Du lịch Hà Nội:

Chờ đợi thời cơ 'bắt nhịp' sau dịch bệnh

TP - Là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất do tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ du lịch đang là nhóm đối tượng khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đến lúc cần những giải pháp sát sườn hơn để các DN kịp "bắt nhịp" trở lại ngay khi dịch bệnh kết thúc.
Du lịch Hà Nội đang đứng trước những thử thách chưa từng có

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2021, khách du lịch đến Hà Nội chỉ bao gồm khách du lịch nội địa 2,9 triệu lượt khách, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. 95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động.

Các chỉ tiêu về khách du lịch, tổng thu ngân sách về du lịch trong năm 2021 được dự báo giảm khoảng 30% so với năm 2020.

Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, các DN kinh doanh dịch vụ du lịch đang là nhóm đối tượng khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Gói cho vay 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN trả lương cho người lao động, gói an sinh xã hội với quy mô 62.000 tỷ đồng và gói tài khóa giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất với tổng giá trị 180.000 tỷ đồng...

Các đơn vị lữ hành gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp do các đơn vị thường không có tài sản đảm bảo do đó thuộc nhóm các đối tượng có rủi ro cao.

Khẩn trương hỗ trợ hướng dẫn viên

Theo các chuyên gia, du lịch là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng cũng là một trong những ngành có khả năng sớm phục hồi. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, phải coi những người làm trong ngành du lịch là những chiến sỹ tuyến đầu trên mặt trận kinh tế. Do đó, cần nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho những người lao động trong ngành du lịch, trang bị cho họ vũ khí để họ hoạt động và khách du lịch khi đến Việt Nam cũng an tâm vì được bảo vệ an toàn.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Cụ thể: Giảm phí thẩm định giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; Phí thẩm định thẻ hướng dẫn viên du lịch; Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị mất việc...

Tính đến giữa tháng 8/2021 đã có 20/36 hướng dẫn viên du lịch được phê duyệt hồ sơ trợ cấp theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tổng số tiền hỗ trợ trong đợt này là 74.200.000 đồng.

Đầu tháng 8/2021, Sở Du lịch Hà Nội có thông báo về việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người sẽ được chi trả 1 lần cho hướng dẫn viên đáp ứng các điều kiện hỗ trợ.

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở cũng có những hướng dẫn cụ thể bằng hình thức trực tuyến, trên website của Sở để các hướng dẫn viên dễ dàng hoàn thiện hồ sơ.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đơn vị đang tiếp tục khẩn trương hướng dẫn và xem xét hồ sơ đủ điều kiện của các hướng dẫn viên du lịch gặp khó để giúp đối tượng này nhanh chóng nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, các hướng dẫn viên cần nghiên cứu kỹ thủ tục hướng dẫn đã đăng tải trên website của Sở cũng như những yêu cầu của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để hoàn thiện đầy đủ và đúng hồ sơ. Điều này sẽ giúp cho việc thẩm định và giải quyết các chế độ chính sách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu, ban hành Nghị quyết mới về hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong đó có các doanh nghiệp du lịch. Cùng với đó, đề nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú ngang bằng mức giá điện sản xuất. Đồng thời mở rộng đối tượng được giảm tiền điện đối với các khu, điểm kinh doanh dịch vụ du lịch.

Đặc biệt là cần đẩy nhanh tiến độ phân bổ và tiêm vắc xin cho đối tượng hoạt động trong lĩnh vực du lịch để lực lượng này có thể “nhập cuộc” ngay khi dịch bớt căng thẳng.