>> Bài 3: Muốn có điện phải chung chi
Một mình chống lại mafia
Chanh chấu tên thật là Lê Văn Chanh, sinh năm 1962, quê xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo. Bố nguyên là Bí thư Huyện ủy Than Uyên, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Lai Châu).
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, anh về quê Thái Bình lập nghiệp. Vợ anh - chị Lê Thị Hiền đang là giáo viên THCS; hai con anh, một đang học năm thứ ba Đại học Ngoại thương, một học lớp 9.
Vốn là người hiền lành, được nhiều người trong Cty quý mến, lại phải lo toan nhiều cho gia đình, nên nhiều lần biết những tiêu cực của lãnh đạo Cty nhưng anh đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
“Tôi đã cắn răng chịu đựng nhiều lần nhưng HĐQT và ban giám đốc Cty vẫn ngang nhiên làm nhiều việc trái luật, coi khinh người lao động. Tôi bắt đầu cuộc chiến khi biết anh Độ lái xe và một số người khác bị đuổi việc một cách oan uổng” - Anh Chanh kể.
Anh viết đơn tố cáo lãnh đạo Cty huy động vốn từ việc bán cổ phần thu 2,5 tỷ đồng trái luật, lập hồ sơ cho 86 lao động nghỉ một cục lấy gần 1,7 tỷ đồng của nhà nước; Chủ tịch Công đoàn Cty đã sử dụng không đúng mục đích vốn vay 186 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội và nhiều sai phạm khác trong quản lý kinh tế. Biết anh tố cáo, cán bộ, nhân viên Cty bình phẩm, coi đó là chuyện châu chấu đá voi.
Thời điểm đó, anh được bầu làm Ủy viên Ban kiểm soát Cty. Lúc đó, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Cty, phó giám đốc, kế toán trưởng đứng về phía kia của chiến tuyến nên anh hoàn toàn bị cô lập. Quãng thời gian đó anh sống trong sợ hãi vì có nhiều người đến tận nhà đe dọa. “Nhưng với những tài liệu trong tay tôi tin sự việc sẽ được soi xét”, anh Chanh nói.
Đầu tiên, anh gửi hồ sơ, tài liệu cho Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, Công đoàn ngành Công Thương. Nhưng đơn đi, tin không lại. Chán nản, anh ôm hồ sơ gửi Thanh tra tỉnh Thái Bình và bắt xe lên Hà Nội gửi đơn kèm tài liệu cho cán bộ Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
Trên cơ sở đơn tố cáo của anh Chanh, Thanh tra tỉnh Thái Bình đã thanh tra làm rõ sai phạm, chuyển hồ sơ kết quả vụ việc sang Công an tỉnh xử lý và khởi tố vụ án, thu hồi gần 2 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.
Xin nghỉ việc để chống tiêu cực
Vì chống lại ban lãnh đạo Cty nên anh Chanh đã phải nếm đủ mùi vị đắng cay. Không để bị đuổi, anh chủ động viết đơn xin thôi việc, dành thời gian chống tiêu cực. Việc anh viết đơn xin nghỉ việc nhanh chóng được ban lãnh đạo Cty thông qua.
Họ những tưởng anh ra khỏi Cty thì mọi việc được êm ấm. Trong suốt một năm nghỉ việc, để phụ giúp vợ, anh đi làm thuê kiếm tiền và không quên nhiệm vụ vạch mặt những sai phạm của ban lãnh đạo Cty. Nhiều đêm anh không ngủ, vắt tay qua trán suy nghĩ tìm cách đưa ra ánh sáng những kẻ tiêu cực.
Anh Chanh tâm sự: “Những ngày tháng đó thật kinh khủng. Tôi sợ nhất là vợ con bị kẻ xấu trả thù. Mặc dù vợ cũng can trường nhưng tôi vẫn rất lo. Đêm xuống, tôi thường dặn vợ con không ra khỏi nhà.
“Thú thực, việc tôi đứng lên chống lại ban lãnh đạo Cty là xuất phát từ bức xúc chứ không vì lợi lộc gì. Thậm chí, vì kiện cáo nên đâm ra bị thù ghét. Hiện, chưa xảy ra vấn đề gì với người thân trong gia đình nhưng không biết tương lai sẽ ra sao” - Anh lo lắng.
Nhìn lại vụ việc đã qua, anh nói: “Chính sự trợ giúp của anh em trong Cty là động lực để tôi chiến đấu đến cùng. Hơn thế nữa, để thành công cần phải có sự động viên, chia sẻ của người thân trong gia đình, nhất là vợ và các con”.
Kể về chiến công của anh Chanh, anh Lê Ngọc Hiếu - Giám đốc mới của Cty Cổ phần gốm sứ Thái Bình khẳng định, nếu không có anh Chanh thì những việc làm trái luật của ban lãnh đạo Cty cũ sẽ không được đưa ra ánh sáng.
Cty gốm sứ Thái Bình nay đã hết cơn bĩ cực và đang bước vào thời thái lai. Hàng trăm công nhân vì thế cũng phấn khởi, tập trung vào làm việc bởi lãnh đạo Cty hiện đều rất trẻ và năng động. “Vì anh Chanh cống hiến lâu năm và làm lợi cho Cty, được anh em tín nhiệm giới thiệu, nên chúng tôi mời anh trở lại làm việc và cất nhắc làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ” - Anh Hiếu nói.