Chú Sáu Nam - Anh bộ đội cụ Hồ

TP - Chú Sáu Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước năm nay 95 tuổi với 75 tuổi Đảng. Chú Sáu Nam là tên gọi thân thương trìu mến của đồng bào, chiến sĩ miền Nam dành cho Đại tướng Lê Đức Anh từ thời đất nước ngút trời khói lửa tới nay.
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước làm việc với Bộ chỉ huy quân chủng Hải quân Việt Nam.

Chú Sáu Nam - cái tên đã đi vào lòng người chan chứa nghĩa tình, xóa nhòa cấp bậc và những chức vụ.

Cứ mỗi lần gặp chú Sáu Nam, tôi lại thấy ông vẫn như thuở nào: khỏe khoắn, minh mẫn với nụ cười hiền hậu, lạc quan... Đó không phải là cảm nhận của riêng tôi, mà nhiều người gặp ông cũng thấy như vậy.

Ít ai ngờ một người như ông lúc ở tuổi ngoài 70 bị hai lần đột quỵ, lại có thể vượt qua và ngày càng khỏe khoắn, minh mẫn, có trí nhớ tuyệt vời.

Với chú Sáu Nam dù ở những thời điểm cực kỳ gay go, phức tạp nhất, có khi giữa cái đúng và cái sai của số đông và số ít, của hiện tại và tương lai, ranh giới chỉ mong manh như sợi tóc, chú vẫn bình thản tin ở ý nghĩ và việc làm của mình. Đó là bản lĩnh và tầm nhìn của người lãnh đạo. Hơn kém giữa số đông và số ít, giữa thắng và thua cũng chính ở điểm này.

Cái gì tạo nên bản lĩnh và tầm nhìn của chú Sáu Nam?

Theo tôi, có lẽ là do thiên bẩm vốn có sẵn trong người chú Sáu Nam những tố chất của huệ trí để tạo nên bản lĩnh và tầm nhìn của ông, để thấy cái mọi người không thấy... Cái đó chỉ một phần; còn phần lớn là do ông tự học hỏi, tiếp thu từ đồng bào, đồng đội suốt ba thời cuộc chiến. Máu và nước mắt đã mách bảo ông biết trường hợp nào phải xử lý kiên quyết, dứt khoát không khoan nhượng, trường hợp nào phải tế nhị, khéo léo, uyển chuyển..., nhưng không rời mục đích vì dân, vì nước.

Đó là phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ thấm đẫm trong ông: "Trung với nước, hiếu với dân” của Bác Hồ đã dạy tại trường võ bị Trần Quốc Tuấn năm nào ở Sơn Tây. Trung với nước, hiếu với dân, dòng chữ đó còn ghi trên lá quân kỳ thắm đỏ.

Đã từ lâu hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ đã đi vào lòng dân qua bao thế hệ người Việt Nam. Đó là hình ảnh đẹp lộng lẫy, chói ngời những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam: "Uy vũ bất năng khuất”, dám hy sinh tuổi trẻ, khát vọng, ước mơ... kể cả bản thân mình vì dân, vì nước.

Anh bộ đội Cụ Hồ không còn là một danh từ chung, nó đã trở thành danh từ riêng chỉ phẩm chất, đạo đức, tác phong... kể cả định lượng cũng như định tính một cách rất cụ thể.

Tôi gọi chú Sáu Nam là anh bộ đội Cụ Hồ vì những lẽ trên.

Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ đã trở thành mẫu hình chuẩn mực cho bao người noi theo, là nỗi khát khao, mong chờ của người dân: “Các anh đi đến bao giờ trở lại, xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong...”.

Cứ mỗi lần gặp chú Sáu Nam, tôi lại thấy hiện lên hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ thời tôi còn quàng khăn đỏ, Chú - một con người giản dị, thương người và cởi mở. Chú sẵn sàng nghe bất cứ ai nói điều gì, kể cả những lời “nghịch nhĩ”, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Đặc biệt là tình thương đồng đội, chú Sáu Nam luôn chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, thậm chí sẵn sàng nhận khuyết điểm về mình một khi cán bộ, chiến sĩ lỡ sai sót.

Dư âm vụ Tiên Lãng ở Hải Phòng vẫn còn đó. Khi biết Đoàn Văn Vươn, một thời là bộ đội, sau khi tìm hiểu rõ ngọn nguồn của vụ án, chú Sáu Nam với tư cách nguyên Chủ tịch nước đã có ý kiến đề nghị với các cơ quan của Đảng và Nhà nước cần xem xét thấu đáo để xử lý vụ án hợp lý, hợp tình.

Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ về hành động của chú Sáu Nam, hành động của một vị Đại tướng với người chiến sĩ trót vướng vào lao lý; không hề quen biết, không hề thân thích...

Anh bộ đội Sáu Nam là thế...

Lạ thật, đất nước mình sinh hai ông Sáu - hai anh bộ đội Cụ Hồ đều rất thương dân: Sáu Nam (Lê Đức Anh), Sáu Dân (Võ Văn Kiệt).

Thảo nào hai ông làm việc với nhau rất tâm đầu, ý hợp, mọi việc đều xuôi chèo, mát mái.

Kể từ khi tham gia cách mạng (1937), và trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, chú Sáu Nam đã chấp nhận mọi gian khổ hy sinh...

9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, chú Sáu Nam đã lặn lội với “Miền Đông gian lao và anh dũng”. Chú có mặt ở khắp nơi, tham gia chỉ đạo hay trực tiếp chiến đấu tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nổi tiếng như: trận La Ngà, trận Tháp canh cầu Bà Kiều, trận tháp canh Vàm Giá... Đặc biệt là trận Bến Cát, đánh dấu cục diện chiến trường chuyển sang giai đoạn mới: từ chỗ bị động đối phó với các cuộc hành quân càn quét của địch, nay ta chủ động tiến công địch với quy mô chiến dịch. Đồng thời chú tạo ra cách đánh mới: "Đặc công”.

Chính cách đánh này ngày càng được phát huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước làm quân thù bạt vía kinh hồn.

Và, ít ai ngờ chính chú Sáu Nam là người mở đầu trong việc tái thiết chiếc cầu quan hệ Việt - Mỹ bằng ngành khoa học - phẫu thuật chỉnh hình. Để từ đó, quan hệ Việt - Mỹ mở ra một trang mới ngày càng phát triển toàn diện tốt đẹp.

Nhờ vậy, anh bộ đội Sáu Nam được ra chiến khu Việt Bắc báo cáo với Bác Hồ và Bộ Tổng tham mưu. Sau đó chú trở lại với miền Nam, đi dọc dãy Trường Sơn trở về với miền Đông, tắm mình trong câu hát: "Cùng nhau chung sức diệt thù đánh Tây”.

Tháng 9 năm 1963, với chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng, chú Sáu Nam lặng lẽ chia tay vợ con “đi B” trên chuyến tàu không số ở bến Đồ Sơn - Hải Phòng. Cuộc đời chú đã hai lần vượt biển bằng tàu không số trong chiến tranh chống Mỹ.

Khi vào tới nơi, anh bộ đội Sáu Nam đã cùng các đồng chí của mình chỉ huy tiến công đánh bại chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận” trong chiến dịch Bình Giã... Từ đó lực lượng ta ở miền Nam phát triển mạnh thành các sư đoàn chủ lực và đoàn đặc công nước”...

Với các chiến dịch An Lão, Bình Giã, Đồng Xoài và hàng loạt cuộc tấn công nổi dậy khắp miền Nam đã làm cho chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ phải phá sản, buộc chúng phải chuyển sang “chiến tranh cục bộ”. Và cuộc chiến chuyển sang giai đoạn mới ngày càng khốc liệt. Mỹ ào ào đổ quân vào miền Nam Việt Nam cùng các vũ khí tối tân hòng tiêu diệt chủ lực quân của ta và các cơ quan đầu não như Trung ương Cục, Bộ chỉ huy Miền...

Trước tình hình đó, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và bạn bè lo ngại: Liệu Việt Nam có đánh được quân xâm lược Mỹ?

Trong một lần chú Sáu Nam được làm thành viên trong đoàn sang Trung Quốc. Mao Trạch Đông hỏi: "Quân Mỹ vào miền Nam đông, tư tưởng của người dân và chiến sĩ thế nào? Chú Sáu Nam thẳng thắn trả lời: "Thứ nhất, về tư tưởng Mỹ vào đông như vậy, chứ đông hơn nữa thì bộ đội và nhân dân miền Nam cũng quyết đánh”.

Thực tế đã chứng minh điều đó, Việt Nam dám đánh và đánh thắng quân xâm lược Mỹ.

