“Tết mà!”. Đây là câu nói mà giới bác sĩ dinh dưỡng hay tim mạch thường muốn khuyên bệnh nhân... tránh xa trong những ngày Xuân. Với tâm lý “ăn Tết”, “vui Xuân”, nhiều người “bỗng” dễ dãi hơn trong chuyện ăn và uống trong những ngày Tết đến. Để rồi sau Tết, lại “canh cánh” nỗi lo cân nặng, bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường và nhất là rối loạn mỡ máu.
Đối với người có nguy cơ hoặc đang gặp tình trạng rối loạn mỡ máu, việc ăn uống “thả ga”, vui chơi “tới bến” trong dịp năm mới sẽ là mối nguy hại khó lường cho sức khỏe. Rối loạn mỡ máu là một dạng trong hội chứng rối loạn chuyển hóa, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch kèm theo hàng loạt biến chứng nguy hiểm như: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, gout….. Trong khi đó, hầu hết những loại thức ăn, đồ uống trong dịp Tết như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, mứt, kẹo bánh, bia, rượu, nước ngọt… đều chứa nhiều cholesterol, chất béo, bột đường gây bất lợi cho các bệnh lý kể trên.
Để người có rối loạn mỡ máu ăn Tết an toàn, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp và vừa đủ để các món ăn thức uống cần đảm bảo có lợi cho sức khỏe, không chỉ “ngon” mà còn phải “lành”. Sau đây là một số lời khuyên sử dụng thức ăn, đồ uống giúp chúng ta hạn chế nguy cơ rối loạn mỡ máu cũng như kiểm soát các thành phần mỡ máu ở mức an toàn trong dịp Tết:
Bánh chưng, bánh tét: chứa nhiều đạm, chất béo, tinh bột lại hay ăn kèm với dưa hành, củ kiệu hoặc dưa món. Người cao huyết áp tối kỵ ăn mặn, nên thay thế các món dưa muối bằng các loại củ ngâm chua ngọt. Chỉ nên ăn tối đa 100gr/ ngày.
Thịt nguội, giò chả, thịt kho tàu: chế biến sẵn chứa nhiều đạm, chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, nhóm thưc phẩm này còn chứa chất bảo quản, phụ gia tạo độ dai, giòn rất có hại cho cơ thể. Không nên dùng vượt quá 100gr/ ngày. Việc kho đi kho lại nhiều lần làm cho thịt kho đã béo, lại thêm mặn. Bệnh nhân rối loạn mỡ máu không nên ăn thức ăn để qua ngày, tăng cường rau xanh, trái cây nhiều chất xơ.
Các món ăn chiên, xào: thịt heo áp chảo, gà chiên, cá chiên, lạp xưởng chiên…chứa nhiều dầu mỡ làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Nên thay thế bằng các món luộc, hấp, nướng. Ăn cá 2- 4 lần/tuần, hạn chế thịt đỏ.
Bánh, kẹo, mứt: chứa nhiều đường bột, không tốt cho người tiểu đường, nên hạn chế.
Hạt dưa, hạt bí, hạt điều, hạt hướng dương, hạt dẻ cười: là thức ăn vặt tuy khối lượng tịnh nhỏ nhưng lại chứa nhiều chất béo, chất đạm nên dễ tạo cảm giác “ngang bụng”. Người ta thường ngâm tẩm trong muối và đường hóa học để tăng vị thơm ngon, cần hạn chế tối đa các món ăn này.
Bia rượu, nước ngọt: là thức uống không thể thiếu trong các bữa tiệc ngày Tết. Uống rượu làm cho tim đập nhanh, mạch máu co lại, huyết áp tăng và làm cho muối canxi đọng lại ở thành mạch, gây xơ cứng động mạch. Chỉ nên uống một lượng ít rượu vang đỏ 100 -200ml/ngày hoặc 1- 2 lon bia/ngày, nước ngọt không dùng trên 01 lon/ngày. Nên thay thế rượu bia bằng một chén trà xanh, trà atiso mời khách vừa làm mát cơ thể vừa hỗ trợ tiêu hóa.
Rau xanh, trái cây ngày Tết khá phong phú, mang lại nhiều dinh dưỡng, khoáng chất, Vitamin rất tốt và là loại thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày.
Ngày Tết ai cũng muốn vui vẻ chúc nhau nhiều lời hay ý đẹp, chiêu đãi những món ngon vật lạ để làm vừa lòng nhau với mong ước một năm mới đựợc no đủ, sung túc. Thế nên, để Tết thật trọn vẹn, mỗi người cần xây dựng một kế hoạch để cân bằng từ chế độ ăn uống, tập luyện nghỉ ngơi đến kết hợp sử dụng các hoạt chất sinh học từ thiên nhiên đã được khoa học kiểm chứng, ngày Xuân của người rối loạn mỡ máu sẽ thêm ấm áp, hạnh phúc và bình an!
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam (Giảng viên ĐH Y dược TP.HCM)