Cấp bách xử lý “thẻ vàng” của EC

TP - Ngày 15/12, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phụ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Ngư dân vươn khơi nhưng phải tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế. Ảnh minh họa.

Tàu cá vi phạm ngày càng tăng

Báo cáo tại hội nghị, ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết: Tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, các nước, vùng lãnh thổ có đòi hỏi chủ quyền tăng cường lực lượng để ngăn cản, uy hiếp, đập phá tịch thu tài sản, thậm chí đâm va, đâm chìm tàu cá của ta hoạt động ở ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Tại các vùng biển chồng lấn, tranh chấp chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là với Indonesia trong thời gian gần đây phức tạp. Indonesia tổ chức truy bắt, bắt giữ tàu cá và ngư dân ta khai thác trên khu vực phía Bắc đường phân định thềm lục địa Việt Nam - Indonesia (về phía Việt Nam) để đòi yêu sách chủ quyền, gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân, đe dọa đến an ninh chủ quyền quốc gia.

Bên cạnh đó, theo ông Huy, từ năm 2015 tình hình tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ có xu hướng tăng.

Trước diễn biến này, từ ngày 15 đến 19/5/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã làm việc với Việt Nam về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp (IUU Fishing), đặc biệt là tàu cá nước ta vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. EC ra cảnh báo và yêu cầu Việt Nam phải triển khai ngay các biện pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp mạnh. Dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 732/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Ngày 23/10, EC đã chính thức áp dụng cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam khi chưa đáp ứng các khuyến nghị về ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

 Phạt tù nặng việc khai thác bất hợp pháp

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Việt Nam có 6 tháng để khắc phục thiếu sót, nếu không cải thiện đánh giá, trong đó có 9 khuyến nghị của EU sẽ bị chuyển sang cảnh báo “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu mặt hàng hải sản sang EU. Từ thực tế đó, ông Nam đưa ra các kiến nghị bộ, ngành trung ương, trong đó cần thực hiện nghiêm công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ; đối thoại cấp cao giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT với Cao ủy phụ trách IUU của EC cho riêng vấn đề thẻ vàng càng sớm càng tốt… Hiện nay VASEP đang phối hợp với các tổ chức quốc tế làm Sách trắng IUU, các cơ quan bộ, ngành cần có hỗ trợ để sớm phát hành vào cuối tháng 12/2017.

Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng vụ pháp chế - thanh tra (Tổng cục Thủy sản) cho biết: Luật Thủy sản mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Cơ quan soạn thảo luật rất coi trọng việc kiến nghị của EC nên Luật Thủy sản có 9 chương thì trong đó 8 chương với 40 điều có nội dung liên quan đến thẻ vàng IUU. Luật dành hẳn một điều quy định hành vi, được coi là khai thác bất hợp pháp, không báo cáo không theo quy định. Bà Huệ cho biết, trong luật mới quy định nếu khai thác các vùng cấm và hải sản cấm… sẽ bị xem xét truy tố.