Tại hội thảo "Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức” do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, ĐHQG TPHCM và Thành Đoàn TPHCM tổ chức, diễn ra ngày 1/3, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, ChatGPT là một công nghệ trí tuệ nhân tạo có khả năng sinh ra các văn bản phức tạp và thuyết phục bằng ngôn ngữ tự nhiên, có nhiều tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, kinh doanh và giải trí, hay nói chung là tất cả những lĩnh vực có sử dụng ngôn ngữ.
Ông Thắng dẫn chứng, đối với lĩnh vực nhân sự tại các doanh nghiệp, một khảo sát 1.000 doanh nghiệp được công bố vào ngày 25/2 vừa qua cho thấy, khoảng 48% số công ty đã ứng dụng ChatGPT vào công việc. Đối với lĩnh vực của quản lý nhà nước, ChatGPT có thể có nhiều ứng dụng như hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ra quyết định…
Tuy nhiên, ông Thắng cũng, để sử dụng ChatGPT hiệu quả chúng ta cần bình tĩnh, thận trọng, xem xét một cách khoa học, tận dụng những lợi thế và xác định những rủi ro để có biện pháp phòng tránh liên quan đến bản quyền, an toàn an ninh mạng…bởi ChatGPT cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo Phó chủ tịch TPHCM Dương Anh Đức, thành phố rất quan tâm thành tựu khoa học công nghệ trên tất cả lĩnh vực, trong đó có ChatGPT hiện được rất nhiều người quan tâm.
Ông Đức cho rằng, ChatGPT hay một ứng dụng nào khác cũng là một công cụ do con người tạo ra, điều quan trọng là sử dụng như thế nào. “Hiểu đúng về ưu lẫn nhược điểm và sử dụng đúng, ChatGPT sẽ mang lại hiệu quả, phục vụ người dân, phục vụ chính quyền thành phố một cách tốt nhất”- ông Dương Anh Đức nói và cho rằng, cần tìm hiểu, nghiên cứu thành những ứng dụng cho từng lĩnh vực, từng ngành nghề một cách hiệu quả để góp phần cải thiện công việc cho bộ máy nhà nước, nhất là khi ChatGPT có rất nhiều điểm mạnh.
Theo PGS.TS. Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học máy tính, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, ChatGPT tồn tại dưới dạng ngôn ngữ nên khi áp dụng vào quản lý nhà nước, nó sẽ hỗ trợ khá nhiều cho các nhà quản lý, cụ thể là phân loại thông tin và phản ánh thông tin trả lời tự động…
Cũng theo ông Điền, bình thường, một ngày một cơ quan hành chính có thể nhận tới hàng ngàn thư từ, thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp. “Nếu giao cán bộ phân loại sẽ phải mất vài ngày xử lý, tuy nhiên với ứng dụng ChatGPT, thời gian xử lý sẽ nhanh hơn tính theo giờ và giúp các nhà quản lý phân loại các phản ánh theo từng nhóm ngành nghề và chuyển tới các phòng ban xử lý theo đúng chuyên môn”, ông Điền nói.
Tuy nhiên, ông Điền cho rằng, muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả, người sử dụng cần phải giỏi hơn và làm chủ được ChatGPT. Nghĩa là, người dùng phải tự trang bị những kiến thức thông tin nền cao hơn ChatGPT để có thể kiểm chứng độ chính xác mà ChatGPT cung cấp...