Chớ cho trẻ ăn mặn

Muối vừa là gia vị, vừa cung cấp khoáng chất cần thiết nhưng chúng ẩn chứa nguy cơ khiến trẻ suy thận, béo phì, cao huyết áp…
Ảnh minh hoạ: Internet

Trẻ con đang bị “ướp muối”

Thói quen của một người Việt Nam khi nấu bột ăn dặm cũng cho ít mắm, muối vì sợ “nhạt nhẽo, bé không chịu ăn. Trong khi đó họ quên rằng, ngay trong mỗi khẩu phần thực phẩm tươi sống như thịt, trứng, nước hầm xương, rau… cũng đã có hàm lượng muối chiếm khoảng 20-40% nhu cầu. Vì vậy riêng với trẻ sơ sinh thì sữa mẹ, sữa công thức cũng đã chứa lượng muối đủ cho bé. Nhưng rất nhiều người nếm thấy mình ăn vừa miệng thì mới cho bé ăn.

Với nhóm trẻ lớn hơn, nguy cơ bị “ướp muối” ngày càng cao khi trẻ được chăm sóc, dỗ dành bằng nhiều thực phẩm chế biến sẵn. Nguyên nhân là hầu hết các thực phẩm đóng gói hiện nay đều có muối cao để bảo quản. Một số trẻ trong tuổi mẫu giáo còn có sở thích chấm mút soup và cha mẹ vì sợ con khóc cũng không ngăn cản.

Theo TS. Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì khảo sát của Viện cũng cho thấy trung bình người Việt Nam ăn mặn hơn thế giới và gấp 2-3 lần tiêu chuẩn, trẻ em cũng “hứng chịu” thói quen này từ cha mẹ.

Chúng tôi khảo sát một vài loại bim bim cho thấy trong gói 50g thì lượng Natri dao động từ 155- 410mg (tương đương khoảng 387-1.000mg muối). Lượng Natri (sodium) trong các loại sữa công thức cũng dao động khoảng 150-200mg /100g sữa bột, tương đương 375-500mg muối (bằng lượng muối ở 400-700ml sữa bò tươi).

Như vậy chỉ khẩu phần sữa, thực phẩm tươi và 1 gói bim bim đã cung cấp đủ lượng muối cho trẻ 1-3 tuổi. Riêng lượng muối nêm vào khi nấu (1 thìa cà phê muối có trọng lượng khoảng 6g) theo thói quen cũng đủ nhu cầu một ngày của bé. Tính thêm muối trong dưa chua, tương cà, các loại bánh khô, xúc xích… thì trẻ đã ăn một lượng gấp 2-3 lần hàm lượng quy định (bảng bên).

Ăn càng mặn, bệnh càng nhiều

Ăn mặn khiến trẻ đối diện với nguy cơ đầu tiên là suy thận vì cơ thể phải tìm cách đào thải muối thừa ra ngoài. Thận và hệ tiết niệu của trẻ phải làm việc quá sức dẫn tới suy giảm chức năng sớm. Trong quá trình đào thải muối, thì cơ thể cũng mất đi nhiều vi khoáng khác như kali, calci…

Đồng thời do ăn mặn nên lượng nước uống vào tăng, nếu vượt mức cần thiết thì tăng áp lực thẩm thấu vào máu, nước được tích giữ làm hại hệ tim mạch. Hàm lượng muối thừa cũng là nguyên nhân khiến trẻ béo phì.

Chính vì thế các chuyên gia dinh dưỡng từ thế giới đến Việt Nam đều khuyến cáo cha mẹ nên cho con ăn nhạt hơn. Với trẻ dưới 1 tuổi thì không được nêm thêm muối khi nấu ăn cho trẻ. Với trẻ lớn tuổi, để khống chế lượng muối ăn vào, cha mẹ nên hạn chế cho con ăn những loại thực phẩm đóng gói như bim bim, khoai chiên. Mỗi khi mua thực phẩm đóng túi cho trẻ, bạn cũng nên chọn loại ghi “low sodium” hoặc chọn loại có hàm lượng Na thấp hơn 0,2g/100g.

Hàm lượng muối cho trẻ:

Độ tuổi

Hàm lượng (g)

Tương đương với hàm lượng Natri (g)

Dưới 1

Không quá 1

Không quá 0,4

1-3

2

0,8

4-6

3

1,2

7-10

5

2

Theo Theo SKGĐ