Ngày 27/11, Cục Cảnh sát hình sự (Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an) tổ chức hội nghị “Giao ban lực lượng Cảnh sát hình sự năm 2015” tại TPHCM.
Trộm cướp lộng hành
Tại hội nghị, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, (C45, Bộ Công an) cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, xảy ra hơn 23.000 vụ trộm cắp tài sản, 2.600 vụ cướp giật tài sản, chiếm gần 40% tổng số vụ phạm pháp hình sự của cả nước.
Tình hình trộm cướp tài sản xảy ra từ đầu năm đến nay có diễn biến phức tạp, lộng hành nhất là các đối tượng hình thành băng nhóm, tổ chức hoạt động liên tỉnh gây bức xúc cho người dân.
Theo Thiếu tướng Tiến, các đối tượng trộm cắp tài sản không chỉ đột nhập vào nhà người dân, mà còn đột nhập vào cả những cơ quan nhà nước, công sở để lấy trộm tài sản một cách liều lĩnh hơn trước.
TPHCM là một địa phương xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản, nhất là trộm đột nhập vào nhà, thụt két lấy tài sản có giá trị lớn. Khu vực trung tâm thành phố là điểm nóng của tệ nạn trộm cắp tài sản trong những năm qua, nạn nhân chủ yếu là du khách nước ngoài.
Từ đầu năm đến nay đã xảy ra hơn 3.700 vụ trộm cắp tài sản. Theo đại tá Lê Ngọc Phương, trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, (PC45, Công an TPHCM) thừa nhận tỷ lệ phá án trộm cắp tài sản vẫn còn thấp.
Hiện nay TPHCM xuất hiện các đối tượng thành lập băng nhóm trộm cướp tài sản của người dân ở các bến xe, tuyến xe liên tỉnh. Nhất là vụ việc xảy ra ở tuyến xe liên tỉnh về miền Tây vừa qua, đại tá Phương cho biết hiện nay công an đã xác lập chuyên án, bắt khẩn cấp 8 đối tượng trong nhóm và đang tiếp tục mở rộng vụ án.
Đại tá Nguyễn Văn Bôn, trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết, nhiều băng nhóm trộm cắp tài sản từ các tỉnh khác đến. Điều nhức nhối là những băng nhóm địa phương câu kết với băng nhóm ngoài tỉnh, làm mỗi nhiệm vụ thăm dò và chỉ điểm để các nhóm ngoài tỉnh đột nhập vào trộm.
Đòi nợ thuê, nạn lừa chạy việc
Cũng tại hội nghị, đại tá Nguyễn Văn Bôn, cho rằng hiện nay xuất hiện nhiều hơn tình trạng lừa xin việc vào các trường công an, ngành công an nhưng khó xử lý. Tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay có hơn 200 nạn nhân trình báo nhưng công an tỉnh cũng chỉ mới khởi tố 3 vụ việc với hơn 100 nạn nhân, còn lại vẫn chưa xử lý được. Theo đại tá Bôn, các đối tượng lừa xin việc rất manh động, tinh vi khi chỉ viết giấy mượn tiền nạn nhân chứ không ghi giấy nhận tiền xin việc.
Những vụ án lừa đảo tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có diễn biến phức tạp, khi cơ quan chức năng gặp khó trong xử lý thì lại xuất hiện băng nhóm đòi nợ thuê.
Nói về thực trạng này, đại tá Lê Ngọc Phương cho biết, tại TPHCM xuất hiện nhiều băng nhóm đòi nợ thuê hoạt động rất tinh vi, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Ngày trước những băng nhóm này hoạt động tại trung tâm thành phố thì nay đã dạt ra các quận huyện vùng ven núp bóng tiệm cầm đồ, đòi nợ thuê,…
Đại tá Lê Hồng Thắng, trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an TP. Hải Phòng) cho biết, tháng 10 vừa rồi, công an vừa ngăn chặn một buổi tiệc với hơn 300 người ở Đồ Sơn mà các đối tượng tham gia là những người trong nhóm đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi. Các đối tượng cộm cán chủ yếu là người Hải Phòng ở các tỉnh phía nam.
Khó xử lý
Đại tá Lê Ngọc Phương cho biết, trong thời gian qua, có gần 15 vụ trộm cắp tài sản công an biết được đối tượng nhưng không bắt được vì những băng nhóm trộm cắp có tay trong, khi thấy trinh sát là những đối tượng này biết mặt.
Nhiều vụ việc, Công an TPHCM phải sử dụng cộng tác viên là người nước ngoài, từng là nạn nhân để phối hợp bắt. Hơn nữa, có rất nhiều nạn nhân khi bị mất đồ ít khi trình báo công an, phối hợp để công an tìm thủ phạm.
Theo đại tá Phương, mặc dù xác định được dấu vân tay, xác định được đối tượng trộm cắp nhưng viện kiểm sát lại không đồng ý phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, mà yêu cầu phải lấy lời khai trước khi phê chuẩn lệnh bắt, thì trong thời gian này đối tượng đã bỏ trốn. Vấn đề này Công an TPHCM đã gặp 2 – 3 vụ việc tương tự như thế.