Chủ quán bar, vũ trường TPHCM lo phá sản

TP - Không ít chủ nhà hàng, quán bar đang "khóc ròng”, lo phá sản trước khi hết dịch Covid-19.
Một quán bar tại TPHCM. Ảnh minh họa

Theo chỉ đạo của TPHCM, bắt đầu từ 18h ngày 15/3, tất cả rạp chiếu phim, quán bar, game online, các điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu ở thành phố tạm ngưng hoạt động đến ngày 31/3.

Nhận được thông báo, ông Hòa Sinh, chủ quán Beerclub ở Q.6, thở dài: “Quán tôi mới mở từ tháng 9/2019. Tôi vay ngân hàng, hùn hạp bạn bè đầu tư cả tỷ đồng, chưa kể tiền mặt bằng, nhân viên mỗi tháng hơn 200 triệu đồng. Chưa kịp lấy lại vốn thì gặp Nghị định 100 hạn chế rượu bia, rồi tới dịch Covid-19. Tuy khách có giảm 30% nhưng vẫn còn lay lắt cầm cự. Nay đóng cửa nửa tháng không biết lấy tiền đâu chi trả”.

Nháo nhào thông báo nhân viên tạm nghỉ đến hết tháng, quản lý quán bar trên đường Tên Lửa (Q.Bình Tân) nói: “Chắc phá sản quá! Chỉ cần nghỉ 1 tuần là chúng tôi đã khó gánh nổi tiền thuê nhà, tiền nhân viên. Nay đóng cửa 2 tuần, đó là chưa kể nếu dịch vẫn chưa giảm, quán sẽ lại tiếp tục đóng cửa. Bao nhiêu nhân viên nơi đây bỗng mất việc không biết sống ra sao”.

 Ông Lê Hoàng, đại diện nhà đầu tư chuỗi karaoke Nnice, nói: “Quán có hơn 300 nhân viên, dù quán rất ế nhưng cố gắng hoạt động để duy trì đời sống anh em. Nay thành phố thông báo tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19, chúng tôi ủng hộ và chấp hành nghiêm túc, tạm đóng cửa cả chuỗi quán karaoke. Ngày 16/3, các cổ đông sẽ họp bàn và tìm giải pháp trong lúc khó khăn”.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, chỉ cần đóng của 1 tuần lễ thôi là họ có thể rơi vào tình trạng mất thanh khoản, không đủ tiền trang trải thuê mướn mặt bằng, trả lương người lao động, đóng các loại thuế phí khác.

“Thành phố nên miễn giảm, hoãn thuế, phí cho những tụ điểm vui chơi, nhà hàng, quán bar ngưng hoạt động do dịch Covid-19. Cần hỗ trợ bằng cách hoãn thời gian trả nợ ngân hàng. UBND nên có chương trình cho vay bằng ngân sách của ủy ban hoặc thông qua hệ thống ngân hàng cho vay với lãi suất rất hạ, để doanh nghiệp có thể “cầm hơi” ít nhất là trong 3 tháng tới”, ông Hiếu đề xuất.

Mặt bằng kinh doanh rớt giá

Từ Tết đến nay, hàng loạt mặt bằng kinh doanh ở TPHCM lâm vào cảnh ế ẩm, treo biển cho thuê nhưng không ai hỏi thăm. Dạo quanh các con đường ở trung tâm quận 1  như Ðồng Khởi, Nguyễn Huệ, Ngô Ðức Kế, Lý Tự Trọng… đều thấy cảnh người kinh doanh trả lại mặt bằng. Từ Nhà hát TPHCM đến bến Bạch Ðằng có gần chục mặt bằng treo biển cho thuê nhà.

Các trung tâm thương mại cũng gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn Hưng Thịnh công bố giảm giá 20-40% tiền thuê mặt bằng cho các đối tác của tập đoàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng nhận định giá cho thuê mặt bằng có thể tiếp tục giảm khoảng 15-20% trong năm nay và kéo dài tới năm sau. 

DUY QUANG