Khi Sơn Tùng xuất hiện, tất cả chỉ còn là cái tên
Sau một thời gian im tiếng, Sơn Tùng tái xuất bằng phần trình diễn có thời lượng hơn 30 phút, giữ vai trò "kết show" cho một trong những chương trình âm nhạc ngoài trời quy mô lớn nhất từ đầu năm 2024. Từ khá lâu, nhạc Việt mới lại có một sân khấu live bùng nổ và tạo hiệu ứng mạng xã hội mạnh mẽ như vậy. Sức nóng Sơn Tùng tạo ra nhanh chóng lan tỏa ngay trong đêm và dư âm kéo dài đến tận hiện tại.
Sự bùng nổ của Sơn Tùng là tổng hòa của những yếu tố: Âm nhạc bùng nổ, sự dàn dựng chỉn chu về trình diễn sân khấu, âm thanh khán giả và luôn có lối dẫn dắt, khuấy động thông minh. Sơn Tùng có thể hát live kém hơn một loạt đồng nghiệp. Nam ca sĩ cũng chưa bao giờ được đánh giá cao về nền tảng vũ đạo. Thế nhưng, bằng chất riêng, Sơn Tùng biết cách trộn lẫn mọi thứ và tạo nên phiên bản duy nhất của nhạc Việt.
30 phút bùng nổ của Sơn Tùng
Sơn Tùng mang đến sân khấu gần nhất công thức quen thuộc. Anh xuất hiện với intro (đoạn nhạc đặc trưng để mở màn phần trình diễn), sau đó tiếp tục với danh sách bài hát biểu diễn theo thỏa thuận từ đầu với chương trình. Tại đây, Sơn Tùng lần lượt hát Hãy trao cho anh, Lạc trôi, Chúng ta không thuộc về nhau, Em của ngày hôm qua và Đừng làm trái tim anh đau.
Toàn bộ ca khúc được Sơn Tùng phối mới, với điểm nhấn là làm lại bộ trống, bass để phù hợp tính chất biểu diễn sân khấu. Với vai trò kết show, Sơn Tùng được chương trình ưu ái về thời lượng, cùng hiệu ứng sân khấu hoành tráng nhất trong các tiết mục. Thậm chí, những tiểu tiết của chương trình như hiệu ứng đánh lửa, nhả khói được dàn dựng đặc biệt kỹ lưỡng để bám theo từng khoảnh khắc của Sơn Tùng.
Nam ca sĩ mở màn bằng một phân đoạn rap cho intro, trên nền nhạc Trap bắt tai với âm thanh chủ đạo là kèn trumpet. Sơn Tùng dẫn dắt khán giả hòa nhịp bằng việc hô tên M-TP.
Khác biệt lớn nhất giữa Sơn Tùng và phần còn lại trong dàn nghệ sĩ của chương trình là khả năng khuấy động. Không phải chỉ riêng sân khấu này mà ở rất nhiều sân khấu khác, Sơn Tùng luôn bắt đúng nhịp nhạc, ở khoảnh khắc hợp lý để bắt nhịp khán giả. Đến các phân đoạn bùng nổ nhất, điển hình như drop trong tiết mục Chúng ta không thuộc về nhau, Sơn Tùng thay luôn vai trò của một MC Hype.
Xuyên suốt phần trình diễn của Sơn Tùng, có 3 lần gián đoạn âm nhạc để nhường sân cho màn giao lưu. Lúc này, giọng ca quê Thái Bình kiêm cả vai trò MC để giao lưu khán giả, tri ân fanclub và khéo léo quảng bá cho đơn vị tài trợ, tổ chức show.
Những nghệ sĩ khác trong chương trình chỉ dành vài phút, đan xen các phần trình diễn để giao lưu khán giả. Trong khi đó, một nửa thời lượng Sơn Tùng đứng trên sân khấu không dành cho việc hát. Không phải ca sĩ nào cũng dám đối diện kịch bản này, khi khả năng "chết sân khấu" rất cao, nếu không đủ tinh tế và khôn khéo khi giao lưu khán giả. Nhưng Sơn Tùng đã quá thuần thục với chuyện này.
