Mặc dù trường học đã được xây dựng kiên cố nhưng có vào đây mới thấy sự vất vả của thầy, trò xã vùng biên với 100% là người dân tộc Vân Kiều.
Cơm trưa của các em chỉ có cơm với muối ớt.
Không điện lưới quốc gia, không nước sạch, không sóng điện thoại nên các thầy cô và học sinh ở đây đã rất cố gắng để bám lớp, bám trường.
Cả trường có 185 học sinh (bao gồm cả hai điểm trường lẻ), hằng ngày các em phải dậy từ 5h sáng để đến trường vì có những nơi như bản Rum, bản Mít cách trường hơn 5km. Buổi trưa phần lớn các em đều ở lại, ăn cơm nắm mang theo và chơi ở hành lang, trong lớp đợi chiều học tiếp.
Em Hồ Thị Ngoan, học lớp 9, nhà ở bản Mít cho biết: “sáng em dậy lúc 4h, đợi mẹ nấu cơm rồi bỏ vào cà men xách đến lớn để buổi trưa có cái ăn, đợi chiều học ca 2”.
Có mặt tại trường vào buổi trưa mới biết sự vất vả của các em, những em học cấp 2 mang theo cà men nhưng học sinh cấp 1 đi học xa, cà men lại cồng kềnh nên phần lớn các em chọn giải pháp cơm đựng trong một cái bao ni lông nhỏ. Trong cái bao là một nắm cơm với miếng boi tiêu (tức là muối ớt), họa hoằn lắm mới thấy một vài em được ăn cơm cùng mấy con cá kho nhỏ như ngón tay út. Có em chỉ mang theo cơm.
Sau khi ăn xong, cả đám trẻ kéo nhau xuống suối súc miệng, luôn thể lộn ngược bao ni lông đựng cơm lại, rửa loa qua rồi vò lại cho vào túi quần đưa về để mai lại mang cơm đi học tiếp.
Thầy Đỗ Đức Thuần cho biết: “Học sinh ở đây không mang sách vở về nhà vì chưa có điện, nhà các em lại không có dầu thắp nên buổi tối các em không học bài, ban ngày học ở trường được gì thì được thôi”.
Nhiều em chân không mang dép.
Học sinh ở đây không có đồng phục, ai cho gì mặc nấy, có đứa được mỗi một bộ nên mặc đến rách nhưng vẫn không có để thay bộ mới.
Một số em ngủ tranh thủ ngủ trưa tại lớp học.
Tan học, cả mấy chục đứa trẻ không cặp sách ùa ra sân, đứa có dép, có đứa chân đất dẫm tung tóe lên những vũng nước đọng ở sân trường. “Nếu đây là mùa đông thì những bàn chân nhỏ kia chắc sẽ lạnh lắm”, thầy Thuần thở dài.