Chạy bộ có gì vui?

TP - Phong trào chạy bộ đang phát triển rất mạnh trong cộng đồng, tạo nên không khí rèn luyện thể thao sôi động. Cộng đồng chạy bộ ngày càng đông hơn, họ có thể là HLV chuyên nghiệp, nhà báo, dân kinh doanh, văn phòng…có người chạy không thua kém gì VĐV chuyên nghiệp. Điều gì khiến họ chạy “điên” như vậy? Hãy nghe chia sẻ từ một số người “trót yêu” chạy bộ.
Biên tập viên Nguyễn Tuấn Đạt hóa trang thành cậu học sinh trẻ măng khi tham dự cự ly marathon tại giải Tiền Phong marathon năm 2018 tại TP Buôn Ma Thuột ảnh: Như Ý
“Nhờ chạy bộ, người ta toàn đoán tôi trẻ hơn nhiều so với tuổi thật!”
Chưa từng ai đoán đúng tuổi của tôi ở lần đầu gặp mặt. Họ toàn đoán trẻ hơn tuổi thật khá nhiều. Có lẽ nhìn mặt và dáng người của tôi khiến họ bị… lừa.
Một khoảnh khắc vỡ òa cảm xúc trên đường chạy chinh phục vườn quốc gia Pù Luông của BTV Tuấn Đạt
Tôi bắt đầu tập chạy từ cuối năm 2014. Cũng chỉ tại thời điểm đó, tôi tăng cân khá nhiều và thường xuyên bị đau lưng mỗi khi ngủ dậy. Ngay cả những lúc đứng lâu thì xương sống cũng rất nhức mỏi, chân tay tê bì…
Những ngày đầu tập chạy thì chỉ khoảng vài trăm mét là bắp chân cứng lại, không thể tiếp tục. Hồi đó, một người bạn giới thiệu tôi vào một nhóm chạy phong trào. Quan sát và đọc những thông tin mọi người chia sẻ, tôi dần tiến bộ và có thể chạy xa hơn.
Tháng 8/2016, lần đầu tiên tôi chinh phục marathon (42,195km) tại Đà Nẵng với thời gian dưới 5 giờ, thông số mà tôi không bao giờ nghĩ có thể đạt được bởi trước đó chưa từng chạy xa quá 30km. Nhưng dần dần, chạy bộ đã khiến tôi “ngấm đòn” và kể từ đó đến cuối năm 2018, tôi đã tập luyện thường xuyên và hoàn thành hơn chục marathon, nhiều bán marathon (21km) tại các giải chạy trong và ngoài nước.
Nhờ chạy bộ, tôi có duyên làm việc với webthethao.vn từ đầu năm 2019 và trở thành cây bút chủ lực của chuyên mục Điền kinh/Chạy tại trang tin chuyên về thể thao này. Chạy bộ đã giúp tôi có cơ hội đi khắp mọi miền Tổ quốc, những nơi mà trước đây tôi đến để chạy, nhưng bây giờ là kết hợp thêm cả công việc.
Sau hơn 5 năm tập chạy, tôi nhận thấy đã thay đổi rất nhiều. Cân nặng ổn định, cơ thể gọn gàng, sức khỏe được cải thiện và đặc biệt là ngày càng trẻ ra. Do đặc thù công việc hay phải đi công tác và gặp gỡ nhiều người, tôi thường bị người ta xưng “anh, chị” ngon lành khi họ chưa biết tuổi thật của tôi. Tôi thấy cũng hết sức bình thường, thậm chí vui là đằng khác. Kỷ lục là có cô gái đoán tôi chỉ sinh tầm năm 1994 ở lần đầu gặp gỡ. Thực tế thì tôi tròn 42 tuổi trong năm 2021.
Nghe thật sự khó tin nhưng chạy bộ đã thay đổi tôi hoàn toàn một cách tích cực như vậy. Từ việc có vóc dáng, sức khỏe và trẻ trung hơn, chạy cũng giúp tôi trưởng thành hơn trong nghề viết báo. Bởi chỉ có đứng vào vị trí những người chạy bộ thì tôi mới thật sự hiểu họ muốn gì, họ đã trải qua những gì khi bước vào những cuộc chạy bị nhiều người bảo là “điên”, là “hành xác”… nhưng rõ ràng lại là thứ “gây nghiện” cho sức khỏe một cách cực kỳ tích cực và hiệu quả.
Chạy bộ tiếp thêm năng lượng tích cực
Niềm vui khi hoàn thành cự ly 42,195km của nhà báo Minh Kha
Tôi bắt đầu chạy từ nửa cuối 2017, khi thấy cần làm gì đó để cải thiện sức khỏe ở ngưỡng tệ hại sau hơn 10 năm bỏ bê luyện tập. Khởi đầu bằng treadmill (máy chạy bộ) trong phòng gym giúp tôi thấy đỡ trì trệ hơn, nhưng đổi lại là cảm giác đơn điệu vì chạy một mình và nhìn trân vào mảng tường kính phía trước. Bước ngoặt thật sự chỉ đến sau một giải chạy road (đường nhựa) nhỏ ở Ciputra tháng 12/2017, khi 4 đồng nghiệp rủ tôi tham gia, bắt đầu với cự ly 5km. Quãng đường sau đó tăng lên 10, 15, rồi 21 km, sau những cữ chạy nhóm - cá nhân, giúp tôi cải thiện cả về sức bền lẫn tốc độ.
