Những giọt nước mắt
Chiều 3/1, hơn 50 sinh viên tham dự buổi talk show Nghèo là vốn liếng - vượt khó, vươn xa. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình Nâng bước Thủ khoa 2024. Tại đây, nhiều sinh viên bật khóc khi nghe tâm sự từ những bạn cùng hoàn cảnh.
Châu Minh Phát, thủ khoa ngành Công nghệ Thông tin, Đại học Sư Phạm kỹ thuật TPHCM, mất mẹ từ khi học lớp 9. Gia đình khó khăn lại có thêm 2 em nhỏ, Phát tự nhủ phải vươn lên trong học tập vì “nếu bỏ cuộc thì ai sẽ chăm sóc các em mình”.
“Mẹ em mất khi sát Tết. Lúc đó, không khí gia đình em là một màu xám. Em sốc, trầm cảm một thời gian dài vì phải chịu nỗi đau quá lớn. Nhưng thấy ở ngoài còn nhiều người khó khăn hơn, em đã lấy lại tinh thần và nỗ lực nhiều hơn trong học tập”, Phát chia sẻ.
Cậu tân sinh viên nói thêm nhận thấy gia đình khó khăn, em đã kiếm việc làm thêm từ năm lớp 8 để có tiền trang trải học phí. Phát khiêm tốn cho biết kết quả đỗ thủ khoa của mình là do may mắn và nỗ lực, chứ bản thân mình không phải là một người giỏi.
“Em chọn theo ngành công nghệ thông tin và theo đuổi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để đón đầu xu thế công nghệ toàn cầu. Em mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển của đất nước”, Phát nói về dự định trong tương lai.
Trước hoàn cảnh của Phát, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung - Tổng Giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc - cảm động trước nghị lực của Phát.
“Tôi tin Phát sẽ vững bước trong những năm trên giảng đường và gặt hái nhiều thành công trong tương lai. Thời gian tới, chúng ta có thể ngồi ở hành tinh này thực hiện công việc ở hành tinh khác. Công nghệ sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công việc, học tập. Ngành học của Phát chọn là sự sáng suốt, cần thiết cho tương lai”, bác sĩ Tú Dung nói.
Học để thoát nghèo
Câu chuyện của Trần Ngọc Anh Thy (sinh viên Trường đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương) cũng khiến cả hội trường lặng xuống, nhiều sinh viên rơi nước mắt.
Bố Thy mất vì bệnh ung thư khi em mới 17 tháng tuổi, mình mẹ phải gánh vác cả gia đình. Do hoàn cảnh, hai chị em Thy phải sống nhờ nhà bà để mẹ đi làm. Chị gái của Thy dù không muốn nhưng đành từ bỏ ước mơ tới giảng đường để làm công nhân, kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Đôi lần, Thy cũng từng nghĩ sẽ dừng việc học học nhưng nhờ sự động viên của mẹ, nữ sinh tiếp tục đến trường dù con đường còn vô vàn khó khăn. “Em cảm thấy vui và may mắn khi được chương trình Nâng bước Thủ khoa của Báo Tiền Phong lựa chọn trao học bổng. Đây là động lực vật chất lẫn tinh thần giúp em vượt qua khó khăn”, Thy bày tỏ.
Trước vấn đề có nên học đại học hay nghỉ học đi làm sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Tú Dung cho hay đây là vấn đề được bàn tới nhiều trong thời gian gần đây.
Ông đưa ra dẫn chứng nhiều cử nhân sau khi tốt nghiệp đại học chỉ có mức lương khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, trong khi những người buôn bán, không cần bằng cấp có thể kiếm số tiền gấp đôi. Tuy vậy, vị bác sĩ vẫn khẳng định học đại học đôi khi có thể thất bại nhưng không học có thể thất bại lớn hơn.
“Bố tôi từng nói chỉ con đường học là lối thoát cho tụi con. Cả gia đình tôi 8 anh chị em đều nỗ lực vươn lên và vào đại học. Và sự học là không ngừng nghỉ, học để hướng đến thành công lớn hơn”, bác sĩ Tú Dung đưa ra lời khuyên.