Thế nhưng, trước khi đạt được thành công rực rỡ này, GS Stanley Whittingham (một trong 4 chủ nhân của giải thưởng Chính VinFuture năm 2023) cùng cộng sự trải qua một hành trình nhiều khó khăn, bắt đầu từ nửa thập kỷ trước.
Vào năm 1974, trong phòng thí nghiệm, GS. Stanley Whittingham cùng các cộng sự đã chế tạo ra mẫu pin Lithium-ion đầu tiên sau một thời gian ngắn nghiên cứu, mở ra kỷ nguyên mới trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng. Mất thêm vài năm để các nhà khoa học chế tạo ra những mẫu pin lớn hơn và thêm vài năm nữa để tạo ra các tấm pin Lithium-ion.
Tuy nhiên ở thời điểm đó, sản phẩm này không được đón nhận. GS. Stanley Whittingham nhớ lại, thời điểm ông và các cộng sự nghiên cứu về pin Lithium-ion thì các nghiên cứu về pin nói chung không phải là chủ đề được quan tâm nhiều. “Sản phẩm của chúng tôi ra đời sớm quá, đi trước thời đại nên chưa được đón nhận, phải mất 20-30 năm, sản phẩm mới được thương mại hóa”, ông kể.
Vị GS nổi tiếng cho biết, ông từng có thời gian ngừng nghiên cứu pin Lithium-ion trong 8-10 năm. Tuy nhiên, đến nay, khi pin Lithium - ion được đón nhận và trở thành sản phẩm vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện tại, ông lại miệt mài với công việc nghiên cứu. “Đáng ra tôi đã nghỉ hưu từ 20 năm trước nhưng hôm nay tôi vẫn ngồi đây bởi ngày càng có nhiều thiết bị dùng pin Lithium-ion như xe điện”, vị GS ngoài 80 tuổi chia sẻ.
Từ câu chuyện của chính mình, GS Stanley Whittingham khuyên các nhà khoa học hãy nghiên cứu vấn đề gì mà mình quan tâm, hứng thú, đừng quan tâm đến vấn đề tiền. Bên cạnh đó, cần có tâm lý chịu được rủi ro và đừng bảo thủ quá.
Nói về tương lai, điều nhà khoa học ngoài 80 tuổi quan tâm là tính bền vững của pin và bền vững về môi trường. Ông mong muốn trong tương lai việc sản xuất pin sẽ tạo ra ít năng lượng hơn. Ngoài ra, các nước có thể tự sản xuất pin Lithium, thay vì phải vận chuyển nguyên liệu sản xuất pin hàng ngàn dặm từ nước này sang nước khác.