Từ cuối 2018, tôi bắt đầu giấc mơ “1%” (vào nhóm 1% dân số thế giới có thể chạy full marathon 42,195km). Dù vậy, đời không như là mơ. Tập với khối lượng và quãng đường chưa đủ, khiến tôi có hai trải nghiệm đau đớn, cả về thể xác lẫn tinh thần trong năm 2019, với thành tích lần lượt 5:45 phút tại Ecopark Marathon, rồi 5:30 phút tại Longbien Marathon. 
Nhưng thất bại chỉ khiến tôi quyết tâm hơn trong năm 2020, cho mục tiêu “sub 5” (chạy 42,195km dưới 5h) và về đích vui vẻ. Mỗi tuần, tôi đều chạy 4-5 cữ - interval (chạy biến tốc), tempo (chạy đều ở tốc độ hơn trung bình), easy run (chạy thả lỏng ở tốc độ thấp hơn trung bình) và long run (chạy dài). Cũng vì mục tiêu này, tôi kiêng tuyệt đối bia rượu - thứ có thể gây tiêu cơ, và tập như điên trong hai tháng cuối năm. Và sự kiên trì ấy rồi cũng được đền đáp, bằng liên tiếp hai PR (kỷ lục cá nhân) với các mốc thành tích 4h50 phút tại Longbien Marathon, rồi 4h39 phút tại VnExpress Marathon Huế trong các tháng 11 và 12.
Bên cạnh niềm vui vượt qua chính mình, chạy bộ còn mang lại cho tôi năng lượng tích cực, nhờ được gặp, kết nối với nhiều bạn chạy mới, kéo thêm nhiều người thân, trong đó có chính vợ và hai con gái tôi, “vào hố vôi chạy bộ”. Ngay sau khi hoàn thành giải chạy ở Huế, vợ chồng tôi cùng một nhóm gần 20 bạn trong và ngoài cơ quan, đã đặt mục tiêu tiếp theo - chinh phục Tienphong Marathon 2021 tại Pleiku ngày 28/3 tới. Đây hứa hẹn là thách thức lớn, nhưng thú vị, với cung đường đi qua nhiều danh thắng và rất nhiều con dốc trập trùng. Cá nhân tôi đặt mục tiêu sub5 cho giải chạy trên thành phố mà tôi xem như quê hương thứ hai, với 12 năm trời gắn bó. Từ 1/1, tôi đã bắt đầu tập luyện theo giáo án riêng - chú trọng vào các bài chạy dốc - cho mục tiêu tại Pleiku. 
Chạy để trẻ và đẹp
Nhờ thường xuyên chạy bộ và luyện tập Yoga, nữ hoàng điền kinh VN những năm 2000 Phạm Đình Khánh Đoan vẫn giữ được dáng vẻ trẻ trung cùng thân hình gợi cảm, săn chắc
Tôi từng tham dự nhiều kỳ Tiền Phong Marathon, trước đây là Việt dã toàn quốc và bán marathon báo Tiền Phong với cả tư cách VĐV và HLV. Điền kinh là môn thể thao rất vất vả, đòi hỏi ý chí và nỗ lực của người chạy rất lớn. Trước đây nhiều lúc tôi cứ tự hỏi không biết mình chọn nhầm nghề không. Nhưng thực sự nghề đem lại cho tôi nhiều thứ. Tôi thấy hiện nay phong trào chạy bộ phát triển rất mạnh. Chính điều đó cũng thúc đẩy người tập đến với điền kinh nhiều hơn. Các VĐV chuyên nghiệp khi thi đấu cùng với các chân chạy nghiệp dư có lẽ cũng sẽ thấy hào hứng hơn. 
Bản thân tôi từ khi chuyển sang HLV, không còn thi đấu nữa nhưng hàng ngày vẫn tập luyện bình thường. Trước đây chạy dài thì giờ mình chạy trung bình khoảng 6km mỗi ngày để duy trì sức khoẻ thôi. Sau mỗi buổi chạy về, tắm ào một cái cảm thấy người rất khoan khoái, có thêm năng lượng để làm việc. Mình chạy không chỉ cảm thấy khoẻ mà còn trẻ, duy trì vóc dáng tốt lắm. 
Khánh Hòa sẽ dự giải Tiền Phong Marathon 2021 tại Pleiku với nhiều mục tiêu để chinh phục. Giải năm 2020 vừa qua ở Lý Sơn thực sự là trải nghiệm rất đáng nhớ khi chúng tôi thi đấu ở ngoài đảo, đường chạy khắc nghiệt nhưng cũng nhờ vậy VĐV có thể vượt được giới hạn bản thân. Tôi nghĩ mình còn có thể chạy bộ được tới năm 70 tuổi đấy.