Đề cập đến các chế tài xử lý vi phạm, ông Nghĩa cho biết, Sở đề xuất trường hợp chủ đầu tư nếu không khắc phục nghĩa vụ tài chính liên quan đến tiền sử dụng đất sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp mạnh như: Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và đề xuất phong tỏa tài khoản tại ngân hàng đối với chủ đầu tư; Thu hồi đất hoặc thu hồi quỹ nhà chưa bán, tương ứng với nghĩa vụ tài chính chủ đầu tư chưa nộp vào ngân sách tại dự án để tạo quỹ nhà cho thành phố.
Ông Nghĩa cho biết thêm, theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, tính từ năm 2013 đến nay, các dự án bắt buộc phải tuân thủ quy định hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho nhà nước, Sở mới xem xét cấp sổ đỏ cho người dân. Trường hợp, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ không được xem xét cấp sổ đỏ. Còn đối với những dự án triển khai trước năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản tháo gỡ.
Theo đó, nếu chủ đầu tư vẫn nợ tiền sử dụng đất thì cơ quan chức năng vẫn xem xét cấp sổ để gỡ vướng cho người dân. Đây chỉ là giải pháp nhất thời. Trong số 38 dự án mà Cục Thuế Hà Nội vừa bêu tên chậm nộp tiền sử dụng đất, không phải là các dự án mới mà gồm các dự án triển khai trước và sau năm 2013. Để nắm rõ về tình trạng các dự án nợ tiền sử dụng đất, ông Nghĩa khuyến cáo người mua nhà có thể vào trang web của Sở Tài chính để biết thông tin về tình trạng nợ nghĩa vụ tài chính của chủ dự án.
Một lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cũng cho rằng, khi chủ dự án nợ tiền sử dụng đất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người mua nhà, nhất là lúc làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở. Do đó, người dân không nên mua nhà của các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất.
Trong danh sách này (tính đến ngày 30/11/2015), thậm chí có những dự án mới đang làm hạ tầng, móng cũng nợ đến hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất. Cụ thể: Dự án Khu đô thị Phú Lương do Cty CP Đầu tư Xây dựng Trung Việt làm chủ đầu tư với số tiền 194,4 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng nhà để bán tại 129 Trương Định của Cty CP Đồng Tháp nợ 108,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, có những dự án chưa triển khai như: Dự án tòa nhà hỗn hợp An Bình tại Khu đô thị Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) của Cty Dệt Hà Nam làm chủ đầu tư, nợ 24,2 tỷ đồng; Dự án 306 Giải Phóng (Thanh Xuân, Hà Nội) của Cty CP nhựa Thăng Long nợ 75,4 tỷ đồng.