Cùng một đêm, gần như tất cả ca sĩ/rapper nổi nhất thị trường nhạc Việt hiện tại đều bước lên sân khấu. Các tiết mục của Sơn Tùng có sự "viral" vượt trội, trước hết vì độ nhận diện của nam ca sĩ vẫn ở nhóm đầu. Âm nhạc Sơn Tùng mang lên sân khấu có đầu tư, khác biệt tạo cảm giác "cũ mà mới", thu hút khán giả trên mạng.
Quan trọng hơn cả là Sơn Tùng có sự hậu thuẫn của chương trình để đẩy các tiết mục nhanh chóng chiếm sóng. Với quy mô sân khấu thế này, tổng mức đầu tư có thể lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong đó, kinh phí quảng bá cho show chiếm 1/10 hoặc 1/20 trên tổng đầu tư là chuyện bình thường.
Sơn Tùng vừa tự tạo "viral" bằng tên tuổi của mình, vừa có trợ giúp đắc lực từ đơn vị tổ chức chịu chi bậc nhất hiện tại. Thế nên nam ca sĩ chiếm sóng mạng xã hội trong những ngày qua là điều dễ hiểu.
Thực hư cát-xê tiền tỷ của Sơn Tùng
Từ cơn sốt Sơn Tùng những ngày gần đây, câu chuyện cát-xê tiền tỷ của nam ca sĩ lại được cộng đồng mạng tranh luận. Nhiều khán giả cho rằng ngay lúc này, để mời Sơn Tùng bước lên sân khấu, mức cát-xê tính bằng tiền tỷ. Thậm chí, có ý kiến khẳng định cát-xê tiền tỷ cho Sơn Tùng được tính theo từng bài hát, chứ không chỉ là tổng thể chương trình.
Từ tiết lộ của những người hoạt động ngành âm nhạc, đúng là cát-xê của Sơn Tùng đã chạm con số tiền tỷ từ nhiều năm trước. Những chương trình biểu diễn của ca sĩ được chia thành nhiều loại hình khác biệt, như: Chương trình do nhãn hàng tổ chức, chương trình có yếu tố nhãn hàng, chương trình cho nhóm khán giả học sinh - sinh viên, chương trình thiện nguyện,...
Với riêng chương trình có yếu tố nhãn hàng vượt trội, cát-xê của Sơn Tùng sẽ ở mức kịch trần, tức con số tiền tỷ. Xét theo mặt bằng thị trường hiện tại, đây là con số điên rồ. Nhưng với vị thế của riêng Sơn Tùng, nhất là hiệu ứng từ chương trình mới nhất, có thể lý giải vì sao nam ca sĩ nhận mức đãi ngộ cao như vậy.
Một chương trình bỏ tiền tỷ để mời Sơn Tùng, không chỉ vì mục đích đưa nam ca sĩ bước lên sân khấu biểu diễn âm nhạc. Sự xuất hiện của Sơn Tùng là con bài chiến lược quyết định thành bại cho kế hoạch quảng bá trước, trong và sau chương trình. Cát-xê của Sơn Tùng còn liên quan trực tiếp đến việc nhãn hàng/một tổ chức nào đó sử dụng hình ảnh của nam ca sĩ.
Giá trị "viral" của Sơn Tùng đang ở giai đoạn đỉnh cao của nam ca sĩ. Nó hiệu quả cả về mặt lan tỏa tự nhiên và quảng bá có chủ đích.
Cùng một thời điểm, cạnh tranh sức nóng mạng xã hội cùng Sơn Tùng là những đại diện tiêu biểu của thị trường. Đó là Soobin Hoàng Sơn, Hieuthuhai đều đứng ở vị trí "headline" bên cạnh giọng ca quê Thái Bình. Ở đầu cầu TP.HCM, Karik - người đang có hiệu ứng tên tuổi tốt khi làm HLV Rap Việt - mang đến phần trình diễn hoành tráng trên một sân khấu. Những hiện tượng gen Z như Tlinh cũng xuất hiện với phần trình diễn đầu tư mạnh.
Thế nhưng, như một ý kiến khán giả chia sẻ: "Khi Sơn Tùng xuất hiện, tất cả chỉ còn là cái tên". Đây là nhận xét nửa đùa nửa thật, nhưng thực tế phản ánh vị trí của Sơn Tùng vẫn đặc biệt.