Thấm nhuần những bài học về chiến tranh nhân dân của cha ông, khi chú Sáu Nam làm Tham mưu trưởng, ông đã làm một bài toán hoán vị các số hạng: biến quân thành dân. Chú tổ chức bộ đội ở các cơ quan Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền thành các “huyện căn cứ”, “các xã căn cứ” để phát huy thế đánh du kích đánh địch tại chỗ.

Với phương châm “Bám trụ vững chắc, phản công mạnh mẽ, kết hợp ba thứ quân, tiến hành đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn”, và đã đánh bại cuộc hành quân Jan-xơ-city của địch sau 53 ngày đêm.

Thật hiếm có vị tướng nhìn thấy bản chất sự việc từ khi còn là mầm mống để sớm lo liệu, chuẩn bị sẵn sàng đối phó như chú Sáu Nam.

Nhớ lại khi Hiệp định Paris ký kết.

Nghị quyết của Quân ủy Trung ương ngày 09/01/1973 xác định chủ trương: "Ra sức củng cố hòa bình, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu...”. Nhưng địch lợi dụng cơ hội này để tiến công chiếm lại các vùng đất đã giải phóng của ta.

Là người lính dầy kinh nghiệm lăn lộn với chiến trường, chú Sáu Nam hiểu rõ bản chất ngoan cố của kẻ địch đang tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Paris.

Khi cấp trên ở Miền có điện phải rút lui 2 trung đoàn chủ lực về căn cứ. Chú Sáu Nam lúc này là Tư lệnh Quân khu 9 nói với Tham mưu trưởng Tư Chức: "Điện báo Miền cho ở lại, không lui gì hết. Lui là mất đất, mất dân”. Trên Miền điện lại: "Lệnh của trên, tất cả chủ lực phải rút lui theo đúng Hiệp định Paris”. Chú Sáu Nam nói với Tham mưu trưởng Tư Chức: "Không lui gì hết. Anh cứ chấp hành lệnh của tôi”.

Có lẽ đây là lần đầu tiên chú Sáu Nam kháng lệnh cấp trên một cách kiên quyết, mặc dù ông hiểu: "Quân lệnh như sơn” và những hậu quả mình sẽ phải gánh chịu. Khi ông Trung, Khu ủy viên vừa đi họp về, nói: "Trên R có người đề nghị đưa anh ra tòa vì anh không chấp hành Hiệp định”. Chú Sáu Nam bảo: “Được, anh yên tâm đi! Nhưng anh không được nói với ai chuyện này. Tôi phải đánh đã. Nếu thua thì tôi ra tòa một thể”.

Ôi bản lĩnh anh bộ đội Cụ Hồ! Chính nhờ những quyết định táo bạo của chú Sáu Nam và thực tế chứng minh là đúng đắn. Bộ Chính trị đã sáng suốt, nhìn nhận kịp thời, cụ thể là đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ tin tưởng, ủng hộ. Cục diện chiến trường đã thay đổi, ta phá vỡ được âm mưu của địch và chiếm được thế thượng phong.

Có một lần tôi làm việc với chú Chín Vinh (Trần Độ) khi ông mới ở chiến trường ra, ông nói: "Sáu Nam lắm mưu nhiều mẹo, bản lĩnh mình phải kính nể, xứng đáng là Tổng Tham mưu trưởng hay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”. Nói xong, chú Chín lại phì phèo điếu thuốc.

Nhớ lại, chiến dịch Hồ Chí Minh, trong 5 hướng tấn công của quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, có một hướng ít được sách báo nhắc đến, đó là hướng Tây Nam do chú Sáu Nam phụ trách.

Giờ bình tĩnh, xem xét, ta mới thấy hướng Tây Nam vô cùng quan trọng, nó là nơi ẩn núp cuối cùng của địch, nếu chúng thất thủ Sài Gòn.

Cái khó của hướng Tây Nam không chỉ là nơi quân địch chống trả quyết liệt bởi chúng định rút chạy theo quốc lộ 4 để co cụm ở Tây Đô - Cần Thơ, mà còn là địa hình mênh mông đồng nước, nhiều kênh rạch và sình lầy, nhất là địa phận Long An làm hạn chế việc cơ động của quân ta, nhất là với tăng, pháo và xe cơ giới.

