thí sinh đạt điểm tuyệt đối 100 sẽ được nhận danh hiệu Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su.

Ngày 16/12, tại vườn cây Nông trường Tân Lập, Cao su Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Lễ khai mạc Hội thi bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV năm 2024. (ảnh: Phạm Nguyễn)

BTC, lãnh đạo, khách mời cắt băng khai mạc Hội thi (ảnh: Phạm Nguyễn)

Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su năm 2024 có 60 đoàn với 240 thí sinh tham gia, trong đó, có 60 thí sinh người Campuchia và 12 thí sinh người Lào. (ảnh: Phạm Nguyễn)

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước tặng cờ thi đua cho các đội thi (ảnh: Phạm Nguyễn)

Theo BTC, điểm mới Hội thi năm nay là mỗi đoàn thí sinh chỉ tham gia 03 chính thức và 01 dự bị. (ảnh: Phạm Nguyễn)

Tham gia Hội thi, tất cả các thí sinh, bao gồm thí sinh chính thức và dự bị đồng loạt bước vào 2 phần thi đầu tiên là lý thuyết và dụng cụ. (ảnh Phạm Nguyễn)

Trong phần thi lý thuyết, các thí sinh có 30 phút để làm bài theo hình thức trắc nghiệm theo bộ đề chẵn – lẻ với 60 câu hỏi liên quan đến công tác trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su. (ảnh: Phạm Nguyễn)

Đoàn xe diễu hành đưa thí sinh vào trường thi. (ảnh: Phạm Nguyễn)

Khu vực trường thi "độc nhất vô nhị" (ảnh: Phạm Nguyễn)

Nổ súng bắt đầu Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su năm 2024 (ảnh: Phạm Nguyễn)

Ở phần thi thực hành, các thí sinh sẽ vận dụng lý thuyết để thu hoạch mủ cao su. Trong ảnh, công nhân tranh tài thu hoạch mủ cao su dưới sự giám sát chặt của giám thị. (ảnh: Phạm Nguyễn)

Trong Quy chế Hội thi nêu rõ, phần chấm điểm thực hành bốc chấm 5 cây ngẫu nhiên và tốc độ thực hiện toàn phần thi tăng thêm 02 phút so với những lần trước là 22 phút/100 cây – 02 hàng (mỗi hàng 50 cây/70 khoảng chạy), giữ nguyên tốc độ chấm điểm cờ vàng 15 phút. (ảnh: Phạm Nguyễn)

Công nhân tham gia thi phải trải qua kỳ tuyển chọn cấp cơ sở và luyện tập siêng năng trong thời gian dài nhưng vẫn tỏ ra áp lực khi chính thức bước vào kỳ thi. Trong ảnh một công nhân đang chạy đua với thời gian để hoàn thành bài thi cao 100 cây cao su trong 22 phút. (ảnh: Phạm Nguyễn)

Số lượng và chất lượng mủ sẽ quyết định thành tích của các thí sinh sẽ quyết định đến kết quả, thành tích của bản thân và toàn đoàn. Ngoài các giải thưởng chính thức, số thí sinh đạt điểm tuyệt đối 100 sẽ được nhận danh hiệu Bàn tay vàng, đạt điểm số trên 96 điểm được tuyên dương Kiện tướng khai thác mủ. Toàn bộ thí sinh tham gia được trao chứng nhận thợ giỏi cấp ngành. (ảnh: Phạm Nguyễn)

Nâng tầm quốc tế

Phát biểu khai mạc Hội thi ông Lê Thanh Hưng – Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su toàn được Tập đoàn tổ chức đều đặn 2 năm một lần.

Bắt đầu từ năm 2012, Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ ngành cao su lần đầu tiên được nâng lên tầm cấp quốc gia với 34 đoàn thợ giỏi, trong đó có 6 đơn vị ngoài Tập đoàn. Hội thi có sự tham gia của các thí sinh đến từ đơn vị trực thuộc Tập đoàn tại Lào và đại biểu khách mời đại diện các quốc gia, tổ chức cao su quốc tế. Hội thi năm 2014 có thêm thí sinh đến từ các đơn vị trực thuộc Tập đoàn tại Campuchia. Như vậy, Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su của Tập đoàn đến nay đã được nâng lên tầm quốc tế.

“Có thể nói, Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức đã vượt khỏi khuôn khổ của một Hội thi tay nghề thông thường, nó thực sự đã trở thành một ngày hội truyền thống của công nhân cao su. Đặc biệt, hiện nay trên thế giới dù có rất nhiều nước trồng cao su, nhưng chỉ có Việt Nam tổ chức một Hội thi thu hoạch mủ mang tính quy mô toàn ngành. Đây là điểm độc đáo và có thể xem là nét văn hoá đặc trưng của ngành Cao su Việt Nam”, ông Hưng nói.