Chiến lược khó hiểu của Mỹ

TP - Mỹ tuyên bố cử thêm 1.000 lính và thiết bị quân sự tới Trung Đông giữa lúc căng thẳng với Iran gia tăng, đồng thời tung ra hình ảnh mới mà theo họ cho thấy lực lượng Iran tháo mìn chưa nổ khỏi tàu dầu Nhật Bản trong vụ tấn công ngày 13/6. 
Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iranảnh: NYTimes

Bản tin của Reuters nói, hôm đầu tuần (giờ Mỹ), quân đội Mỹ tung ra hình ảnh mới, nói rằng đó là hình ảnh ghi lại cảnh lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) đang tháo một quả mìn nam châm chưa nổ khỏi tàu dầu Nhật Bản, một trong hai con tàu bị tấn công trên vịnh Oman ngày 13/6, trong lúc Washington cáo buộc Iran gây ra vụ tấn công. Tehran thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc của phía Mỹ.

“Đáp lại đề nghị của Bộ Tư lệnh Trung ương quân đội Mỹ về việc muốn tăng thêm lực lượng…, tôi đã điều khoảng 1.000 quân tới Trung Đông với mục đích phòng thủ để giải quyết các mối đe dọa từ trên không, trên biển, và trên mặt đất”, Patrick Shanahan - Quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, nói trong một văn bản, theo CNN.

Căng thẳng giữa đôi bên gia tăng sau một loạt tuyên bố và cáo buộc nhằm vào nhau. Hôm thứ Hai, Iran thông báo họ sẽ phá bỏ giới hạn lưu trữ uranium do một hiệp ước hạt nhân quốc tế đặt ra từ năm 2015. Mỹ đã rút khỏi hiệp ước này từ tháng 5/2018.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thừa nhận có tình hình căng thẳng với Iran qua một tuyên cáo hôm đầu tuần nhưng thúc giục chính quyền báo cáo quốc hội về “quyết định được quan tâm sâu sắc”.

“Người Mỹ không được có ảo giác về chế độ ở Iran, và cần buộc Iran chịu trách nhiệm cho những hành vi nguy hiểm trong khu vực. Nhưng chúng ta cần mạnh mẽ, sáng suốt và có mục tiêu chiến lược, không liều lĩnh và vội vàng trong hành động”, văn bản của bà Pelosi viết.

Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN bác bỏ cáo buộc rằng Tehran đứng đằng sau các vụ tấn công. Đại sứ Baeidinejad cảnh báo rằng Nhà Trắng sẽ “hối tiếc” khi đánh giá thấp Iran một khi xung đột quân sự nổ ra. Khi được hỏi ai có thể phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công (nếu không phải Iran), đại sứ Baeidinejad nói đó là một số nước trong vùng, những nước “đã đầu tư lớn, nhiều tỷ USD để dàn xếp đưa Mỹ vào một cuộc xung đột với Iran”.

Chiến lược khó hiểu

Một số chính trị gia châu Âu bày tỏ sự bực bội với cách tiếp cận vấn đề Iran của Mỹ, tóm gọn trong một bài phát biểu của ngoại trưởng Mike Pompeo đề ra 12 nội dung Iran phải thay đổi. Theo họ, đây thực chất là đòi hỏi thay đổi chế độ, chỉ thiếu nước là gọi thẳng tên ra như thế.

“Chúng tôi không nghĩ rằng các bước leo thang là cần thiết”, một nhà ngoại giao châu Âu không muốn nêu tên nói với CNN. “Nói thẳng ra là, thật khó hiểu bức tranh tổng thể hay kết cục của cuộc chơi này là gì”, nhà ngoại giao châu Âu nói về chiến lược của Mỹ về Iran, lưu ý rằng chính quyền Donald Trump chưa đưa ra đề xuất nào thay thế thỏa thuận hạt nhân với Iran và cho đến nay vẫn từ chối các cuộc đàm phán với Tehran.

“Ông Trump muốn có một thỏa thuận tốt hơn, nhưng thật khó để Liên minh châu Âu hiểu được các ông đạt đến điều đó bằng cách nào. Vài năm trước chúng ta có một cơ chế  để các cường quốc ngồi lại gây áp lực buộc Iran thực thi các thỏa thuận đã đạt được”, nhà ngoại giao nói.

Thỏa thuận được xây dựng dựa trên lý thuyết về “cây gậy và củ cà rốt”, nhà ngoại giao nói. “Bây giờ chỉ có gậy. Thế củ cà rốt nằm ở đâu? Vì sao Iran giờ phải đàm phán và làm vậy với kết quả dự kiến nào? Ý tưởng ở đây là gì? Có vẻ như không có đề xuất thay thế nào (từ Mỹ) ở đây. Chẳng có chiến lược cụ thể nào và thật khó để tiến triển”. 

Các đồng minh của Mỹ tại châu Âu bày tỏ sự khó chịu với cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề Iran, còn lãnh đạo Iran nói họ không phát động chiến tranh chống lại bất cứ quốc gia nào.