Choáng ngợp những kỳ quan vĩ đại nằm sâu trong lòng đất

TPO - Nhân loại đã đào và xây dựng những công trình kiến ​​trúc ấn tượng trong hàng ngàn năm, một số trong số đó tuyệt vời đến mức không thể hiểu nổi làm thế nào mà người cổ đại có thể làm được. 

Địa đạo Củ Chi, Việt Nam

Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).

Những lối đi bên trong địa đạo Củ Chi. Ảnh: Visithcmc.

Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.

Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm…

Ngày 12/2/2016, địa đạo Củ Chi được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, địa đạo Củ Chi được coi là một trong 6 công trình nhân tạo nổi tiếng trên thế giới. Bên cạnh đó, khu du lịch địa đạo Củ Chi cũng lọt vào top 7 điểm đến kỳ lạ nhất tại Đông Nam Á, thu hút đông đảo khách du lịch.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc được xây dựng trong hơn 38 năm, từ 246-208 TCN, là một trong những kỳ quan khảo cổ học nổi bật nhất trên thế giới, thu hút sự chú ý bởi quy mô hoành tráng, những bí ẩn và giá trị lịch sử ẩn chứa bên trong.

Năm 1974, một nhóm nông dân đào giếng ở huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây, đã đào được một tượng binh sĩ làm từ đất nung có kích thước giống người thật, đánh dấu một mốc quan trọng cho việc phát hiện một trong những di chỉ khảo cổ lớn nhất mọi thời đại.

Sau 40 năm làm việc liên tục, các nhà khảo cổ đã tìm thấy khoảng 2.000 tượng binh sĩ bằng đất nung, mỗi tượng mang đặc điểm riêng từ quần áo, tóc tai cho tới nét mặt. Nhưng theo các chuyên gia, họ ước tính có tổng cộng từ 6.000 đến 8.000 tượng đất nung được chôn cùng với Tần Thủy Hoàng. Đội quân đất nung đã trở thành điểm nhấn thu hút hàng triệu du khách đến tham quan lăng mộ mỗi năm.

Đến nay lăng mộ vẫn chưa được khám phá hết. Dữ liệu thăm dò khảo cổ ước tính lăng mộ có tổng diện tích là 41.600m2, quy mô tương đương với năm sân bóng đá quốc tế.

Lăng mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc. Ảnh: National Geographic.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một trong những khám phá khảo cổ vĩ đại nhất thế giới, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1987. Khu lăng mộ là khu bảo tồn văn hóa quốc gia quan trọng ở Trung Quốc. Vì vậy, rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây để tìm hiểu và trải nghiệm.

Thành phố ngầm Derinkuyu, Thổ Nhĩ Kỳ

Derinkuyu là một trong những những kỳ quan dưới lòng đất được khai quật tại Cappadocia, vùng Trung Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ. Derinkuyu là một thành phố ngầm cổ xưa và phức tạp, có thể chứa tới 20.000 người. Thành phố sâu 80 m và không ai biết công trình bao nhiêu tuổi hoặc ban đầu nền văn minh nào đã xây dựng.

Thành phố ngầm Derinkuyu, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: The Travel Bunny.

Thành phố 18 tầng này được xây dựng nhằm giúp cho các cư dân cổ đại chống chọi lại các cuộc chiến tranh cũng như sự phun trào của các ngọn núi lửa lân cận. Hiện du khách và các nhà nghiên cứu chỉ có thể tiếp cận 8/18 tầng của thành phố.

Do nằm sâu dưới lòng đất, Derinkuyu có khí hậu mát mẻ, ôn hòa, nhiệt độ luôn được giữ ổn định ở khoảng 13 độ C. Du khách khi ghé tham quan có thể trải nghiệm cảm giác di chuyển giữa mê cung dưới lòng đất với rất nhiều lối đi, mỗi tầng lại kết nối với nhau bằng hành lang có thiết kế cửa bằng đá rắn chắc.

Công viên giải trí Salina Turda, Romania

Salina Turda, Romania được coi là mỏ muối lâu đời nhất thế giới. Là một trong những kỳ quan dưới lòng đất, mỏ muối này ngừng khai thác vào năm 1932, sau khoảng 2.000 năm đi vào hoạt động từ thời La Mã cổ đại.

Mỏ muối Salina Turda có diện tích ước tính khoảng 45 km2 với độ sâu 120 m. Nơi đây bắt đầu mở cửa cho khách du lịch vào tham quan từ năm 1992. Sau này, mỏ muối được cải tạo thành một bảo tàng và chuyển đổi thành công viên giải trí vào năm 2009.

Công viên giải trí Salina Turda. Ảnh: MyBestPlace.

Khi bước chân tới đây, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp huyền diệu, vừa hiện đại vừa rất hoang sơ. Công viên giải trí bao gồm đa dạng các dịch vụ vui chơi, có thể kể đến như bảo tàng nghệ thuật đương đại, nhà hát ngoài trời kiểu Hy Lạp với 180 chỗ ngồi, vòng đu quay cao 20 m, sân golf mini... Đặc biệt, du khách còn có thể trải nghiệm đi thuyền trên hồ nước độc đáo dưới lòng đất tại Theresa Mine.

Nhà thờ muối xứ Zipaquira, Colombia

Nhà thờ muối xứ Zipaquira là một trong những địa điểm thu hút du khách và người hành hương nổi tiếng nhất tại Colombia. Ở độ sâu khoảng 200 m dưới lòng đất, nhà thờ độc nhất vô nhị này được tạo nên bên trong một mỏ muối cũ từ những năm 1930 để trở thành nơi cầu nguyện cho những người thợ mỏ, hoàn chỉnh với cây thánh giá phát sáng cao 15m.

Nhà thờ muối xứ Zipaquira. Ảnh: Bogota Pass.

Năm 1950, nhà thờ tiếp tục được xây dựng và chính thức khánh thành vào 15/8/1954. Tại thời điểm khánh thành, nhà thờ được ca ngợi là "công trình vĩ đại và không thể dùng lời nào mô tả được, chỉ có thể khởi nguồn từ sức mạnh của chúa”.

Theo TimeOut, Insider