Một sớm mùa đông mưa dầm dề và lạnh thấu xương. Chàng trai người dân tộc nằng nặc đòi gặp lính quân y. Chàng trai cho biết, vợ đau đẻ 2 ngày rồi, đang rất nguy kịch nên đến cầu cứu. “13 năm làm y sĩ chưa một lần đỡ đẻ, biết đỡ thế nào”, anh Tê băn khoăn. Tuy nhiên, anh vẫn quyết lên đường.
Mất hơn một tiếng leo dốc, anh mới đến được nhà của chàng trai. Sản phụ nằm lê lết dưới nền nhà bẩn thỉu, vật vã kêu gào. Y sĩ Tê nhanh chóng vào vai ông đỡ. Mẹ tròn con vuông, đôi vợ chồng trẻ xin anh làm bố nuôi cho đứa bé.
Tin về vị bác sĩ người Kinh làm ông đỡ mát tay bay đi khắp các bản làng của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Từ đó, anh bắt đầu đắt sô. Hễ ở đâu có ca đẻ khó, người ta lại tìm đến ông đỡ Tê.
“Trước đây, chị em phụ nữ dân tộc ở nhà tự đẻ, không đến trạm xá và không gọi bác sĩ. Nếu lỡ có mệnh hệ gì, họ cho đó là do con ma rừng bắt đi. Tôi giúp bà con phá bỏ định kiến, cứu được nhiều sinh linh. Đó là điều hạnh phúc nhất”, anh Tê tâm sự.
Thiếu tá Tê không thể nhớ đã đỡ được bao nhiêu ca, nhưng nhớ rõ 60 đứa con nuôi ở khắp miền biên viễn.
“Cánh lính trẻ nhiều khi vui đùa viết thư về cho vợ tôi bảo tôi có nhiều con lắm, chị lên xem. Tôi gặp mấy phen khốn đốn. Bà xã nghi ngờ tôi có cô này, cô nọ rồi bỏ bê vợ con”, anh Tê kể. Anh phải dẫn vợ lên đồn, cho đi thăm những đứa con nuôi.
Được trực tiếp chứng kiến cuộc sống của người chiến sĩ quân y vất vả bám rừng, bám bản, chị hiểu và cảm thông. Kể từ đó, mỗi lần anh Tê được về xuôi thăm vợ con, hai vợ chồng lại lụi hụi chuẩn bị quà bánh mang lên cho con nuôi. “Chúng nó ngoan lắm, đứa nào cũng quý bố nuôi”, anh Tê khoe.
Nỗ lực xóa hủ tục
Chữa được hàng trăm loại bệnh cho bà con, nhưng có một loại bệnh khiến anh gần như phải bó tay. Đó là bệnh hủ tục.
Nhiều gia đình vẫn chữa bệnh bằng cúng bái. Anh kể, một gia đình người Mông ở thôn Rê Chú Thàng (huyện Mường Khương) có con nhỏ ốm nặng nhưng nhất quyết không cho đi viện, chỉ tin thầy mo.
Anh khoác ba lô trèo qua 3 quả đồi mới đến được gia đình để thuyết phục họ chữa bệnh cho đứa bé, nhưng thất bại. Bố đứa bé lăm lăm con dao ngăn ở cửa không cho ai vào thăm khám, chỉ để cúng ma. Một tuần liền như thế, anh bất lực đứng nhìn. Cuối cùng, đứa bé qua đời, anh cứ day dứt mãi.
Để nâng cao nhận thức của bà con dân tộc, Thiếu tá Vũ Văn Tê ngày đêm đi về tận thôn bản tuyền truyền,vận động về việc giữ gìn vệ sinh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… Anh còn tranh thủ cả lúc họp thôn, họp bản để lồng ghép các chương trình tuyên truyền.