Thực tế khi xe tăng, thiết giáp của quân ta vượt qua sông Vàm Cỏ tới huyện Đức Huệ (Long An) gặp trời mưa lại sình lầy, không đi được. Nhân dân liền về dỡ nhà mình, lót đường cho xe tăng ta vượt qua... Và tôi hiểu vì sao chú Sáu Nam luôn đau đáu nỗi niềm của nhân dân.

Còn đây và mãi mãi còn đây lời thề của anh bộ đội Sáu Nam trên đảo Trường Sa vang tới muôn sau: "Chúng ta xin thề trước hương hồn tổ tiên, trước hương hồn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau: "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thân yêu của chúng ta”. Trường Sa, ngày 7/5/1988.

Trong bài tổng kết về chiến thắng 30/4/1975, chú Sáu Nam viết: "Nếu nói tới chiến thắng 30/4/1975 mà chỉ nói về 5 cánh quân, năm hướng tiến công, tức là chỉ nói về quả đấm chủ lực thì không đầy đủ... phải thấy rõ vai trò tiến công và nổi dậy của lực lượng tại chỗ của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó có cả lực lượng của những người bị bắt buộc đứng trong hàng ngũ của địch...”.

Đọc tới đây, tôi nhớ tới lời tướng Trần Văn Trà khi tiếp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh tại dinh Độc Lập, ông nói: "Giữa chúng tôi và các anh, không có ai được, thua, chỉ có nhân dân là người chiến thắng”.

Tháng 5/1975, Khơ me đỏ đột kích chiếm đảo Thổ Chu (Phú Quốc) của ta, tiếp đến tháng 5/1976, chính quyền Polpot-Ieng xari mở cuộc tấn công quy mô xâm lấn biên giới phía Tây Nam.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tiến hành 4 hội nghị quan trọng về chiến tranh biên giới Tây Nam (từ tháng 6 đến tháng 7/1978). Trung ương Đảng chỉ rõ: "Giải quyết chiến tranh biên giới Tây Nam càng nhanh càng tốt, để lâu kéo dài thì ta thương vong càng lớn, Việt Nam không thể ổn định để xây dựng, nhân dân Campuchia sẽ lâm vào cảnh diệt chủng ngày càng khủng khiếp”.

Thế là chú Sáu Nam chưa một ngày ngơi nghỉ lại nhận trọng trách giúp nhân dân Campuchia tránh họa diệt chủng.

Chú Sáu Nam coi giúp bạn là giúp chính mình đó cũng là đạo lý, là nghĩa cử “thương người như thể thương thân” của anh bộ đội Cụ Hồ Sáu Nam.

Khi đặt chân lên đất bạn, việc đầu tiên chú chỉ đạo quân đội và chuyên gia phải tập trung “cứu đói”, “cứu đau” cho nhân dân, tạo mọi điều kiện để họ trở về phom, sóc, làng xã xưa. Đồng thời tập trung khôi phục lại nhà cửa, chùa chiền, bệnh viện, trường học. Ruộng đất, vườn tược của ai thì trả lại cho người nấy... Đó là lý do vì sao nhiều người dân Campuchia gọi bộ đội Việt Nam là “bộ đội nhà Phật”. Và sau này Vua Sãi Tếp Vông - người được nhân dân và Hoàng gia Campuchia kính trọng lại sang Việt Nam cảm ơn chú Sáu Nam ngay sau khi quân tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ về nước.

Tháng 2/1979, chính quyền Trung Quốc bất ngờ ào ạt tiến công 6 tỉnh biên giới Việt Nam với lý do “Dạy cho Việt Nam một bài học”.

Cần, rất cần phải công khai, sòng phẳng nhắc lại chiến tranh biên giới phía Bắc.

Nhân dân Việt Nam vừa trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài, dường như mỗi gia đình đều có một vành khăn tang, giọt nước mắt chưa khô trên gương mặt các mẹ già, các chị, các em thì hàng loạt đạn, pháo từ nơi không ngờ lại xối xả dội tới.

Thời gian này, nước ta bước vào thời đổi mới gặp muôn vàn khó khăn. Tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, nhất là trong khối XHCN. Quan hệ giữa các nước không còn cơm dẻo, canh ngọt như xưa. Nền kinh tế nước ta lại lâm vào khủng hoảng, có lúc lạm phát lên tới mấy trăm phần trăm, đời sống nhân dân vô cùng chật vật. Gió Đông không thổi bạt gió Tây, mà nó tự hòa vào nhau thành trận gió độc ập vào Việt Nam.

