> Văn hóa an toàn điện hạt nhân - kỳ cuối
Tập đoàn điện lực EDF nói rằng, hỏa hoạn gần lò đốt trong khu lưu trữ gây ra vụ nổ, nhưng phóng xạ không bị rò rỉ. Ngay sau vụ nổ, một hàng rào an ninh được thiết lập, phòng trường hợp phóng xạ thoát ra ngoài. Sau đó, người phát ngôn Bộ Nội vụ Pierre-Henry Brandet thông báo, không có rò rỉ phóng xạ bên trong hoặc bên ngoài nhà máy. Một công nhân bị chết vì vụ nổ, không phải vì phơi nhiễm vật liệu phóng xạ. Bốn công nhân bị thương không bị nhiễm xạ.
Trung tâm xử lý Centraco là một phần của cơ sở hạt nhân Marcoule, thuộc về một công ty con của EDF. Centraco sản xuất nhiên liệu MOX để tái chế plutonium từ vũ khí hạt nhân. Trung tâm không có lò phản ứng hạt nhân. Người phát ngôn EDF nói rằng, vụ nổ xảy ra trong lò đốt chất thải, gồm nhiên liệu, công cụ, quần áo sử dụng trong sản xuất năng lượng hạt nhân nhưng có hàm lượng phóng xạ thấp.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế nói họ liên lạc với chính quyền Pháp để tìm hiểu kỹ bản chất vụ nổ. Bộ trưởng Môi trường Pháp Nathalie Kosciuscko-Morizet sẽ thăm hiện trường để giúp đánh giá chính xác tác động phóng xạ có thể có. “Có vài máy dò ở bên ngoài và chúng không phát hiện điều gì bất thường. Tòa nhà vẫn ổn”, người phát ngôn Bộ Môi trường nói.
Marcoule hoạt động từ năm 1955 và là một trong những cơ sở hạt nhân lâu đời nhất của Pháp, dù được hiện đại hóa. Cơ sở này nằm ở khu vực Languedoc-Roussillon, gần bờ biển Địa Trung Hải. Tất cả 58 lò phản ứng hạt nhân của Pháp đều được kiểm tra khả năng chịu đựng sự cố sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản bị động đất, sóng thần phá hỏng hồi tháng 3.
Pháp là nước phụ thuộc lớn nhất vào năng lượng hạt nhân. Các nhà máy điện hạt nhân đáp ứng 75% nhu cầu năng lượng của nước này. Hồi tháng 6, Pháp tuyên bố đầu tư 1 tỷ euro vào điện hạt nhân. Tập đoàn Areva của nước này đang phát triển các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới.
Nhiều nước châu Âu (Đức, Ý, Thụy Sĩ…) tuyên bố sẽ giảm dần hoặc loại bỏ điện hạt nhân trong vài năm tới.
Minh Long
(theo BBC, DPA, Xinhua)