Chăm sóc con sau chích hẹp quy đầu

Con bạn vừa trải qua một cuộc tiểu phẫu, dù không đáng ngại nhưng bạn vẫn cần đặc biệt chú ý tới vết thương của trẻ.

Vệ sinh đúng cách

Tuy chích hẹp quy đầu là một tiểu phẫu nhưng vẫn gây đau cho bé. Cảm giác này càng khó chịu sau mỗi lần đi tè nên có thể bé sẽ quấy khóc nhiều, thậm chí là hơi sốt. Tại vết cắt sẽ có biểu hiện hơi sưng, phù nề trong khoảng 2 ngày nên các mẹ cũng không cần quá lo lắng khi thấy biểu hiện này. Tuy nhiên bé có thể bị nhiễm trùng.

Để phòng viêm nhiễm, các mẹ cần tuyệt đối giữ vệ sinh “cây đèn dầu” cho bé. Nhiều người nghĩ rằng vết thương vẫn còn hở miệng thì không nên rửa ráy vì sợ nó sẽ bị loét và nhiễm trùng. 

Tuy nhiên, không vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, gây bội nhiễm. Do vậy, bạn cần thay băng và rửa vết thương bằng nước muối loãng cho bé mỗi ngày.

Việc vệ sinh này là vô cùng quan trọng bởi nếu không cẩn thận, vết thương sẽ lâu lành và để lại sẹo xấu xí trên “cây đèn dầu” của bé. Thế nên, nếu không tự tin làm việc này ở nhà, mẹ hãy đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhà để nhận được sự trợ giúp, đặc biệt là trong 1-2 ngày đầu sau phẫu thuật.

Luôn giữ khô thoáng

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý đến sự khô thoáng “cậu nhỏ” của bé. Sau khi làm công tác vệ sinh xong, bạn cần lau sạch bằng khăn mềm, khô, tránh tình trạng sũng nước, gây ẩm thấp ở vùng đó. Đặc biệt, sau mỗi lần bé đi tiểu, bạn cũng cần dùng khăn giấy thấm khô nước tiểu ở đầu dương vật, vừa hạn chế sự xâm lăng của vi khuẩn, vừa giúp “vùng kín” của bé được khô ráo. Nếu chẳng may băng bị ướt vì lý do nào đó, cần thay ngay một miếng băng sạch khác.

Hạn chế xà phòng

Mặc dù xà phòng có tính sát khuẩn nhưng cũng có thể gây ra kích ứng cho vết thương. Do đó trong trường hợp này, bạn lại cần hạn chế dùng xà phòng tắm rửa cho con. Quần áo cho bé cũng cần xả nhiều lần bằng nước để đảm bảo hết xà phòng.

Cần mặc quần áo rộng

Trong thời gian vết thương chưa lành, hãy cho bé mặc quần rộng rãi, thoáng mát. Hãy mặc sịp cho bé trong thời gian này vì nó có thể giúp “cậu nhỏ” ở tư thế cố định, tránh những va chạm khi ở trạng thái “rơi tự do”. Trẻ con rất hiếu động nên bạn cần canh chừng không cho bé chạy nhảy, vận động mạnh nếu không sẽ khiến vết thương mau lành, thậm chí là chảy máu.

Dấu hiệu cần tái khám

Hãy cho bé gặp bác sỹ nếu: Vết thương không ngừng chảy máu; Bé không đi tiểu được trong vòng 6-8 giờ sau khi cắt bao quy đầu; Trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng, bao gồm sốt cao, tấy đỏ, sưng sau 3 ngày và có mùi hôi; “Cây đèn dầu” của bé tiếp tục tiết dịch vàng sau 7 ngày.

Theo Bảo Châu

Theo SKGĐ