Lượng quan tâm thị trường đất nền ở vùng dịch giảm sâu
Theo dữ liệu về thị trường BĐS trong tháng 5 mà Batdongsan.com.vn công bố gần đây thì lượng quan tâm về đất nền tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là những khu vực có số ca mắc COVID -19 cao giảm 19% so với tháng 4.
Đồng thời, do tình trạng “sốt” đất ảo thời điểm trước làm ảnh hưởng xấu tới thị trường BĐS và tác động đến một số vấn đề xã hội làm lực lượng chức năng các tỉnh thành phải lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư (NĐT) cũng khiến cho thị trường đất nền có phần chững lại.
Trong đó, lượng quan tâm đất nền tại các tỉnh khu vực miền Bắc như Bắc Giang giảm 49%, Bắc Ninh và Hà Nam giảm 46%, Vĩnh Phúc giảm 38%,…Điển hình là đất ở một số khu công nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên – “Tâm dịch Bắc Giang” đang giảm từ 5 - 10% trong tháng gần đây với mức giá dao động từ 15 - 21 triệu đồng/m2 (tùy nơi). Tại xã Đại Đồng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), đất dự án đang hạ từ 26 triệu đồng/m2 xuống 24 - 24,5 triệu đồng/m2. Đất ở các dự án phân lô, bán nền gần khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) thì đang hạ từ 2,5 – 4,1 tỷ đồng/lô (thời điểm tháng 3) xuống 1,8 - 3,9 tỷ đồng/lô. Trong khi đó tại Thanh Hóa, đất nền trong dân với mặt tiền nhỏ cũng giảm từ 5 – 10% so với thời điểm “sốt đất” cách đây vài tháng.
Đối với các tỉnh khu vực miền Trung như Đà Nẵng, sự quan tâm của thị trường với phân khúc đất nền giảm 36%, Quảng Nam giảm 35%,…
Tại khu vực miền Nam, ở TP. Hồ Chí Minh, lượt quan tâm đất nền giảm 18%; Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An đều giảm từ 11-13%; Bình Dương giảm khoảng 9%. Đối với các tỉnh thành khu vực miền Tây không biến động nhiều do thị trường từ đầu năm đến nay tăng trưởng ổn định.
Đất nền quanh Hà Nội vẫn túc tắc giao dịch
Mặc dù thị trường BĐS cả nước nhìn chung có chiều hướng “hạ nhiệt” nhưng theo đánh giá của giới kinh doanh thì phân khúc đất nền, nhà ở thấp tầng tại các đô thị lớn vẫn được giới đầu tư quan tâm và thu hút dòng tiền đổ vào. Điển hình là đất nền phân khúc 1-2 tỉ đồng và đất các dự án khu đô thị mới từ 3 – 5 tỉ đồng/ lô 100m2 ở một số quận, huyện quanh Hà Nội.
Tại Mê Linh, giá đất tại các lô biệt thự liền kề (còn trong tình trạng bỏ hoang, ít người sinh sống) dao động từ 20 – 25 triệu đồng/m2.
Ở Đông Anh, các khu vực như Hải Bối đất lô 40m2 có giá 20 – 25 triệu đồng/m2; Mỹ Nội, Quan Âm, Thượng Phúc (Bắc Hồng) đất lô 40-60m2 được rao bán từ 17-20 triệu đồng/m2; Xuân Nộn đất lô 40 - 60m2 có giá dao động từ 15-17 triệu đồng/m2.
Khu vực Hoài Đức, đất lô 20 - 50m2 ở Mộc Hoàn, Quyết Tiến, Phương Quan (Vân Côn) được rao bán từ 18 - 22 triệu đồng/m2; tại La Tinh, Đồng Nhân, Đông Lao (Đông La) có mức giá dao động khoảng 27-30 triệu đồng/m2; ở Lại Yên có giá 22-30 triệu đồng/m2 và tổng giá trị các mảnh đất đều không quá 1 tỷ đồng. Trong khi đó tại Nam An Khánh - tâm điểm thị trường nhà thấp tầng tại Hà Nội thời gian qua hiện tại các giao dịch và mức độ quan tâm đã chững lại và có xu hướng giảm đáng kể.
Tại Hà Đông, những mảnh đất có giá trị dưới 1 tỷ đồng có diện tích từ 30-35m2 tại các phường xa trung tâm như Yên Nghĩa giá đang dao động từ 24-32 triệu đồng/m2; Đồng Mai giá đất từ 15-25 triệu đồng/m2 trong khi ở Biên Giang, đất được rao bán với giá 22-30 triệu đồng/m2.
Khu vực Hòa Lạc mặc dù các đoàn đầu tư đi xem đất vãn dần nhưng giá đất không giảm mạnh.
Đất nền “hạ sốt” nhưng NĐT chưa bán tháo
Theo các nhà kinh doanh, sự chững lại của thị trường sau đợt "sốt đất" cục bộ được cho là khoảng lặng để giới đầu tư xem xét toàn cảnh và tìm kiếm cơ hội đầu tư đón sóng mới. Tuy nhiên, dù thị trường đất nền có xu hướng chung là “giảm nhiệt” nhưng hiện tượng “cắt lỗ” ồ ạt chưa xuất hiện.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn nhận định, mặc dù COVID – 19 diễn biến theo chiều hướng phức tạp gây áp lực lên nền kinh tế khiến tỷ lệ hấp thụ của thị trường đất nền ít nhiều bị chững lại nhưng giá đất nền vẫn sẽ khó giảm. Bởi với tình hình hiện nay, nhiều NĐT sẽ luôn cân nhắc đến bài toán tài chính đầu tư dài hạn hơn là đầu cơ lướt sóng nên họ sẽ chuẩn bị lộ trình tài chính rõ ràng và ít chấp nhận bán tháo đất với giá thấp. Thậm chí, nếu trong trường hợp các giao dịch giảm thì NĐT cũng chỉ chấp nhận bán ra bằng giá mua vào hoặc giảm nhẹ. Vì vậy, thị trường đất nền ít nhất trong hai quý tới vẫn sẽ đi ngang.
Đồng thời, giới kinh doanh khẳng định đất nền vẫn luôn là phân khúc bất động sản hấp dẫn các NĐT nhất bởi lẽ người Việt luôn có tâm lý “Ăn chắc mặc bền” và đất luôn là lựa chọn an toàn. Bên cạnh đó, thực tế chứng minh rằng, nếu đổ tiền vào BĐS trong dài hạn thì tỷ suất lợi nhuận của nhà đất luôn cao hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác.
Tuy nhiên, một số chuyên gia bất động sản cũng bày tỏ, khi dịch bệnh vẫn đang diễn ra, NĐT nên cẩn trọng trước mỗi quyết định giao dịch vì chưa thể kết luận chắc chắn được tình hình “sức khỏe” của thị trường BĐS ở thời điểm hiện tại.