Nhiều khán giả bình luận rằng: Thương Tín ở lại quê nhà sẽ yên bình hơn vào Sài Gòn?
Thương Tín: Trời, quê có gì vui đâu? Tôi ham vui mà. Không phải tôi không yêu quê, không thích quê, vì hiện tại tôi vẫn đang ở quê đây. Nhưng tôi quen với nhịp sống đô thị, bây giờ về quê tôi thấy buồn ghê lắm. Không có bạn tri kỷ.
Về Sài Gòn anh có tri kỷ?
Thương Tín: Thực ra cũng không phải vậy. Nhưng tôi quen sống ở Sài Gòn rồi. Ở quê riết cũng quen thôi nhưng tôi vẫn chưa quen.
Anh có biết công việc của nhà nông?
Thương Tín: Sức đâu tôi làm đồng? Trước nay tôi làm gì biết làm lúa, làm gạo…
Ở quê anh sẽ có cuộc sống yên ả. Có lẽ khi người ta không còn trẻ thì sự yên bình là cần thiết nhất!
Thương Tín: Tất nhiên là yên bình, không đụng chạm. Nhưng tôi thấy đụng chạm vui hơn chứ. Ở quê buồn, sáng rồi tới chiều, chiều lại đến tối… Tối lại chờ sáng.
Cuộc sống ở quê cũng sẽ tiết kiệm chi phí hơn?
Thương Tín: Tất nhiên rồi, ít chi phí hơn. Bù qua siết lại, cuộc sống ở quê không đắt đỏ như Sài Gòn. Với cùng một khoản tiền ở Sài Gòn chỉ sống được một tháng, ở quê sống được vài ba tháng, mức sống thấp. Nhưng như đã nói, tôi thích cuộc sống có đụng chạm sẽ vui hơn.
Anh sẽ về Sài Gòn cùng vợ con?
Thương Tín: Vợ tôi vẫn ở trên đàng ngoại, không theo tôi. Tôi về đây ở với mẹ tôi. Chúng tôi vẫn gặp nhau chẳng qua không ở chung một chỗ. Có đứa con rồi, đó là sợi dây ràng buộc lớn.
Lên Sài Gòn anh sẽ làm gì?
Thương Tín: Mấy nơi cũng mời tôi dạy diễn xuất nhưng tôi cũng e ngại một chút vì không có khả năng sư phạm. Cũng có mấy nơi thuê làm bảo vệ. Tôi thì bảo vệ ai, bảo vệ mình còn chưa xong? Có dạo tôi làm ở nhà sách. Họ mời tôi đến làm, nhiệm vụ của tôi là quan sát các nhân viên bán sách xem ai trì trệ thì nhắc nhở. Tôi bảo, chuyện này tôi làm không được, la mấy em phụ nữ làm sao được? Thương mấy em không hết lại còn la? Đã thế,ngày ngày đi làm còn phải điểm danh bằng vân tay, sáng vô bấm cái, nghỉ trưa bấm một cái, chiều 5 giờ lại bấm một cái… Tôi làm mấy lần chịu hết nổi, thôi bỏ. Không “chơi” cái đó. Cái việc đó nhàm chán lắm. Làm một việc không phải nghề của mình cũng không thú vị. Để rồi tính xem sao.
Anh nghĩ với hình thức hiện tại mà lên phim ảnh trông anh có còn ổn không?
Thương Tín: Được chứ. Tôi được cái ăn ảnh. Người ta từng nói: Tôi là diễn viên ăn ảnh nhất Việt Nam mà.
Những mỹ nhân cùng thời hoàng kim với anh, như “nữ hoàng ảnh lịch” Diễm My có còn hỏi thăm anh không?
Thương Tín: Tôi không bị phụ nữ thù hằn. Họ vẫn tốt với tôi.
Ngày xưa, Diễm My có đẹp không, trong mắt anh?
Thương Tín: Cô ấy là “nữ hoàng ảnh lịch” mà. Nhưng đẹp về hình thức không quan trọng. Tôi thích cái duyên của phụ nữ hơn. Diễm My duyên. Cái đẹp hình thức sẽ phai mòn theo năm tháng. Còn cái duyên sẽ bền.
Vợ của anh bây giờ có duyên không? Thương Tín:
(cười) Ôi dào, "duyên" nhất luôn. Cô ấy nói một câu làm tôi bị quê: Lấy người nổi tiếng như ông mà khổ chết... luôn!
Liệu anh có còn cơ hội đóng phim? Vì giờ này vẫn chưa thấy đoàn phim nào gọi?
Thương Tín: Nếu còn cơ hội, tôi muốn được đóng vài phim nữa rồi sẽ dẹp nghề. Mệt rồi. Giờ đóng bàn, đóng ghế thôi. Tôi cũng để lại cho đời nhiều vai diễn, có những vai kinh điển. Vai được khán giả thương nhất là vai trong “Biệt động Sài Gòn”, đi đâu cũng được nhắc. Rồi tướng cướp Bạch Hải Đường…
Ngày ấy Chánh Tín rất đẹp trai. Anh có bao giờ “ghen” với hình thức của Chánh Tín?
Thương Tín: Chánh Tín đẹp trai nhất luôn. Còn tôi đâu có đẹp. Nhưng tôi không tị với Chánh Tín. Mỗi người có nét riêng. Anh ấy đẹp kệ anh ấy chứ! Hai anh em cũng thân nhau, cũng hay đi nhậu, dù hai người hai thái cực, hai phong cách. Từ ngày Chánh Tín ra đi, Bùi Thương Tín ở lại buồn ơi là buồn!
Người ta tung tin anh qua đời, anh có giận không?
Thương Tín: Thằng con trai tôi nó gọi điện cho tôi, hỏi thăm tôi thế nào. Tôi bảo: Đương nhiên tôi vẫn sống thì mới nói chuyện được với nó. Theo kinh nghiệm dân gian, những người bị đồn qua đời thường lại sống dai (cười)