> Sản phụ liên tục tử vong: Tắc ối hay tắc trách?
Tai biến sản khoa: Khó lường
Trong vòng gần hai tháng qua, xảy ra chín ca tai biến khiến sáu sản phụ và sáu trẻ sơ sinh thiệt mạng. Theo ông, đâu có thể là nguyên nhân của hàng loạt tai biến này?
TS Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc BV PST.Ư: Không thể gọi là hàng loạt được. Các tai biến sản khoa thường là khôn lường, rất khó tiên lượng. Tắc mạch ối ở giai đoạn chuyển dạ là một trong những tai biến sản khoa xảy ra rất bất ngờ và gây nguy cơ tử vong cao nhất. Bốn trong số các ca tử vong mới đây ở các địa phương, sau khi xét nghiệm, đều thấy do tắc mạch ối.
Nguyên nhân thứ hai có thể xem xét đến là các tai biến sản khoa. Trong số năm tai biến sản khoa, chỉ có một tai biến về cơ bản đã được khống chế. Đấy là uốn ván sơ sinh. Nhờ tiêm chủng cho mẹ, tỷ lệ tai biến này hiện rất thấp.
Bốn tai biến khác đang còn nan giải gồm sản giật, vỡ tử cung, băng huyết và nhiễm khuẩn. Ca xảy ra tại tỉnh Đồng Nai được xác định do lộn tử cung và băng huyết. Đây là tai biến 10 năm nay chưa gặp.Trường hợp đó, cơ sở điều trị phải có hệ thống hồi sức cấp cứu hiện đại. Chứ còn ở xa như thế, mãi không lấy được máu truyền thì làm sao cứu được.
Nguyên nhân thứ ba cần tính đến là các yếu tố bệnh lý không phát hiện kịp. Trường hợp ở tỉnh Quảng Ngãi là ví dụ. Cần tìm hiểu vấn đề cả ở hai góc độ. Về phía sản phụ, sản phụ có được đưa đi khám thai đúng định kỳ hay không. Về phía bệnh viện, bác sỹ có phát hiện ra bệnh của sản phụ khi khám hay không.
Trách nhiệm: Phải xem xét nhiều chiều
Ý ông có phải là phía sản phụ cũng có thể chịu trách nhiệm về các tai biến sản khoa?
Thực tế cho thấy, không ít sản phụ tự cho mình cái quyền thích thì đi khám thai không thích thì thôi. Có sản phụ chỉ siêu âm và coi đó như là khám thai rồi. Siêu âm không thôi thì làm sao biết được cân nặng, chiều cao của mẹ, của thai nhi cũng như nhiều chỉ số sinh lý khác nữa.
Rồi đăng ký nơi đẻ, có trường hợp cũng không mấy quan tâm. Chỉ gần đến ngày đẻ mới tìm đến một chỗ nào đó đăng ký thì thật nguy hiểm.
Ngược lại, cũng phải xem xét trách nhiệm của thầy thuốc, bệnh viện cũng như cơ quan quản lý y tế. Tại BV PST.Ư, số lượng bệnh nhân về khám chữa bệnh đông đã gây tình trạng quá tải trong khám, và điều trị, làm xuống cấp nhanh dụng cụ, thiết bị, nhà cửa, vệ sinh môi trường.
Thái độ của cán bộ y tế cũng có thể xấu đi do họ phải làm việc trong trạng thái quá tải.
Ngoài ra, là cơ quan đầu ngành phụ sản chỉ đạo và quản lý trực tiếp các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản tại 32 tỉnh, thành phía bắc, chúng tôi cũng thấy phần nào thực trạng.
Chẳng hạn về hoạt động hồi sức cấp cứu, nhiều bệnh viện phụ sản chỉ có phòng hồi sức sau mổ, chưa có đơn nguyên hồi sức cấp cứu độc lập, chưa có dụng cụ và nhân lực dành cho hồi sức và cấp cứu bệnh nhân nặng.
Chưa có thiết bị chuyên sâu cho hồi sức như máy thở, máy shock điện, monitoring. Nhiều nơi không có cả bác sỹ chuyên sâu về hồi sức cấp cứu.
Nhiều khi, hoạt động hồi sức cấp cứu do phòng mổ đảm nhận. Một số nơi, phòng thủ thuật chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và phòng mổ chưa thuận lợi. Tình trạng phẫu thuật chung với các phẫu thuật khác ở bệnh viên đa khoa vẫn phổ biến.
Nhiều tỉnh thậm chí chưa có phòng mổ nhiễm trùng riêng. Rồi cả BV PST.Ư và các cơ sở y tế tỉnh hiện chưa thực hiện được nối mạng và hội chẩn trực tiếp qua truyền hình.
Cám ơn ông.
QD
Thực hiện