Chàng trai Tây Đô với tình yêu gạo Việt

TP - Với mong muốn nâng giá trị hạt gạo Việt, chàng trai Tây Đô Khưu Tấn Bửu (25 tuổi) đính những hạt gạo thành bức tranh bán với giá trị gấp nhiều lần. Thông qua những bức tranh ấy, Bửu còn muốn quảng bá văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới. 
Anh Khưu Tấn Bửu, chủ cơ sở tranh gạo Tấn Bửu bên sản phẩm của mình.   ẢNH: HÒA HỘI

Nâng giá trị gạo Việt

Khưu Tấn Bửu hiện là chủ cơ sở tranh gạo Tấn Bửu, ở số 41, CMT8, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Sau 4 năm hoạt động, cơ sở của Bửu đã sản xuất hàng nghìn bức tranh gạo với nhiều thể loại như: cầu Cần Thơ, chợ cổ Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng, hoa sen, phố cổ Hội An... Giá mỗi bức tranh thấp nhất là 250.000 đồng, cao nhất lên đến 15 triệu.

Bửu là anh cả trong gia đình có 3 anh em, bố mẹ làm nghề buôn bán nhỏ. Bửu chia sẻ, ở xứ được mệnh danh là "gạo trắng, nước trong", vùng lương thực trọng điểm của cả nước nhưng chưa có sản phẩm mang đặc trưng riêng của người Cần Thơ. Trong khi đó Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng giá trị hạt gạo còn thấp, thua nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, cậu muốn sáng tạo ra một sản phẩm liên quan đến gạo để phục vụ khách du lịch, đồng thời nâng giá trị cho gạo Việt. “Một kg gạo nông dân vất vả mất nhiều tháng trời làm ra chỉ bán với giá trên dưới 20.000 đồng. Em sáng tạo và thổi hồn vào nó để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật có giá trị gấp nhiều lần”, Bửu nói.

Ban đầu Bửu làm tranh bằng gạo rang, sau đó cậu nảy ý tưởng sử dụng rau củ quả nấu tạo màu cho hạt gạo. “Để hạt gạo không bị hỏng, sau khi đính ghép xong phải trải qua 4 bước xử lý. Tụi em đã xử lý ở cấp độ tráng nhựa để bức tranh có độ bền ít nhất 10 năm”, Bửu chia sẻ.

Theo Bửu, làm tranh gạo khó nhất là dòng tranh truyền thần, bởi phải truyền tải được những sắc thái, gương mặt nhân vật muốn đặc tả. Mỗi bức tranh là sắc thái biểu cảm khác nhau nên phải đặt hết tâm huyết vào nó. “Có những bức tranh em làm đi làm lại nhiều lần, nhiều đêm vắt óc suy nghĩ, mất cả tháng trời mới hoàn thành”, Bửu chia sẻ.

Bửu đang hoàn thiện bộ sưu tập 63 bức tranh về danh lam thắng cảnh của từng địa phương trên cả nước. “Mỗi địa phương sẽ có một đặc trưng riêng. Bằng tình yêu hạt gạo em muốn truyền tải vào sản phẩm tranh những vẻ đẹp riêng có của mỗi vùng miền. Đây cũng là cách tranh gạo tiếp cận được nhiều khách hàng, và có thể vươn ra thế giới”, Bửu chia sẻ.

Tạo việc làm cho thanh niên

Hiện Khưu Tấn Bửu là Ủy viên Ủy ban Hội LHTN Việt Nam TP Cần Thơ. Cậu cho rằng muốn tập hợp hay phát động thanh niên khởi nghiệp thì “trước hết mình phải có gì trong tay cái đã, thanh niên thấy mình làm họ mới tin”.

Cơ sở tranh gạo Tấn Bửu đang tạo việc làm ổn định cho 15 bạn ĐVTN, trong đó nhiều bạn làm công tác Đoàn phường Cái Khế và quận Ninh Kiều. “Các bạn trẻ rất mong muốn cống hiến cho công tác Đoàn nhưng tới một thời điểm nhất định, nếu không phát triển được thì các bạn ấy phải đi tìm công việc ổn định, lo kinh tế gia đình. Thấy được thực trạng đó, em tạo điều kiện cho các bạn vừa tham gia hoạt động Đoàn vừa có việc làm ổn định, có thu nhập”, Bửu chia sẻ.

Anh Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ đánh giá, sản phẩm tranh, mỹ nghệ làm từ hạt gạo của Bửu là hướng khởi nghiệp tốt cho thanh niên và giúp giải quyết việc làm cho hàng chục thanh niên ở địa phương. Trung tâm đã hỗ trợ Bửu khởi nghiệp bằng cách cho mượn địa điểm sản xuất và trưng bày sản phẩm miễn phí.

“Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thành công chúng tôi mừng lắm. Khi các bạn trẻ khởi nghiệp thành công sẽ tạo ra nhiều việc làm, đóng góp cho xã hội. Chính vì thế Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên luôn đồng hành và hỗ trợ các bạn thanh niên - sinh viên khởi nghiệp và có ý tưởng khởi nghiệp”, anh Phúc khẳng định.

Ông chủ cơ sở tranh gạo Tấn Bửu chia sẻ, thời gian tới sẽ sản xuất thêm nhiều sản phẩm mang đặc trưng vùng miền để mọi người dân Việt có thể thấy được quê hương của mình trong chính tác phẩm. Ngoài ra, cơ sở sẽ phối hợp các trường học cho học sinh trải nghiệm với tranh gạo.