Chua xót, đắng cay làm sao!

Lúc này, chú Sáu Nam với cương vị Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lên thị sát biên giới để tìm hiểu thực trạng tình hình trong quân đội và nhân dân…

Để bớt gánh nặng cho nhân dân phải đóng góp trong thời kỳ kinh tế khó khăn, sau khi về, chú Sáu Nam báo cáo Bộ Chính trị và đề xuất “kế hoạch điều chỉnh bố trí chiến lược”: giảm số quân mà vẫn tăng cường được sức mạnh chiến đấu trong các quân binh chủng, lấy tinh binh thắng đa binh. Và kế hoạch được Bộ Chính trị phê chuẩn. Đó là thế trận chiến tranh nhân dân, Quốc phòng toàn dân.

TBT Nguyễn Phú Trọng chúc mừng sinh nhật Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước CHXHCNVN

Trong lịch sử quân đội ta, ít có vị tướng nào có tài ngoại giao như chú Sáu Nam. Chú am hiểu tình hình quốc tế, nắm bắt được xu thế thời đại. Chú là một trong số ít người đã đề xuất việc nước ta tham gia khối ASEAN, đưa vị thế và tiếng nói Việt Nam ngày càng có trọng lượng trong cộng đồng ASEAN và quốc tế.

Có một lần tôi mạnh dạn hỏi chú: Căn cứ vào đâu, Đại tướng dám đề xuất việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ ?.

Chú trả lời: “Căn cứ vào lương tri con người, vào nguyện vọng của nhân dân hai nước, vào xu thế thời đại… Vả lại, nối lại quan hệ với Mỹ tức phá được cấm vận, đời sống nhân dân đỡ khổ hơn, các mặt kinh tế, khoa học… sẽ có điều kiện phát triển. Từ đó sẽ tạo ra những biến chuyển mới trong quan hệ hai nước”.

Nói tới đây chú Sáu Nam cười hồn hậu: "Việc nối lại quan hệ hai nước Việt - Mỹ, tôi chỉ là người tái thiết chiếc cầu của Bác Hồ đã bắc từ năm 1944-1945, và của cha ông từ thời cụ Bùi Viện, nhưng vì sự éo le của lịch sử nên chưa bắc được thôi”.

Ngày 12/7/1995, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, mở văn phòng liên lạc tại Washington và Hà Nội.

Tháng 10/1995, chú Sáu Nam trên cương vị là Chủ tịch nước trở thành Nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới đất Mỹ. Từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 10, chú dự lễ kỷ niệm 50 năm Liên Hợp Quốc. Trong bài phát biểu của mình, chú nói: "Làm sao để xây dựng một tương lai không còn hận thù mà chỉ còn hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia…”.

Lời của chú Sáu Nam đã nói lên tâm nguyện của nhân dân Việt Nam, của anh bộ đội Cụ Hồ để nhân loại hiểu rõ vì sao người Việt Nam buộc phải cầm súng.

Bài phát biểu chân thành, cởi mở của người đứng đầu nhà nước Việt Nam đã gây được thiện cảm và sự hoan nghênh tán thưởng của các đại biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Thay mặt nhà nước và nhân dân Việt Nam, chú tặng Liên Hợp Quốc phiên bản trống đồng Đông Sơn. Chiếc trống đã được họ đặt ở vị trí trang trọng. Chiếc trống đồng biểu tượng của tâm hồn Việt Nam với truyền thống bất khuất, yêu tự do, hòa bình… Chính từ đây, giữa trụ sở Liên Hợp Quốc, con chim Lạc đã bay lên, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Chiếc trống không chỉ là chiếc trống, mà còn là trái tim ông - trái tim người lính Cụ Hồ suốt đời vì nhân dân quên mình, được nhân dân tin cậy, ủy quyền trao tặng. Chỉ có nhân dân mới có quyền cho tài sản vô hình hay hữu hình của quốc gia, dân tộc. Bởi nhân dân làm nên nước Việt.

Tháng 8/1991, chú Sáu Nam với tư cách là “Đặc phái viên của Bộ Chính trị” sang Trung Quốc để bàn về những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Trước khi vào bước vào Hội đàm, phía Trung Quốc do Tổng Bí thư Giang Trạch Dân làm Trưởng đoàn nói: "Có một vấn đề cũng quan trọng, nói trong cuộc họp chung không tiện: "Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng Bí thư. Trước chưa biết, nhưng nay nghiên cứu lịch sử mới biết Trường Sa là của Trung Quốc”.

