Chiêm ngưỡng linh vật rắn ở Đà Nẵng trình làng đầy uy nghi

TPO - Linh vật rắn do nghệ nhân Đinh Văn Tâm (Quảng Trị) chế tác đã đưa vào Đà Nẵng và đang được lắp đặt đầy uy nghi ở phía nam cầu Rồng.

Từ sáng 14/1, nghệ nhân Đinh Văn Tâm cùng đội thợ từ Quảng Trị đã vào Đà Nẵng để lắp đặt linh vật rắn phục vụ trang trí tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Linh vật rắn được đặt ở phía nam cầu Rồng, dọc vỉa hè tuyến đường Bạch Đằng (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng).

Anh Đinh Văn Tâm, nghệ nhân chế tác linh vật cho biết, linh vật rắn năm nay có chiều cao 4,5m, dài 8m, vảy rắn được làm từ nhôm Alu. Hiện anh cùng đội thợ của mình đang trong quá trình lắp đặt để hoàn thiện.

Kíp thợ đang tích cực hoàn thiện vảy rắn, chất liệu chủ yếu tạo nên linh vật rắn là tấm nhôm alu.

Linh vật rắn đầy uy nghi, đôi mắt được làm bằng thạch cao rồi vẽ màu.

Tại khu vực trung tâm huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) cũng được trang trí bằng linh vật rắn hổ mang.
Theo anh Hà, người thi công cho hay, linh vật rắn này có tổng chiều dài gần 20m, được làm bằng xốp, phần vẩy được làm bằng kính màu vàng óng ánh. Để hoàn thành linh vật này, đơn vị phải mất gần 1 tháng thi công.
Đôi mắt của linh vật rắn được chế tác sắc nét, phía ngoài được dát vàng.
Rất nhiều người đến xem và chụp hình cùng linh vật rắn. Chị Thảo Nguyên (trú huyện Hòa Vang) cho biết, năm nay linh vật rắn được làm rất đẹp và công phu. Đây có thể trở thành nơi check-in hấp dẫn đối với người dân và du khách trong dịp Tết năm nay.

Cặp linh vật rắn dài 30 mét trang trí Tết Ất Tỵ ở Huế

Ngày 14/1, thông tin từ UBND quận Thuận Hóa (thành phố Huế) cho biết, cặp linh vật rắn trang trí Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ở Huế được chuẩn bị lắp đặt tại khu vực sân đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (còn gọi là bia Quốc học), phía trước Trường THPT chuyên Quốc học Huế, phường Vĩnh Ninh, quận Thuận Hóa, Huế.

Phối cảnh cặp linh vật rắn Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Huế.

Theo thiết kế, cặp linh vật rắn Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Huế có kích thước tương đương với linh vật rồng trang trí Tết năm 2024, với chiều dài 30 mét, đặt tại khu vực sân bia Quốc học, cạnh đường Lê Lợi.

Tạo hình linh vật rắn lấy cảm hứng từ hình khắc Nhiêm xà trên Cửu đỉnh Huế - Di sản văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận năm 2024. Linh vật tạo hình theo cặp đôi tạo cảm giác thân thiện, hoành tráng, với trang trí, họa tiết và màu sắc đặc trưng của Huế.

Cặp linh vật sẽ được lắp đặt tại khu vực sân bia Quốc học, trước trường THPT Chuyên Quốc học Huế, cạnh đường Lê Lợi. Ảnh phối cảnh.

Cặp linh vật rắn được cố định bằng khung thép đảm bảo sự chắc chắn, giữ được dài ngày. Các bộ phận khác được thiết kế phù hợp, tạo tính thẩm mỹ.

Cặp linh vật rắn dự kiến hoàn thành lắp đặt vào ngày 18/1 tới, hứa hẹn sẽ là điểm check-in, chụp hình lưu niệm, tham quan lý tưởng của người dân, du khách.

Cặp linh vật rắn được thiết kế, tạo hình lấy cảm hứng dựa trên hình ảnh “Nhiêm xà” khắc trên bảo vật Cửu đỉnh. Ảnh phối cảnh

Ngoài ra, Tết Ất Tỵ năm nay, tại nhiều nơi ở Huế sẽ tổ chức trang trí, tạo không gian, cảnh quan đẹp mắt như khu vực trước trụ sở UBND thành phố Huế, đầu cầu Phú Xuân, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu cạnh cầu Trường Tiền…

Theo các tài liệu nghiên cứu, hình tượng Nhiêm xà (còn có tên là Mai cảnh xà) được khắc ở Anh đỉnh (đỉnh đồng thứ 3 của bộ Cửu đỉnh Huế, vị trí từ phía tay trái vào nhìn từ Thế Miếu ra Hiển Lâm các, Đại nội Huế). Con vật này thường ẩn trong rừng rình thú vật đi qua thì quăng mình bắt mồi, nuốt ăn.