Chiêm ngưỡng thành phố hang động lâu đời nhất thế giới

TPO - Được hình thành từ thời kỳ đồ đá và là một trong những khu định cư đầu tiên của con người ở Ý, đến nay, cư dân vẫn sinh sống trong thành phố hang đá Sassi di Matera.
Sassi di Matera tọa lạc ở tỉnh Matera, Ý, là thành phố được xây dựng từ núi đá có niên đại từ ít nhất 9.000 năm trước. Hiện nay, cư dân vẫn sinh sống trong thành phố cổ này.

"Sassi di Matera" có nghĩa là "đá của Matera". Như tên gọi, toàn bộ ngôi nhà trong thành phố cổ này hình thành dựa trên những hang động sâu trong núi. Năm 1993, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận Sassi di Matera là Di sản thế giới ở danh mục di tích lịch sử, văn hóa thế giới. 

Các nhà nghiên cứu lịch sử nhận định, Sassi di Matera có thể là một trong những khu định cư đầu tiên của người Ý, tồn tại từ thời đồ đá. Những cư dân đầu tiên dùng các công cụ sắt, đồng để khoét núi, xây những ngôi nhà nhiều tầng đặc trưng với hẻm sâu và cầu thang như lạc vào mê cung. 

Sassi di Matera được cho là thành phố hang động lâu đời nhất thế giới có người sinh sống liên tục. Ngày này, những ngôi nhà đá đã được cải tạo phù hợp với cuộc sống hiện đại. Mỗi ngôi nhà đều có hệ thống thoát nước riêng. 

Năm 1950, chính quyền Italy quy hoạch Sassi di Matera thành những nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch. 

Với khung cảnh tưởng chừng chỉ có trong phim hoạt hình, Sassi di Matera thu hút lượng lớn du khách thập phương. Nơi này còn được các nhà làm phim thế giới ưa chuộng dùng làm bối cảnh trong phim điện ảnh.

Về đêm, cảnh sắc càng thêm phần huyền ảo bởi vô số những ngọn nến được đồng loạt thắp ở hơn 150 nhà thờ trong thành phố.

Nội thất bên trong những ngôi nhà đá.

Tuy nhiên, để có được danh thắng lịch sử Sassi di Matera như ngày nay, người dân sinh sống ở đây từng phải trải qua những ngày tháng gian khổ. Đến trước cuối thế kỷ 20, đây không khác gì khu ổ chuột với điều kiện sống chật vật như thiếu nước, thiếu điện, hệ thống xử lý chất thải. Hậu quả, dịch bệnh lan tràn, khủng khiếp nhất phải kể đến đại dịch sốt rét.

Sau Thế chiến II, người có điều kiện chuyển nhà đến những căn hộ xây theo kiến trúc hiện đại, chỉ còn người nghèo khổ ở lại. Mãi đến khi Sassi di Matera được UNESCO công nhận, đời sống người dân mới được cải thiện.

Theo Theo Daily Mail