Chú Sáu Nam đáp ngay: "Tôi cũng giống như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về. Khi về Trung ương có dịp nghiên cứu lịch sử, địa lý, pháp lý thì thấy rõ Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bây giờ chúng ta cứ để các cơ quan nghiên cứu và xác định cụ thể”.

Nghe vậy, Giang Trạch Dân không nói gì nữa, chỉ cười và bảo: "Tới giờ rồi mời đồng chí ra hội đàm”.

Bản lĩnh anh bộ đội Cụ Hồ - Sáu Nam là thế, đàng hoàng, tự tin nghe như lời Lý Thường Kiệt thuở nào: "Nam quốc Sơn Hà - Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”.

(Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời)

Dù ở bất kỳ cương vị nào, chú Sáu Nam vẫn luôn nghe ngóng tình hình cuộc sống của người dân. Sau này, mặc dù tuổi đã cao, chú vẫn nhiều lần về thăm lại chiến trường xưa, nơi bà con đã từng đùm bọc, cưu mang ông. Chú đi trên những chiếc cầu khỉ tới những ngôi nhà heo hút ở bưng đìa của miền Tây Nam Bộ. Chú đau lòng trước những người dân nghèo đã hết lòng cho cách mạng, giờ bị mất đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Ông không kìm nổi nước mắt khi nghe chị Danh Thị Mọi khóc tức tưởi: "Có phải con không ráng làm ăn đâu. Mẹ con ốm, con phải cắm đất lấy tiền chữa bệnh cho mẹ. Mười công phải trả tới 130 giạ, hai năm liền như vậy mà không trả nổi, thế là mất hết…”.

Thăm bà con về, chú làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Kiên Giang và Cần Thơ, chú nói thẳng: "Chúng ta làm cách mạng để giành chính quyền cho dân, vì dân. Bây giờ giải phóng, người nông dân bị mất ruộng đất vì không có tiền chuộc lại, trở thành người làm thuê. Như vậy mục tiêu của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ bị phá, bị xóa bỏ. Nếu cán bộ, đảng viên không nhận thức rõ điều này thì khi có quyền trong tay, anh sẽ trở thành địa chủ, hoặc vô cảm, thấy nông dân mất ruộng, là việc bình thường…”.

Vấn đề này, chú Sáu Nam đã kiên trì nói nhiều lần với Bộ Chính trị. Rất tiếc ý kiến của chú chậm được giải quyết.

Là người con hiếu thảo của nhân dân, anh bộ đội Sáu Nam thấu hiểu những hy sinh, mất mát, nỗi cô đơn, tủi cực của các bà mẹ phải chịu đựng sau chiến tranh nên chú đã đề xuất Bộ Chính trị việc phong danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và được Bộ Chính trị đồng ý.

Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã cùng duyệt hàng quân danh dự với người đứng đầu Nhà nước trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Trong cái nắng thu, đi bên các mẹ, nước mắt ông cứ ứa ra, chảy dài trên má.

Đó là nước mắt của anh bộ đội Cụ Hồ thủy chung son sắt trước sau như một với dân với nước.

Thấm thoắt đã 39 năm, sắp đến ngày kỷ niệm 30/4 rồi đây, tôi bùi ngùi xin nhớ tới bao đồng đội của mình đã hy sinh, nhớ hình ảnh chú Sáu Nam khi ở tuổi 93 về thăm quê tại hai huyện Phú Lộc và Phú Vang.

Ông đi xăm xăm dưới cái nắng đầu hè oi ả của miền cát trắng thăm hỏi bà con, xóm làng, hỏi han cặn kẽ từng người về cuộc sống của họ. Ông thắp hương ở nhà bố mẹ nuôi, lặng lẽ đi thăm các gia đình đồng đội, đồng chí đã từng chia ngọt, xẻ bùi một thời với ông: Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Ông thẫn thờ trước những di vật trong ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lặng lẽ thắp hương trước ảnh chân dung của người đồng chí, đồng đội đã khuất.

Chẳng biết chú Sáu Nam nghĩ gì? Còn trong tôi cứ trào lên cảm xúc kính trọng, khâm phục.

Đường Lâm cổ ấp ngày 5/4/2014