Chủ tịch VCCI: Nông dân Việt có thể trực tiếp bán hàng tới Mỹ, châu Âu

TPO - Theo Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc, viễn cảnh một nông dân ở Việt Nam có thể trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu hay ở bất kỳ quốc gia nào là không còn quá xa vời, nếu giải quyết được những vấn đề liên quan đến thanh toán, hậu cần vận chuyển hàng hóa hoặc giao nhận dịch vụ…
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit)

Hội nhập: Con đường tốt nhất cho phát triển

Chỉ còn ít ngày nữa là Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) sẽ chính thức diễn ra, ông có thể cho biết, đến nay Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC đã họp và có những vấn đề gì được thông qua?

Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) đã họp phiên thứ 4 để chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao. Trong các cuộc đối thoại, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo đã cùng nhau bàn thảo về nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn.

Một trong những vấn đề đưa ra bàn thảo là đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực. Mặc dù các quan điểm chống lại toàn cầu hóa có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng doanh nghiệp APEC vẫn coi hội nhập về thương mại và đầu tư là con đường tốt nhất cho phát triển kinh tế và khẳng định WTO vẫn là nền tảng của thương mại và sự thịnh vượng toàn cầu.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị cần tăng cường cam kết của các nền kinh tế APEC chống lại chủ nghĩa bảo hộ, tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư như tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ (TiSA), Hiệp định Hàng hóa Môi trường (EGA), đề ra lộ trình cạnh tranh về dịch vụ của APEC (ASCR)... Doanh nghiệp cũng kiến nghị thúc đẩy các nỗ lực dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan có thể làm tăng chi phí kinh doanh, hạn chế đầu tư và tăng trưởng thông qua thúc đẩy công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử.

Bên cạnh việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ, vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, xoá bỏ sự chia cắt kỹ thuật số, xây dựng thương mại kỹ thuật số và khuyến khích sự di chuyển dữ liệu và thông tin qua biên giới trên khắp khu vực cũng được cho là giải pháp thúc đẩy hội nhập, mở rộng thương mại, bảo đảm lợi ích của nền kinh tế số được lan tỏa đến rất cả các nền kinh tế số.

Những nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh (ABAC) về đầu tư cho ICT và tiềm năng tương lai cho thấy sự gia tăng bất bình đẳng giữa các nền kinh tế đi tiên phong và các nền kinh tế đi sau là do sự chênh lệch về năng lực cạnh tranh. Trong kỷ nguyên mới, khi nguồn dữ liệu trở thành tài nguyên cốt lõi thì mỗi nền kinh tế phải coi phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để nâng cao năng lực cạnh tranh là ưu tiên đặc biệt.

Để ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các nền kinh tế APEC cần tạo ra các môi trường pháp lý xoá bỏ những rào cản không cần thiết và tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số, bao gồm hợp tác trong những nỗ lực quốc tế để truyền dữ liệu hiệu quả và an toàn khắp khu vực và cải cách pháp luật trong nước.

Các doanh nghiệp cũng quan tâm và thảo luận vấn đề đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng (đường sá, bến cảng, đường sắt, lưới điện …) và kết nối thể chế (sự gắn kết luật pháp quốc tế, tạo điều kiện hội nhập khu vực) như những điều kiện để đẩy mạnh tăng cường hội nhập và phát triển. 

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về việc chưa có tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu an ninh lương thực của APEC, đồng thời khuyến nghị cần có sự tham gia sâu hơn của khu vực tư nhân để bảo đảm an ninh lương thực bền vững.

Doanh nghiệp nhỏ có phát triển mới có tăng trưởng

Vai trò của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đã được các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh nhiều lần. Vậy theo ông, khối các DN này sẽ có vai trò thế nào trong việc thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế thành viên?

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) được coi là huyết mạch của mọi nền kinh tế trong khu vực. Các doanh nghiệp này chiếm trên 90% doanh nghiệp, sử dụng trên 60% lực lượng lao động. Tuy nhiên,  MSMEs chỉ chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu.

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông, các MSMEs có thể trực tiếp tham gia vào thương mại xuyên biên giới với chi phí thấp thông qua kinh tế số và các nền tảng thương mại điện tử.

Viễn cảnh một nông dân ở Việt Nam có thể trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu hay ở bất kỳ quốc gia nào là không còn quá xa vời, nếu giải quyết được những vấn đề liên quan đến thanh toán, hậu cần vận chuyển hàng hóa hoặc giao nhận dịch vụ, và quan trọng hơn là vấn đề xác lập thị trường thương mại điện tử đáng tin cậy cũng như vấn đề an ninh và bảo vệ dữ liệu.

Mặc dù vậy, các chi phí giới thiệu, quảng bá sản phẩm có thể rất tốn kém nên việc kết hợp với các doanh nghiệp lớn trong các chuỗi giá trị rất có ý nghĩa đối với các MSMEs. Bên cạnh đó, để mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cho các  MSMEs thì cần phải vượt qua được các rào cản về các quy định pháp lý.

Các đề xuất  xoay quanh việc xây dựng hệ thống thông tin về tài chính, việc định giá, các giao dịch bảo đảm hay phát triển fintech… cùng nhiều sáng kiến thành lập Mạng lưới Khởi nghiệp APEC và Thị trường doanh nghiệp MSMEs APEC cũng được VCCI và ABAC nêu ra như các nền tảng thúc đẩy sự phát triển và quốc tế hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Một trong những vấn đề được APEC thảo luận dịp này là những ưu tiên cho phát triển sáng tạo và bao trùm. Theo ông, sẽ cần làm gì để các doanh nghiệp phát huy được sự sáng tạo của mình?

ABAC và VCCI khuyến nghị tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế, bởi họ phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm việc huy động  vốn, tiếp cận thị trường, phát triển kỹ năng và năng lực, cũng như xây dựng các mối quan hệ kinh doanh. Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế sáng tạo, cần tăng cường hợp tác giữa các cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ trong công tác đào tạo, chú trọng các ngành STEM (khoa học, công nghệ, chế tạo và quản trị), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Cộng đồng doanh nghiệp tin rằng tập trung vào những hoạt động chính yếu nêu trên, APEC sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng là xây dựng một cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng, một tương lai chung mà không ai bị bỏ lại phía sau.

Cảm ơn ông